10 ngày đi qua bão lũ tại miền Bắc
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 08:12, 20/09/2024
Chân trời cửa biển tan hoang, thành thị nông thôn xơ xác. Dân chúng ra khỏi nhà sau bão như ra khỏi hầm trú bom thời chiến. Họ động viên nhau, gạt nước mắt và gượng dậy.
"Po ăm ơi", "noọng ơi" (Bố mẹ ơi, em ơi) Tiếng đồng bào Tày khóc gọi người thân vang trên những đồi cọ của thôn Làng Nủ (Lào Cai).
Rạng sáng 10/9, nghe tiếng nổ lớn, bà Hoàng Thị Và (61 tuổi) ôm cái chân đau thập thững chạy sang nhà văn hóa thôn. Từ sân nhà văn hóa, bà chứng kiến dòng bùn đất cuộn cao hàng chục mét, dội thẳng xuống mấy chục nóc nhà hàng xóm.
"Giời ơi, cả làng cả xóm đi hết rồi, sống làm sao được", người phụ nữ cả đời sống ở Làng Nủ gào khóc.
Người dân Làng Nủ nhiều năm nay trồng rừng, nuôi cá tầm, những ngày tháng đói nghèo đã lùi xa. Lũ quét, sạt lở cũng rất lâu không còn đe dọa đến thôn xóm.
"Một trận lũ về từ lâu lắm rồi, khoảng 2008. Khi đó nhà tôi còn ở chân suối, lũ bùn ngập đến 3 bậc thang nhà sàn, lúa má chết cả. Nhưng cũng không ai bị làm sao", bà mẹ người Tày kể lại.
Sau trận lũ năm 2008, bà được nhà nước cấp cho 10 triệu đồng để dựng căn nhà mới ở khu đất cao hơn, sát nhà văn hóa thôn Làng Nủ. "Nếu hồi ấy không được di dời, vẫn ở cái nhà dưới suối kia thì cũng chết theo làng xóm rồi", bà nói.
Sáng 11/9, bộ đội và công an hành quân vào đến thôn. Hàng trăm người lính ngâm mình dưới "bể bùn" Làng Nủ để tìm kiếm thi thể dân làng.
Bà Và mở cổng đón những người lính vào nhà, đi chặt tre làm giá phơi quân phục, đi hái rau dớn về xào cho bộ đội ăn. Căn nhà "sống sót" sau lũ quét của bà trở thành nơi trú quân cho bộ đội suốt chuỗi ngày tìm kiếm nạn nhân sau đó.
Chương 2
Mất mát kinh hoàng
Bão Yagi quần thảo từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Hà Nội suốt một ngày, rồi tan hành áp thấp nhiệt đới vào sáng 8/9.
Thảm họa mà bão giáng xuống miền Bắc mới chỉ bắt đầu. Sau bão, mây hoàn lưu đã dội những trận mưa khủng khiếp xuống bắc bộ. Lũ dâng cao trên các sông lớn.
Ngày 9/9, người dân bàng hoàng trước hình ảnh cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị lũ cuốn sập, kéo theo nhiều người và xe cộ trên cầu xuống sông Hồng. Nhà chức trách xác định 3 người bị thương, 8 người mất tích.
Cũng sáng cùng ngày, một vụ sạt lở xảy ra trên quốc lộ 34 qua xã Ca Thành (Bảo Lâm, Cao Bằng) đã cuốn trôi một xe khách, 2 xe ô tô con và xe máy. Đến ngày 14/9, nhà chức trách thông báo 38 người chết và 15 người mất tích.
Vụ sập cầu Phong Châu và sạt lở vùi lấp xe khách tại Cao Bằng đánh dấu bước chuyển trong cách thức tàn phá của bão Yagi. Từ chỗ khiến nhà cửa tan hoang bằng sức gió, đến lượt nước lũ và sạt lở gây ra những thảm kịch.
