Mở rộng phủ sóng nhà máy xử lý nước sạch là nhiệm vụ then chốt, góp phần cải thiện đời sống và phát triển kinh tế địa phương
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 20:51, 21/09/2024
Xác định nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng triển khai Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.
Theo đó, không chỉ tập trung đầu tư công trình cấp nước sạch nhằm từng bước cải thiện điều kiện sinh hoạt, vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho dân cư nông thôn, chương trình còn đồng hành với việc giảm bệnh tật, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Tại Quảng Trị, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị, hiện tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch ở TP Đông Hà là 96,8%, thị xã Quảng Trị 86%. Trong đó, tại thị trấn Cửa Tùng và vùng ven đô của 9 huyện, thị, thành phố, người dân chưa được cấp nước sạch.
Trong giai đoạn 2024 - 2025, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị sẽ đầu tư Dự án Phát triển hệ thống cấp nước thị trấn Cửa Tùng và vùng phụ cận, mục tiêu đến năm 2040 cấp nước cho 38.000 người sử dụng nước sạch ở vùng lân cân.
Riêng giai đoạn 2025 - 2030, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị chú trọng đầu tư Dự án Nhà máy nước Trấm và hệ thống cấp nước liên vùng Hải Lăng - thị xã Quảng Trị - Triệu Phong - TP Đông Hà - Gio Linh - Vĩnh Linh. Dự án được nghiên cứu với quy mô công suất 150.000 m3/ngày là công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, tạo nguồn cấp cho hệ thống cấp nước liên vùng.
Tại Khánh Hòa, việc vận hành nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh được xem là một điểm nhấn khi đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng cấp nước của tỉnh.
Với công suất giai đoạn 1 là 25.000 m3/ngày đêm, công suất quy hoạch trong tương lai lên tới 200.000 m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh không chỉ góp phần đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn quốc gia cho người dân thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh và khu vực phụ cận mà còn là nền tảng, thúc đẩy cho những tiềm năng của tỉnh bứt phá mạnh mẽ trong tương lai.
Đánh giá về dự án nhà máy xử lý nước sạch Sơn Thạnh, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa ghi nhận sự nỗ lực cho việc vận hành từ đơn vị đầu tư, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị, dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100% vào 2030.
Đại diện chủ đầu tư, ông Lều Mạnh Huy – Phó Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư ngành nước DNP cũng cam kết, sau khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ đảm bảo chất lượng và lưu lượng nước, hoàn thiện việc nâng cấp công suất theo đúng lộ trình, góp phần vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của một Khánh Hòa đang trên đà bứt phá.
Nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai đã chú trọng đầu tư hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nông thôn để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số, góp phần mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 160 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng hoạt động hiệu quả. Các công trình này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa.
Để các công trình nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả một cách bền vững, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý vận hành thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ nguồn nước nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn khi khai thác.
Mới nhất, UBND tỉnh Long An vừa có văn bản chỉ đạo các cấp, ngành và cơ sở cấp nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện giải pháp xử lý triệt để, lâu dài đối với vấn đề cấp nước sạch phục vụ cho người dân các xã vùng hạ.
Theo đó, thống kê trong mùa khô 2023-2024, trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ có hơn 10.000 hộ dân thiếu nước trầm trọng. Trong đó, huyện Cần Đước 2.000 hộ, huyện Cần Giuộc 6.150 hộ và huyện Tân Trụ 1.880 hộ dân.
Đến nay, huyện Cần Giuộc được UBND tỉnh cho chủ trương chấp thuận đầu tư 4 dự án xử lý nước sạch trong nỗ lực góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương và cung cấp cho người dân sử dụng.
Tại Bà Rịa Vũng Tàu, việc đầu tư các công trình đường ống nước sạch, hỗ trợ người dân lắp nước... là một trong những chính sách dân tộc được Bà Rịa- Vũng Tàu triển khai hiệu quả trong những năm qua, nhất là với khu vực vùng sâu, vùng xa cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã bố trí hơn 678,7 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư 23 công trình nước sạch dài gần 47km và 4 công trình thủy lợi dài 40km.
Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư và Chương trình hành động của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III, các công trình hệ thống nước sinh hoạt đã được tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu người dân, bên cạnh góp phần phát triển tốt hơn về mọi mặt, từng bước ổn định đời sống đồng bào.