Quản lý thuế kinh doanh online: Bài học chống thất thu thuế ở Australia
Kinh doanh - Ngày đăng : 11:47, 20/09/2024
Tình trạng gian lận thương mại và thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử ở Australia diễn ra phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặt ra những thách thức mới với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Hòa - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia - cho biết cũng như các quốc gia khác trên thế giới, các hoạt động gian lận phổ biến là cung cấp sai lệch thông tin về hàng hóa, xuất xứ, buôn bán các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, lừa đảo trong giao nhận, thanh toán, làm giả chứng từ...
Theo Cơ quan Thống kê Australia (ABS), chỉ riêng hoạt động gian lận, lừa đảo thanh toán qua thẻ, cơ quan chức năng nước này đã phát hiện 1,8 triệu người là nạn nhân của các vụ gian lận thẻ thanh toán trong giai đoạn 2022-2023, cao hơn con số của giai đoạn 2021-2022. Đó là chưa kể đến các hoạt động lừa đảo, đánh cắp danh tính cá nhân, gây thiệt hại lên tới 2,2 tỷ AUD.
Theo Tham tán Thương mại Nguyễn Phú Hòa, Australia là một trong những quốc gia có hệ thống các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hoạt động gian lận thương mại cũng như chống thất thu thuế hiệu quả, trong đó phải kể đến quy định pháp lý với khung hình phạt nghiêm khắc, chẳng hạn như phạt tù tối đa lên tới 5 năm đối với hành vi gian lận kế toán/báo cáo tài chính hoặc phạt tù tối đa lên tới 10 năm đối với các hành vi gian lận thông tin xác thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu lợi bất chính... Australia có nhiều cơ quan chức năng với nhiệm vụ, quyền hạn lớn, được đầu tư nguồn lực đáng kể để triển khai các hoạt động chống gian lận và chống thất thu thuế.
Ngoài ra, Australia cũng thành lập ra nhiều trung tâm chuyên trách đối với các lĩnh vực gian lận, lừa đảo như Trung tâm chống gian lận thịnh vượng chung (CFPC), Trung tâm chống lừa đảo quốc gia (NASC)...
Bên cạnh đó, Australia xây dựng các giải pháp và cơ chế thuận lợi để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tại nước này khi phát hiện ra các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế đều có thể dễ dàng phản ánh/báo cáo tới cơ quan chức năng thông qua trang web, thư điện tử, điện thoại đường dây nóng.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng Australia cũng gặp những khó khăn nhất định trong công tác chống gian lận thương mại và chống thất thu thuế, trong đó phải kể đến các hoạt động, hành vi gian lận ngày càng trở nên tinh vi, khó điều tra và khó phát hiện hơn.
Bên cạnh đó, với sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, các hoạt động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo video và hình ảnh giả mạo (công nghệ deepfake)... và các công nghệ tiên tiến khác để thực hiện hành vi gian lận thương mại cũng khiến hoạt động phòng ngừa, kiểm soát trở nên khó khăn hơn.
Mặc dù vậy, người dân và doanh nghiệp Australia có nhận thức rất cao về việc tuân thủ các quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, nhất là đối với các ấn phẩm in (sách, báo, tạp chí), phần mềm, thiết bị điện tử... đồng thời thường xuyên cộng tác với cơ quan chức năng trong việc kịp thời phát hiện và nhanh chóng báo cáo về các hành vi gian lận thương mại thông qua các công cụ và tiện ích.
Ngoài ra, hệ thống công nghệ, kỹ thuật thông tin của Australia phát triển ở cấp độ cao và minh bạch, cơ quan chức năng dễ dàng nắm bắt thông tin; người dân, doanh nghiệp, các tổ chức cũng dễ dàng tra cứu thông tin, độ uy tín của đối tác kinh doanh, chất lượng sản phẩm, qua đó hạn chế việc trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, trục lợi...
Một điểm quan trọng nữa là các cơ quan chức năng Australia được tạo điều kiện thuận lợi thông qua việc được cấp cơ chế, quyền hạn thực thi công vụ ở phạm vi rộng, được đầu nguồn lực tài chính và con người ở mức cao, qua đó nâng cao được hiệu quả hoạt động, hạn chế được các hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Đánh giá hiệu quả của các quy định và biện pháp đó trong chống gian lận thương mại và thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử, Tham tán Thương mại Nguyễn Phú Hòa cho biết tới nay, các quy định và biện pháp của Australia trong chống gian lận thương mại và thất thu thuế đã và đang phát huy hiệu quả, thể hiện qua các số liệu liên quan tới số vụ việc được phát hiện, xử lý, số tiền thu về cho ngân sách nhà nước và cộng đồng. Có thể lấy ví dụ về Nhóm công tác đặc biệt của cơ quan thuế Australia (ATO) với tên gọi Phoenix Taskforce (thành lập năm 2014) chuyên xử lý các vụ việc về các hành vi gian lận...
Tính đến ngày 31/3/2014, nhóm này đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng khác (ACCC, AFP, ABF...) để xem xét hơn 12.000 báo cáo kiểm toán, phát hiện và thu hồi hơn 1 tỷ AUD cho cộng đồng, đình chỉ tước giấy phép hoạt động đối với hơn 100 quản lý doanh nghiệp cấp cao, truy tố hình sự 27 trường hợp/vụ việc vi phạm hình sự nghiêm trọng...
Tham tán Thương mại Nguyễn Phú Hòa cho rằng một trong những kinh nghiệm của Australia về chống thất thu thuế mà Việt Nam có thể học hỏi là cần đảm bảo kê khai đúng mã số hàng hóa và có trang bị công nghệ để kiểm tra một cách chính xác, tự động và nhanh chóng để có thể đánh giá rủi ro.
Ngoài ra, Việt Nam cần có chế tài xử lý mang tính răn đe đủ mạnh và nghiêm khắc để nâng cao hiệu quả quản lý thuế trong kinh doanh trực tuyến (online)./.