Lũ trên sông Hồng, sông Cầu, sông Lô dâng cao. Ngập lụt xuất hiện tại Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Nội, Tuyên Quang, Bắc Giang... Nhiều căn nhà tại TP Thái Nguyên ngập hết tầng 1, khiến người dân hoảng loạn.
Bước sang ngày 10/9, thảm họa kinh hoàng nhất đã xảy ra tại thôn Làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai). Rạng sáng, một trận lũ quét kèm theo đất đá sạt lở san phẳng một nửa thôn với 37 hộ dân và 158 nhân khẩu. Hơn 50 thi thể đã được tìm thấy trong bùn đất và nhiều người vẫn đang mất tích.
Ông Hoàng Văn Voi ngồi thu mình một góc, ánh mắt hướng ra phía dòng nước lũ vẫn đang cuồn cuộn chảy qua Làng Nủ. Trong cơn lũ dữ sáng sớm 10/9, người đàn ông vĩnh viễn mất đi vợ và cậu con trai út. Từ đó đến nay, đêm nào ngủ ông cũng mơ thấy cảnh vợ con kêu cứu mà mình bất lực không thể giúp.
Ông Voi là đời thứ 3 của dòng họ sống ở thôn Làng Nủ, tính ra cả trăm năm qua chưa có trận lũ quét nào kinh hoàng đến như vậy.
Trận lũ quét xảy ra hôm 10/9, tức 8/8 âm lịch.
Đúng 12 năm trước, vào ngày 8/8 âm lịch của năm 2008, một trận lũ quét cũng xảy ra ở Làng Nủ. Kể từ năm đó, cứ qua ngày 8/8 âm lịch, nhiều người dân ở Làng Nủ sẽ mổ gà, mổ lợn ăn mừng, cũng là cảm ơn trời đất đã không để xảy ra thiên tai.
"Ngày 8/8 âm lịch năm nay, cũng có nhà đã dự định sẽ tiếp tục truyền thống ấy, nhưng cơn lũ quét tàn ác lần này đã cuốn đi tất cả", người đàn ông Làng Nủ ngậm ngùi.
Dọc con đường lầy lội dẫn vào Làng Nủ, nhà dân nào cũng mở toang cửa đón lực lượng cứu hộ trú chân. Không chỉ có nhà bà Hoàng Thị Và, cả cửa hàng tạp hóa của anh Hoàng Văn Hiếu cũng vậy.
"Nhà tôi ở phía ngoài chỉ bị sạt lở, nhưng anh em tôi phía trong mất hết tất cả rồi, 5 người chết, thật không bao giờ tôi dám nghĩ đến cảnh này", anh Hiếu chia sẻ. 5 người thân thiệt mạng do lũ dữ, nhưng một ngày sau, anh Hiếu mới chỉ nhận được thi thể của một người em, trong tình trạng không còn nguyên vẹn.
Kể từ hôm xảy ra sự việc, anh Hiếu mở cửa hàng tạp hóa để đó và nói "ai cần gì có thể tự vào lấy". Nhiều người ra mua những vật dụng thiết yếu, người đàn ông không lấy tiền mà bảo "cứ cầm về dùng đi", vì người quan trọng giờ không còn nữa, hàng hóa có quan trọng gì.
Một tốp bộ đội rẽ vào cửa hàng tạp hóa của anh Hiếu để mua đồ, đúng lúc giữa trưa. Vợ anh Hiếu tất tả ở đâu chạy về, nói "các chú bộ đội cần gì thì cứ lấy nhé", rồi chị chỉ chỗ để dép, chỗ để các vật dụng như cuốc, xẻng cho các chiến sĩ có thể tự lấy khi cần.
Không chỉ Làng Nủ, các địa phương miền núi khác cũng liên tiếp nhận tin dữ. Vụ sạt lở tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, Bắc Hà, Lào Cai) khiến 18 người chết/mất tích và 11 người bị thương. Vụ sạt lở khu Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á (xã Bản Cái, huyện Bắc Hà) khiến 5 người chết.
