Hướng dẫn kinh doanh xăng dầu… chưa thông
Kinh doanh - Ngày đăng : 11:55, 20/09/2024
Doanh nghiệp nhỏ “thoi thóp”
Nhìn cửa hàng xăng dầu đang rào kín, tạm ngưng hoạt động trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TPHCM), chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thở dài, nói: “Tình hình kinh doanh đang bết bát, mặc dù trước đây ngành này được xem là “hái ra tiền”. Số lượng cây xăng đóng cửa ngày càng nhiều. Công ty có gần chục cây xăng, có hệ thống kho bãi nhưng thu không đủ bù chi”.
Tại cuộc họp với Bộ Công thương ngày 18-9, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng cho biết đang gặp hàng loạt khó khăn, và dự báo từ nay đến cuối năm sẽ gia tăng cửa hàng xăng dầu đóng cửa. Nguyên nhân do nhu cầu của người dân không có sự tăng trưởng đột biến, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng sau bão số 3 hoặc thua lỗ bởi giá xăng dầu giảm mạnh, chiết khấu quá thấp... Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Chiến Thắng (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), thông tin, 4/7 cửa hàng xăng dầu của công ty bị hư hại nghiêm trọng, giấy tờ, sổ sách cũng bị nước cuốn trôi… Theo bà Sinh, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng và hiện doanh nghiệp đang kiểm tra, khắc phục.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, 8 tháng đầu năm 2024 đã giảm 2 thương nhân đầu mối thực hiện tổng nguồn xăng dầu. Trong quý 1-2024, cả nước có 1.065 cửa hàng xăng dầu ngưng hoạt động. Riêng tại TPHCM, 8 tháng đầu năm 2024, có 34 cửa hàng xăng dầu đóng cửa…
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết, bộ đã nhận được văn bản đóng góp ý kiến của các thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu… Bộ luôn lắng nghe, thực sự cầu thị và sẽ nghiên cứu tiếp thu, bổ sung nhằm hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Để khắc phục những bất cập của thị trường xăng dầu, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công thương đã dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu, thay thế các Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP. Tuy nhiên, qua 4 lần dự thảo, nhiều góp ý vẫn chưa được sửa đổi.
Theo ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Nai, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có vị thế không bình đẳng. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, trên thị trường có doanh nghiệp chiếm tới 51% thị phần, có đủ các quyền kinh doanh của thương nhân đầu mối, có hệ thống phân phối từ nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ tới tận người tiêu dùng. Cùng với đó là 6 doanh nghiệp lớn cùng làm thương nhân đầu mối, chiếm 88% thị phần từ nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ. Như vậy, đang không có thị trường xăng dầu đúng nghĩa với cơ chế cạnh tranh tự do, bình đẳng và công bằng.
Ông Phụng cho rằng, dự thảo nghị định tiếp tục phân ra 6 loại thương nhân khác nhau, nhưng thực tế tất cả đều chung ngành nghề kinh doanh xăng dầu. Hay như quy định về 5 loại hình giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, nhưng thực chất là 5 “giấy phép con” tương ứng với 5 hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu, muốn được làm “thương nhân đầu mối” thì doanh nghiệp phải có cảng chuyên dụng đảm bảo tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu 7.000 DWT; có tổng sức chứa các bồn, bể, kho chứa tối thiểu 15.000m3. Hay như quy định thương nhân đầu mối phải có tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ và tối thiểu 40 thương nhân bán lẻ; thương nhân phân phối phải có tối thiểu 5 cửa hàng bán lẻ và tối thiểu 10 thương nhân bán lẻ… “Các ràng buộc này làm khó doanh nghiệp, vì thực tế doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động tổ chức kinh doanh và Nhà nước không nên can thiệp”, ông Văn Tấn Phụng nhìn nhận.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Lèo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải TPHCM, Nhà nước cần phải tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy nền kinh tế hoạt động hiệu quả, người tiêu dùng được hưởng lợi. Doanh nghiệp nào làm sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Còn ông Hoàng Trung Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ, kiến nghị, để bảo đảm tính minh bạch và cạnh tranh của thị trường xăng dầu, góp phần tác động tích cực cho việc định giá mua bán, Chính phủ nên cho phép lập sàn mua bán xăng dầu. Bộ Công thương cần xem xét lại dự thảo nghị định theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về mua bán xăng dầu qua Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.
Ông NGUYỄN XUÂN THẮNG, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng): Cho phép doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng nhiều nguồn
Hiện nay, một phần nguồn cung xăng dầu đã được sản xuất trong nước nhưng vì sao lại quy định chỉ có thương nhân đầu mối mới được mua từ các nhà sản xuất trong nước, còn thương nhân phân phối không được mua? Dự thảo nghị định lại quy định thương nhân đầu mối được mua bán lẫn nhau, gồm cả mua từ thương nhân đầu mối khác, nhưng thương nhân phân phối chỉ được mua bán từ thương nhân đầu mối và mua bán với nhau. Quy định trên khiến các doanh nghiệp nhỏ lẻ đã khó càng thêm khó.
Cần quy định rõ, thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu trực tiếp từ thương nhân sản xuất, doanh nghiệp bán lẻ không làm đại lý độc quyền hoặc nhượng quyền cũng phải được lấy hàng nhiều nguồn, mua bán với nhau, đồng thời quy định tỷ lệ cụ thể trong chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức.