Xót xa cảnh sách vở học sinh phơi đầy đường cho khô ở vùng rốn lũ Yên Bái

Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 11:53, 20/09/2024

Sau khi nước lũ rút đi, các thầy cô thuộc trường Tiểu học & THCS Đào Thịnh (Yên Bái) lại mang số sách giáo khoa từng bị ngập úng rửa sạch rồi phơi khô. Tuy nhiên việc sử dụng lại rất khó khăn.

Trong những ngày qua, đoạn video ghi lại khoảnh khắc hàng nghìn cuốn sách giáo khoa của học sinh được phơi dọc theo hai bên đường, nhận được lượng tương tác lớn.

Xót xa cảnh sách vở học sinh phơi đầy đường cho khô ở vùng rốn lũ Yên Bái - 1
Sách giáo khoa phơi la liệt hai bên đường sau khi bị ngập trong mưa lũ (Ảnh: Nguyễn Đức Mạnh).

"Đây là cảnh sách vở của các cháu học sinh bị ngập nước và phơi la liệt trên đường ở bên ngoài cổng trường xã Đào Thịnh. Năm học mới đã bắt đầu, nhưng sách vở của học sinh đều bị ướt hết nên phải phơi nắng cho khô xem có khắc phục được phần nào hay không", người trong video chia sẻ.

Nhìn hình ảnh trong video, hai bên đường gần như được phủ kín bởi sách vở khiến người xem không khỏi xót xa.

Theo tìm hiểu, video được ghi hình tại xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) vào thời điểm sau khi nước lũ đã rút dần.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Nguyễn Đức Mạnh cho biết đoạn video được một người bạn sống tại địa phương ghi lại rồi gửi cho anh.

Sau đó, anh Mạnh đăng tải video lên mạng xã hội, không ngờ nhận được lượng lớn lượt xem với rất nhiều bình luận gửi lời chia sẻ trước những khó khăn mà người dân địa phương đang phải gồng gánh.

Bên cạnh đó, không ít nhà hảo tâm bày tỏ sự quan tâm, muốn liên hệ với điểm trường để gửi các bộ sách giáo khoa lên cho các cháu để kịp năm học mới.

Theo đánh giá, xã Đào Thịnh được nhận định là một trong những địa phương ở Yên Bái chịu nhiều thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Có thời điểm, cuộc sống người dân bị cô lập gần như hoàn toàn khi nước dâng lên đến 5m.

Trao đổi với phóng viên, bà Vũ Ngọc Mai, công chức thống kê văn phòng UBND xã Đào Thịnh cho biết, địa phương có 2 điểm trường gồm trường mầm non và trường Tiểu học & THCS Đào Thịnh.

Trước đó, các thầy cô trong trường vừa mang về một lượng lớn sách giáo khoa. Thời điểm lũ về, nước ngập tới bàn ghế học sinh, gây ngập úng toàn bộ số sách vở.

Sau khi nước rút, các thầy cô trong trường phải vệ sinh rửa sạch bùn đất bám trên sách rồi mang đi phơi khô với hy vọng "cứu được phần nào hay phần đó". Tuy nhiên việc sử dụng lại rất khó.

Xót xa cảnh sách vở học sinh phơi đầy đường cho khô ở vùng rốn lũ Yên Bái - 2
Cây cối ngập trong lớp bùn (Ảnh: Vũ Ngọc Mai).

Theo bà Mai, những ngày qua có rất đông các mạnh thường quân từ các tỉnh thành tới xã Đào Thịnh để ủng hộ vở học sinh và sách giáo khoa.

Tuy nhiên, khi lãnh đạo UBND xã sang trao đổi với hiệu trưởng nhà trường và được biết hiện học sinh sử dụng các bộ sách giáo khoa khác nhau nên tạm thời phía trường đang chờ hỗ trợ từ phía Sở giáo dục.

"Các cháu học sinh trong xã hiện rất cần bút, vở học sinh, khẩu trang, kính mắt để chống bụi do các tuyến đường sau bão rất bụi bặm, dép tổ ong để thuận tiện đi lại, dễ vệ sinh", bà Mai nói.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ mưa lũ, một số lớp học có hiện tượng rạn nứt tường nên học sinh tiểu học xã Đào Thịnh phải học ghép lớp tại trường cấp 2.

Ở thời điểm hiện tại, cơ bản nước lũ đã rút khỏi 7 thôn trong xã, còn 2 thôn vẫn đang ngập úng nước và bùn. Thậm chí, lớp bùn lầy ngập tới mắt cá chân.

UBND xã đã chỉ đạo điều phối, dùng máy xúc múc bùn tạo ra lối đi cho người dân. Các cơ quan tại địa phương chưa thể hoạt động bình thường vì đang tập trung ưu tiên lo ổn định cho cuộc sống của bà con.

Nhờ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trên cả nước, trước mắt mỗi khẩu trong xã nhận được 5kg gạo có thể duy trì được trong một tháng.

Xót xa cảnh sách vở học sinh phơi đầy đường cho khô ở vùng rốn lũ Yên Bái - 3

Trước đó, ngày 13/9, đại diện báo Dân trí trao tặng ngay trong đêm tới người dân xã Đào Thịnh (Trấn Yên, Yên Bái) 3 tấn gạo, 2,5 tấn nhu yếu phẩm (Ảnh: Quyết Thắng).

"Hiện rất nhiều cát non xâm lấn đồng ruộng khiến việc trồng cấy rất khó khăn. Ngoài nhu yếu phẩm, bà con địa phương rất cần hạt giống như lúa giống, ngô giống, rau hoa màu giống và phân bón để sớm tái thiết phục hồi cuộc sống", bà Mai thông tin.