Tại Yên Bái, một vụ sạt lở đất vào rạng sáng 10/9 ở xã Minh Bảo đã vùi lấp căn nhà của một giáo viên mầm non. Cả 4 người trong gia đình thiệt mạng. Tại thôn Át Thượng, xã Minh Tân, sạt lở vùi lấp 5 hộ dân, khiến 9 người chết.
Chương 3
Thủ đô bị uy hiếp
Ngày 8/9, người Hà Nội bước ra đường sau khi bão tan, chứng kiến cây đổ ngổn ngang trên đường phố. Thủ đô cũng xơ xác sau gió bão nhưng các công trình hạ tầng quan trọng vẫn đứng vững.
Nỗi lo sợ chỉ thực sự bắt đầu khi nước sông Hồng dâng cao. Các khu dân cư ngoài đê ngập trong nước. Cư dân tại Chương Dương, Phúc Tân, Phúc Xá, Tân Ấp, Nhật Tân, Phú Thượng phải sơ tán khẩn cấp vào trong đê.
Trưa 11/9, phóng viên Dân trí có mặt tại phố Tân Ấp (Ba Đình, Hà Nội), chứng kiến nước ngập 80cm. Từ hun hút phía cuối đường, từng chiếc thuyền, bè, xuồng cứu hộ chở người và tài sản của người dân hối hả sơ tán vào trong đê.
Các em bé nằm im "trốn" trong áo mưa của mẹ, nhiều cụ già ngồi thu lu trên thuyền, mặt thất thần, hai tay ôm chắc túi tư trang trước ngực. Có người bật khóc, phần vì lo lắng, phần vì "thương các chú công an giúp dân".
Ngồi yên vị tại nơi sơ tán, bà Nguyễn Thị Thanh Hương (70 tuổi, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) mới bình tâm trở lại.
Bà kể: "Chúng tôi đi lúc trời mưa to và nước đã ngập vào nhà, không kịp cứu tài sản. Tôi thấy rất sợ hãi, chân tay bủn rủn không đi được phải nhờ cháu dìu. Cả đời tôi sống ở đây chưa bao giờ rơi vào tình cảnh này".
Người Hà Nội, vốn nhiều năm phàn nàn về ngập lụt cục bộ trong đô thị, lần này phải hướng ánh mắt lo âu về phía đê sông Hồng. Nước sông dâng cao mấp mé báo động 3, nếu tràn qua đê sẽ không chỉ là ngập úng đơn thuần mà là cơn đại hồng thủy.
9h ngày 10/9, lưu lượng nước đổ về hồ Thác Bà đạt mức lịch sử 5.600m3/s - cao hơn cả lũ lịch sử được sử dụng làm căn cứ thiết kế và cao gần gấp đôi khả năng xả lũ của đập chính.
Cửa xả của hồ đổ ra sông Chảy rồi xuôi về sông Hồng, qua thủ đô Hà Nội và các tỉnh hạ lưu. Nếu vỡ đập, thảm họa lũ lụt sẽ ập đến.
Ngày 11/9, Hà Nội triển khai 14 chốt kiểm soát tại các cửa khẩu ra vào đê, đồng thời diễn tập phương án "hoành triệt" (dùng bê tông, bản thép đóng kín cửa khẩu để ngăn nước) tại Tân Ấp, Long Biên, Phú Thượng.
Đến rạng sáng 12/9, nước sông Hồng đoạn nội thành Hà Nội đạt đỉnh 11,3m, cao nhất trong 20 năm.
Chương 5
Tin lành sau thảm họa
Suốt 1 tuần, thảm kịch do bão lũ và sạt lở nối tiếp nhau không ngừng. Tới sáng 12/9, niềm hy vọng đầu tiên mới ló rạng: Cơ quan khí tượng thông báo mưa đang giảm trên khắp miền Bắc.
