Khi nào Trung Quốc có đối thủ xứng tầm Nvidia?

Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:36, 23/09/2024

Trung Quốc mong muốn có một công ty bán dẫn nội địa đạt đến đẳng cấp của Nvidia, nhưng đây không phải điều đơn giản.

Các công ty Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để có giải pháp sản xuất thay thế khả thi cho chip AI của Nvidia. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong vài năm qua cùng với sự thống trị của Nvidia trong lĩnh vực này khiến tham vọng đó khó đạt được, ít nhất trong ngắn hạn.

Hàng loạt hãng điện toán đám mây lớn đã mua các sản phẩm máy chủ, chứa GPU Nvidia. Những con chip này cho phép những công ty như OpenAI đào tạo các mô hình AI dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ. Các mô hình AI lại là nền tảng cho các ứng dụng AI như chatbot.

Chính phủ Mỹ cấm xuất khẩu chip tiên tiến nhất của Nvidia sang Trung Quốc kể từ năm 2022 và siết chặt các hạn chế vào năm ngoái.

tvdi5kjm.png
Một số ứng cử viên hàng đầu của bán dẫn Trung Quốc. Ảnh: Wccftech

Một số công ty đại lục như Huawei, Alibaba, Baidu… đang tìm cách lấp chỗ trống của Nvidia, nhưng đều tụt hậu so với “đại gia” công nghệ Mỹ.

Theo nhà phân tích cấp cao Wei Sun của hãng nghiên cứu Counterpoint, dù đạt tiến bộ đáng chú ý trong phát triển chip AI cho các ứng dụng cụ thể (ASIC), vẫn có những thách thức đáng kể về khoảng cách công nghệ.

Những thách thức chính của bán dẫn Trung Quốc

Sun nhấn mạnh, một trong những thách thức của các công ty Trung Quốc là “thiếu chuyên môn công nghệ”. Song, chính các lệnh trừng phạt của Mỹ và tác động dây chuyền của chúng mới đặt ra những rào cản lớn nhất đối với tham vọng của Trung Quốc.

Một số đối thủ hàng đầu của Nvidia đã bị đưa vào danh sách đen, hạn chế quyền truy cập công nghệ Mỹ. Vài lệnh cấm khác hạn chế xuất khẩu các chất bán dẫn và máy móc quan trọng liên quan đến AI sang Trung Quốc.

Các công ty GPU của Trung Quốc đều thiết kế chip rồi thuê sản xuất. Dù vậy, hạn chế của Mỹ đồng nghĩa nhiều hãng không thể tiếp cận chip do TSMC sản xuất nên phải chuyển sang SMIC, vốn vẫn đi sau. Một phần lý do khiến SMIC bị tụt lại là Washington hạn chế SMIC mua máy móc tiên tiến từ ASML của Hà Lan.

Theo Paul Triolo, quản lý tại công ty tư vấn Albright Stonebridge, Huawei đang thúc đẩy chip hiện đại hơn trong smartphone và chip AI.

Nút thắt ở đây là SMIC phải phân chia nguồn lực sản xuất hạn chế giữa Huawei, các startup GPU và nhiều hãng thiết kế Trung Quốc khác không tiếp cận được TSMC.

Nvidia không chỉ có GPU

Nvidia tìm thấy thành công nhờ chất bán dẫn tiên tiến, nhưng không thể bỏ qua phần mềm CUDA, cho phép các nhà phát triển viết ứng dụng chạy trên phần cứng của họ. Điều này dẫn đến sự phát triển khó sao chép của hệ sinh thái xung quanh các sản phẩm của Nvidia.

Triolo xác định Huawei là một trong những đối thủ hàng đầu của Nvidia ở Trung Quốc với loạt bộ xử lý trung tâm dữ liệu Ascend. Công ty chuẩn bị ra mắt Ascend 910C, có thể ngang bằng với Nvidia H100.

Trong báo cáo thường niên đầu năm nay, Nvidia cũng công nhận Huawei là đối thủ trong các lĩnh vực như chip, phần mềm cho AI và sản phẩm mạng.

Huawei nắm giữ nhiều lợi thế trong phần mềm và cộng đồng nhà phát triển, nhưng cũng như phần còn lại của ngành, họ có những thách thức lớn nếu muốn đấu với Nvidia như sản xuất đủ số lượng Ascend 910D, tiếp tục đổi mới và cải thiện hiệu suất phần cứng trong bối cảnh bị các lệnh cấm vận từ Mỹ bủa vây.

Những khó khăn mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt được thể hiện rõ ràng trong hai năm qua. Vào năm 2022, Biren Technology tiến hành sa thải nhân sự và Moore Threads thực hiện vào năm tiếp theo. Cả hai đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Dù vậy, họ vẫn nuôi hy vọng, tìm cách huy động tiền để tài trợ cho các mục tiêu của mình, chẳng hạn thông qua IPO.

(Theo CNBC, wccftech)