Quân sự thế giới hôm nay (23-9): Iran ra mắt tên lửa đạn đạo Jihad, UAV cảm tử Shahed-136B
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:10, 23/09/2024
* Hàn Quốc xuất khẩu hệ thống phòng không KM-SAM II sang Iraq
Theo đơn hàng trị giá 2,8 tỷ USD, Công ty Hàn Quốc LIG Nex1 sẽ cung cấp cho Bộ Quốc phòng Iraq 8 khẩu đội hệ thống tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM II (còn gọi là Cheongung-II). Với hợp đồng này, Iraq đã trở thành khách hàng Trung Đông thứ 3 của Hàn Quốc, sau Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Mốc thời gian thực hiện hợp đồng vẫn chưa được tiết lộ.
KM-SAM là một phần của chiến lược phòng thủ đa tầng nhằm đánh chặn mục tiêu máy bay và tên lửa đạn đạo bằng hệ thống dẫn đường quán tính, cập nhật giữa hành trình và dẫn đường radar chủ động ở giai đoạn cuối. Ảnh: Army Recognition |
Theo Defense Express, mỗi khẩu đội gồm 1 sở chỉ huy, 1 hệ thống radar đa chức năng mảng pha quét điện tử chủ động, 4 đến 6 bệ phóng, mỗi bệ 8 tên lửa. Tên lửa KM-SAM II có khả năng đánh chặn các mục tiêu trên không như máy bay và tên lửa đạn đạo ở độ cao lên tới 50km thông qua công nghệ khai hỏa-tiêu diệt. Tên lửa có đầu đạn nổ mạnh, có khả năng phá hủy trực tiếp tên lửa của đối phương nhờ sử dụng hệ thống phóng tiên tiến và công nghệ đẩy điều chỉnh giai đoạn cuối hành trình bay. Tốc độ tối đa của tên lửa là Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh).
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung KM-SAM II, được mệnh danh là hệ thống tên lửa phòng không Patriot phiên bản Hàn Quốc. Hệ thống này có thể tấn công đồng thời 6 mục tiêu và được trang bị phương tiện chế áp điện tử.
* Nigeria đặt hàng trực thăng Prachand của Ấn Độ
Theo trang Defence của Ấn Độ, Bộ Quốc phòng Nigeria đã đặt mua 4 trực thăng tấn công hạng nhẹ Prachand của Công ty phát triển công nghệ hàng không và quốc phòng Hindustan Aeronautics của Ấn Độ. Giá trị của thỏa thuận vẫn chưa được tiết lộ. Nigeria là khách hàng nước ngoài đầu tiên của dòng trực thăng tấn công này.
Trực thăng tấn công hạng nhẹ Prachand. Ảnh: Defense Express |
Trực thăng tấn công hạng nhẹ Prachand được phát triển trên nền tảng trực thăng tiện ích Dhruv. Trực tăng được trang bị 2 rotor, mỗi rotor có công suất 1032kW, cho phép trực thăng cất cánh với trọng lượng tối đa 5.800kg, bao gồm tải trọng 1.700kg. Trực thăng có thể đạt tốc độ 280km/giờ, bay liên tục 3 giờ 10 phút, phạm vi hoạt động tối đa 700km.
Trực thăng cũng được tích hợp hàng loạt các công nghệ và bộ phận của nước ngoài, gồm động cơ của Safran Ardiden (Pháp) được sản xuất ngay trong nước, hệ thống ngắm quang điện tử của Elbit (Israel), hệ thống cảnh báo tên lửa do Saab (Thụy Điển) cung cấp.
Về vũ khí, trực thăng Prachand được trang bị pháo tự động Nexter THL-20 20mm, tên lửa dẫn đường laser FZ275 và hệ thống tên lửa Mistral.
* Iran trình làng tên lửa đạn đạo Jihad, UAV cảm tử Shahed-136B
Iran vừa công bố tên lửa đạn đạo tầm xa có độ chính xác cao mới Jihad do nước này tự sản xuất và UAV cảm tử (còn gọi là đạn tuần kích) Shahed-136B tại lễ diễu binh lớn do Lực lượng vũ trang Iran tổ chức tại Tehran.
Iran trình làng tên lửa đạn đạo tầm xa Jihad. Ảnh: Sputnik đăng trên mạng xã hội X |
Tên lửa đạn đạo Jihad sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn lên tới 1.000km. Tên lửa này được Lực lượng Hàng không vũ trụ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiết kế và phát triển. Theo trang Tasnim, có thể thấy tên lửa đạn đạo Jihad là phiên bản tối ưu của tên lửa Qiam sử dụng nhiên liệu lỏng, với tầm bắn tăng từ 800km lên 1.000km và được trang bị đầu đạn dẫn đường nặng khoảng 600kg và di chuyển với tốc độ Mach 8. Tên lửa đạn đạo Jihad có bệ phóng tên lửa kép cho phép phóng đồng thời 2 tên lửa, do đó tăng cường hiệu quả tác chiến mặc dù thời gian chuẩn bị lâu hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng. Jihad là một trong 21 mẫu tên lửa đạn đạo được Iran phô diễn tại cuộc diễu binh.
Máy bay không người lái cảm tử Shahed-136B. Ảnh: Defence Blog |
Máy bay không người lái cảm tử Shahed-136B là phiên bản nâng cấp của Shahed-136. Máy bay được trang bị động cơ phản lực, có tầm bắn từ 2.500km đến 4.000km. Đây cũng là sản phẩm của Lực lượng Hàng không vũ trụ của IRGC.
* Hải quân Indonesia tiếp nhận 2 tàu tuần tra xa bờ mới
Bộ Quốc phòng Indonesia và Công ty đóng tàu PT Daya Radar Utama (DRU) vừa hạ thủy 2 tàu tuần tra xa bờ hiện đại mới: Tàu KRI Raja Haji Fisabilillah (391) và tàu KRI Lukas Rumkorem (392).
Tàu tuần tra xa bờ KRI Raja Haji Fisabilillah (391). Ảnh: Bộ Quốc phòng Indonesia |
Dài 90m, 2 tàu tuần tra xa bờ đạt tốc độ tối đa 51,8km/giờ, tốc độ hành trình khoảng 37km/giờ. Hai tàu được trang bị hệ thống vũ khí và cảm biến tinh vi đưa chúng lên ngang tầm với các khinh hạm hạng nhẹ. Theo Giám đốc của PT DRU, những tàu này được trang bị vũ khí để đối phó các mối đe dọa trên không, trên biển và dưới nước. Một trong số vũ khí hiện đại trên tàu là pháo bắn nhanh Rheinmetall Millennium 35mm gắn trên nóc nhà chứa trực thăng, 2 bệ phóng tên lửa chống hạm đặt trên boong giữa tàu (mỗi bệ 4 quả), pháo siêu nhanh OTO Melara 76mm bố trí ở mũi tàu.
Ngoài vũ khí ấn tượng, các tàu tuần tra xa bờ này còn được trang bị các tính năng cho phép thực hiện nhiều hoạt động. Cả 2 tàu đều có sân đáp và nhà chứa trực thăng, giúp mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường khả năng thực hiện các nhiệm vụ giám sát hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và tác chiến chống ngầm.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)