Trong sáng 12/9, nước sông Hồng đoạn nội thành Hà Nội bắt đầu rút dần. Cả thành phố thở phào khi nguy cơ nước sông tràn vào nội đô tan biến.
Tại bản làng miền núi phía Bắc, nắng cũng hửng lên sau chuỗi ngày mưa dầm dề. Khi thông tin liên lạc được nối lại, người ta mới biết có những thôn xóm đã thoát chết ngoạn mục.
Sau 2 ngày mưa liên tục, sáng 9/9 anh Ma Seo Chứ (33 tuổi) - Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, Bắc Hà, Lào Cai) - cùng người dân đi kiểm tra khu vực đồi Bầu. Họ phát hiện vết nứt dài 30-40m. Những gì nhìn thấy mách bảo trưởng thôn Ma Seo Chứ phải di dời bà con ngay lập tức.
Cả ngày 9/9, anh Chứ vận động bà con chạy lên núi dựng lều lánh nạn. Ngay trong đêm đó, đất đá đổ xuống vùi lấp 7 ngôi nhà tại thôn Kho Vàng. Quyết định sáng suốt của Trưởng thôn Ma Seo Chứ đã cứu 115 người dân thoát chết trong gang tấc.
Trước đó, ngày 8/9, Công an xã Mường Hum (Bát Xát) đã di tản 11 giáo viên và 131 học sinh ra khỏi dãy nhà bán trú, tới lánh nạn tại trường mầm non và nhà văn hóa thôn Piềng Náo.
Rạng sáng 9/9, quả đồi phía sau trường đã sạt xuống dãy nhà bán trú gồm 16 phòng ở. 142 giáo viên và học sinh nhờ được sơ tán kịp thời mà thoát chết.
Tại Làng Nủ, niềm an ủi được thắp lên khi ước tính số người chết và mất tích giảm xuống còn 66. Địa phương phát hiện được rất nhiều người đã chạy thoát, hoặc đi làm ăn xa không có ở nhà.
Trong đống đổ nát, người dân địa phương nhìn thấy một con trâu nằm bất động dưới bùn suốt 3 ngày. Đôi mắt nó ướt, chiếc đuôi vẫn cố nhúc nhích.
Giữa cảnh ngược xuôi của những người đi lo khâm liệm, gào khóc chạy theo quan tài hoặc đi đào bới tìm kiếm người thân, một nhóm đàn ông Làng Nủ quyết định lội bùn đến chỗ con trâu. Họ hò nhau dùng đòn gánh và dây thừng kéo được nó lên bờ.
"Nhà chủ của nó có 5 người nhưng đã chết hết 4 rồi. Còn một cháu bé 6 tuổi sống sót nhưng đang được điều trị trong bệnh viện", một người dân cho hay.
Mọi người chăm chút cho chú trâu như nuôi lại một hy vọng, giữ lại một chút tài sản cho cháu bé mất người thân còn đang nằm viện.
Chương 6
Cả nước vì miền bắc
Nếu bạn ở đứng đâu đó giữa trung tâm miền Bắc, nhìn về phía đông sẽ thấy cửa biển tan hoang, nhìn lên phía bắc sẽ thấy sạt lở kinh hoàng. Cơn bão Yagi như muốn đẩy con người tại đây đến cực hạn của sự chịu đựng.
Cũng trong thời khắc khó khăn ấy, một phong trào quyên góp, ủng hộ cho đồng bào vùng bão lũ tại miền Bắc Việt Nam được hưởng ứng trên khắp cả nước và nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trở thành "địa chỉ đỏ" quy tụ những tấm lòng. Tính đến 17h ngày 17/9, số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi qua kênh MTTQ đã lên tới 1.344 tỷ đồng.
Từ nguồn ngân sách dự phòng, lãnh đạo Chính phủ cũng ký hàng loạt quyết định xuất ngân sách hỗ trợ khẩn cấp cho Lào Cai và các tỉnh chịu thiệt hại nặng sau bão lũ.
