Phi hành gia mắc kẹt hé lộ cuộc sống trên trạm vũ trụ quốc tế

Tin thế giới - Ngày đăng : 05:55, 23/09/2024

Cuộc sống ở độ cao 400km so với Trái đất sẽ như thế nào? Các phi hành gia ăn uống, tập thể dục và giặt quần áo ra sao? Những thông tin khiến nhiều người tò mò sẽ được các nhà du hành vũ trụ giải đáp.
phi hành gia bbc

Hồi tháng 6, hai phi hành gia Mỹ Suni Williams và Butch Wilmore rời Trái đất và dự kiến sẽ ở 8 ngày trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Tuy nhiên, sau khi có những lo ngại rằng tàu vũ trụ Boeing Starliner của họ không đủ an toàn để trở về Trái đất, NASA quyết định tới năm 2025 họ mới quay về.

Suni Williams và Butch Wilmore đang chia sẻ không gian có kích thước bằng một ngôi nhà 6 phòng ngủ với 9 người khác. Nữ phi hành gia Williams gọi đó là "nơi hạnh phúc" của cô còn nam đồng nghiệp Wilmore nói biết ơn khi được ở đó.

Trong một cuộc trò chuyện mới đây với hãng tin BBC, ba nhà du hành vũ trụ đã hé lộ bí quyết sống sót trên quỹ đạo.

Cuộc sống trong vũ trụ

Các phi hành gia thường thức dậy lúc khoảng 6h30, họ sẽ rời khỏi khu vực ngủ có kích thước bằng một buồng điện thoại trong mô đun ISS tên là Harmony.

"Nó có túi ngủ tuyệt nhất thế giới", phi hành gia người Mỹ Nicole Stoff, người đã sống 104 ngày trong không gian khi tham gia hai sứ mệnh vào năm 2009 và 2011 cho hay. Các khoang ngủ có máy tính xách tay để phi hành gia có thể giữ liên lạc với gia đình và một góc để đồ dùng cá nhân như ảnh hoặc sách.

Sau đó, các phi hành gia sẽ sử dụng phòng tắm, vốn là một khoang nhỏ có hệ thống hút. Thông thường mồ hôi và nước tiểu được tái chế thành nước uống nhưng một lỗi trên ISS khiến phi hành đoàn hiện phải lưu trữ nước tiểu.

Tiếp theo, các phi hành gia bắt đầu làm việc. Bảo trì hoặc làm thí nghiệm khoa học là những việc chiếm nhiều thời gian nhất trên ISS, nơi có kích thước bằng một sân bóng ở Mỹ.

ISS có 6 phòng thí nghiệm chuyên dụng để thử nghiệm. Các phi hành gia đeo máy theo dõi tim, não hoặc máu để đo phản ứng của họ với môi trường vật lý đầy thách thức.

"Chúng tôi là những con chuột bạch", nữ phi hành gia Stott cho biết và kể thêm rằng "không gian vũ trụ khiến xương, cơ của bạn bị lão hóa nhanh hơn và các nhà khoa học có thể học hỏi từ điều đó".

phi hành gia bbc

Mùi không gian kim loại

Một số phi hành gia từng được yêu cầu đi bộ ngoài không gian như nhà du hành vũ trụ người Canada Hadfield kể: "15h ở ngoài không gian, không có gì ngăn cách giữa tôi và vũ trụ ngoài tấm che bằng nhựa... Những chuyến đi bộ ngoài không gian có thể mang tới điều mới lạ cho trạm vũ trụ - mùi không gian kim loại".

Helen Sharman - phi hành gia người Anh từng có mặt 8 ngày trên trạm vũ trụ của Liên Xô vào năm 1991 giải thích: "Trên Trái đất, chúng ta ngửi thấy nhiều mùi khác nhau, như mùi quần áo giặt bằng máy hay không khí trong lành. Trong vũ trụ chỉ có một mùi và chúng tôi đã quen với nó rất nhanh.

Các đồ dùng để ra bên ngoài, như bộ đồ hoặc bộ dụng cụ khoa học, bị ảnh hưởng bởi bức xạ mạnh của không gian. Bức xạ tạo thành các gốc tự do trên bề mặt và chúng phản ứng với oxy bên trong trạm vũ trụ, tạo ra mùi kim loại".

Giữa giờ làm việc, các phi hành gia có thời gian ở trên ISS dài ngày sẽ phải tập thể dục 2 giờ mỗi ngày. Ba chiếc máy khác nhau giúp họ chống lại tác động của việc sống trong điều kiện không trọng lực, làm giảm mật độ xương.

Mặc 1 chiếc quần suốt 3 tháng

Nữ phi hành gia Stott kể, việc tập thể dục sẽ làm đổ mồ hôi, dẫn tới một vấn đề rất quan trọng, đó là giặt giũ. "Chúng tôi không có đồ giặt, chỉ có nước đọng thành cục và một ít xà phòng. Nếu không có trọng lực kéo mồ hôi ra khỏi cơ thể, các phi hành gia sẽ bị bao phủ bởi một lớp mồ hôi - nhiều hơn nhiều so với trên Trái đất... Khi cảm thấy mồ hôi chảy trên da đầu, tôi phải lau vì nếu giũ mồ hôi thì những giọt nước sẽ bay khắp nơi".

Quần áo dính mồ hôi bẩn tới mức phải quẳng vào xe chở hàng rồi bị đốt cháy trong khí quyển. Tuy nhiên, quần áo hàng ngày của phi hành đoàn vẫn sạch sẽ. Scott giải thích: "Trong môi trường không trọng lực, quần áo nổi trên cơ thể nên dầu và mọi thứ khác không gây ảnh hưởng. Tôi chỉ mặc một chiếc quần trong 3 tháng.

Tuy nhiên, thức ăn là mối nguy hiểm lớn nhất. Ai đó mở một lon thịt và nước sốt thì mọi người đều cảnh giác lùi lại vì những cục mỡ nhỏ trôi ra ngoài".

phi hành gia bbc
Phi hành gia Stott.

Ăn, ngủ trong vũ trụ

Sau một ngày làm việc vất vả, các phi hành gia sẽ ăn tối. Thức ăn chủ yếu được đóng lại thành từng gói, chia thành nhiều ngăn khác nhau theo quốc gia.

Stott kể: "Thức ăn giống như thức ăn khi đi cắm trại hay khẩu phần ăn của quân đội. Ngon nhưng có thể lành mạnh hơn. Món tôi thích nhất là cà ri Nhật Bản, hoặc ngũ cốc và súp của Nga".

Các gia đình gửi cho người thân yêu những gói thức ăn. "Chồng và con trai tôi đã chọn những món nhỏ, như gừng phủ sô cô la cho tôi", nhà du hành này cho hay. Hầu hết thời gian, phi hành đoàn chia sẻ thức ăn với nhau.

Sau khi ăn tối, các phi hành gia đi ngủ sau một ngày hứng chịu âm thanh ồn ào do quạt chạy liên tục để phân tán các túi khí CO2, giúp họ có thể thở. "Chúng tôi có thể ngủ 8h nhưng hầu hết mọi người đều kẹt ở ô cửa sổ nhìn xuống Trái đất", Stott kể.