Kho bản đồ cổ Việt Nam của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu
Dòng chảy - Ngày đăng : 12:34, 21/09/2024
Tôi may mắn là phóng viên có nhiều lần được tiếp xúc, trò chuyện và viết về nhà sử học Nguyễn Đình Đầu gắn với những công trình, bộ sách nghiên cứu lịch sử được ông thực hiện hơn 80 năm qua.
Trong gia tài của ông có những tư liệu, bản đồ cổ Việt Nam được ông sưu tầm, cất giữ từ những năm 1950. Mỗi tấm bản đồ cổ không chỉ xác định hình hài đất nước, không gian, từng địa điểm và thời gian ghi trên đó, mà giá trị lớn nhất như ông nói, đó là lịch sử, nguồn gốc của vùng đất, các vùng biển đảo nước ta và những dữ liệu địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu, dư địa chí tới chi tiết của từng vùng miền, từng địa phương trong cả nước.
Trong những lần tiếp xúc, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã nói với chúng tôi: “Tôi ghi chép, thống kê được khoảng hơn 3.000 tấm bản đồ cổ mà tôi đã sưu tập, mua lại được tại thư viện của nhiều nước trên thế giới. Hiện chỉ còn khoảng 900 tấm bản đồ được treo, cất khắp nơi trong nhà. Trong số đó có khoảng hơn 200 tấm bản đồ cổ, chủ yếu là về các vùng biển đảo Việt Nam, trong đó chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được dịch, chỉ dẫn, chú thích các cứ liệu nghiên cứu về địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thống sông ngòi… ghi trên từng tấm bản đồ. Nhiều tấm bản đồ cổ được tôi chú giải có ý nghĩa để xác định giá trị trong đầu tư nhiều dự án của TPHCM và vùng Đông Nam bộ như: Đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM, vùng sản xuất nông nghiệp…, sẽ được triển khai thực hiện tới đây. Và đặc biệt là giá trị, tiềm năng hệ thống sông rạch tự nhiên của Sài Gòn, miền Nam được TPHCM và các địa phương Đông Nam bộ đưa vào quy hoạch, xác định giá trị tiềm năng trong phát triển kinh tế, xã hội, giao thông, thương mại, nông nghiệp… trong tương lai”.
Lần gần đây nhất tôi gặp nhà sử học Nguyễn Đình Đầu là vào tháng 9-2022. Gần 2 tiếng đồng hồ trò chuyện, ông không chia sẻ về những công trình nghiên cứu, những bộ sách lịch sử đã thực hiện, mà là những điều nhiều năm qua ông chưa thực hiện được.
Ông nói: “Hơn 20 năm trước, tôi được bác sĩ xác định bị viêm tuyến tụy nặng, thuộc bệnh nan y, khó chữa khỏi. Biết không thể sống được lâu, tôi đã liên hệ với ban lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM lúc bấy giờ xin được giao lại một phần kho dữ liệu gồm các bộ sách, tư liệu quý về lịch sử, nặng khoảng 2 tấn. Tiếc là trong đó có khoảng hơn 1.000 tấm bản đồ cổ chưa được dịch, chú giải các cứ liệu lịch sử trên nhiều lĩnh vực trong đó”.
Một điều nữa mà nhà sử học Nguyễn Đình Đầu trăn trở chưa làm được, đó là còn hàng trăm tấm bản đồ cổ chưa được nghiên cứu, dịch sang tiếng Việt và chú giải các cứ liệu, chỉ dẫn ghi trong từng tấm bản đồ.
Ông cũng nói nhiều với tôi về ý định xin được tổ chức họp báo giới về triển lãm “Bản đồ cổ Việt Nam thời Pháp thuộc”. Đây cũng là dịp như ông nói là cơ hội để trưng bày, giới thiệu đến công chúng, nhà nghiên cứu lịch sử những tấm bản đồ cổ vô giá về lịch sử Việt Nam.
Sau triển lãm, ông cho biết sẽ bàn giao lại toàn bộ những tấm bản đồ cổ này và hơn 1 tấn sách là những công trình, tài liệu nghiên cứu mà ông thực hiện trong hơn 80 năm nghiên cứu lịch sử của mình cho TPHCM.
“Rất nhiều những tư liệu, công trình nghiên cứu rất có giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, xã hội được tôi sưu tầm, cất giữ nhiều năm qua rất cần được giao lại cho Đảng, Nhà nước ta và thế hệ nghiên cứu khoa học nước nhà sau này, để hiện thực hóa thành những giá trị, tiềm năng cho sự phát triển trong tương lai”, nhà sử học Nguyễn Đình Đầu bộc bạch tâm nguyện.
Những điều trăn trở, suy tư về những công trình, phần việc mà nhà sử học Nguyễn Đình Đầu chưa làm được rất cần thế hệ hôm nay của chúng ta gìn giữ, tiếp nối. Trong đó, vai trò và trách nhiệm lớn nhất thuộc về những nhà khoa học trẻ, những tấm lòng tâm huyết với nghiên cứu khoa học lịch sử nước nhà, để biến những giá trị trên nhiều công trình, lĩnh vực được nhà sử học Nguyễn Đình Đầu để lại thành giá trị và tiềm năng cho sự phát triển của đất nước.