Thông qua liên lạc với lãnh đạo địa phương và báo cáo từ phóng viên hiện trường, Ban biên tập Báo Dân trí cũng xác định ngay nhiều nhu cầu cấp bách ở những nơi chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ. Tờ báo đã khởi động các chuyến xe chở hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ.
Sáng 13/9, báo Dân trí đã trao 2 tỷ đồng tới Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai. Đây là số tiền bạn đọc Dân trí giúp đỡ xây dựng lại thôn Làng Nủ.
Tính đến hết ngày 17/9, thông qua báo Dân trí, tổng số tiền bạn đọc ủng hộ đồng bào bị lũ lụt tại các tỉnh phía Bắc là hơn 6,7 tỷ đồng.
Cũng trong những ngày cả nước vì đồng bào vùng bão lũ, đầu mối tiếp nhận ủng hộ của Báo Dân trí đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động.
"Một người bạn của tôi ở TPHCM có 2 đứa con trai. Anh từng lập cho mỗi đứa một sổ tiết kiệm 9 triệu đồng. Nghe tin Báo Dân trí mở kênh quyên góp, 2 con của anh đã bàn nhau rút hết tiền trong sổ, rồi nhờ ba mẹ góp thêm để tròn số tiền 20 triệu. Cả nhà đã gửi số tiền đó cho báo để chuyển đến đồng bào bão lũ", nhà báo Phạm Phúc Hưng, Tổng thư ký tòa soạn Báo Dân trí, chia sẻ.
Đến ngày 14/9, Báo Dân trí thông báo kết thúc giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, chuyển sang giai đoạn tiếp nhận ủng hộ kinh phí để tái thiết. Cụ thể, Báo sẽ chung tay cùng người dân xây dựng lại nhà cửa, trường học, cơ sở hạ tầng, đồng thời triển khai các dự án xã hội, tạo sinh kế bền vững, giúp bà con ổn định cuộc sống.
Chương 7
Thấy gì sau bão yagi
Đối với người dân miền Bắc, những gì xảy đến khi bão Yagi đổ bộ là điều mà không có ký ức mưa bão nào trong quá khứ sánh được. Đó là cơn bão mạnh chưa từng thấy, thổi bay cả người, bay cả ô tô, lần đầu thấy trong đời.
Yagi là kiểu bão tồi tệ có cả 2 thứ: sức gió khủng khiếp và lượng mưa kỷ lục.
"Khi livestream dự báo bão số 3, tôi luôn đề cập cơn bão sẽ mang theo hoàn lưu của nó như một quả bom nước", TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia thời tiết, kể lại.
Thật vậy, trong vòng hai ngày 8 và 9/9, tổng lượng mưa ở vùng núi và trung du phía Bắc lên đến mức 350-400mm, nhiều nơi vượt quá 500-600mm.
"Đối với miền Trung, lượng mưa như vậy trong 48 giờ là bình thường. Nhưng với địa hình đồi núi dốc phía Bắc, đó sẽ là thảm họa", TS Huy nói.
Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, mưa bão đã khiến 329 người chết và mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; hơn 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ…
"Thời tiết ngày càng cực đoan", "phi truyền thống", "Biến đổi khí hậu"... là những cụm từ được nhắc đến nhiều sau bão. Tuy nhiên, tình thế đó đến nay không còn là chuyện mới. Hướng phát triển "thuận thiên" đã được Nhà nước xác định rõ trong nhiều năm qua.
Quan sát cách cơn bão Yagi tàn phá các đô thị miền Bắc, PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đánh giá các công trình hạ tầng đô thị tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều đứng vững, chưa đến nỗi bị quật đổ.
"Đây là điểm tích cực, cho thấy tính toán về kết cấu và chất lượng thi công được đảm bảo chống chịu gió bão", ông Cường chia sẻ.
Thiệt hại do gió bão chủ yếu xảy ra với các kết cấu tạm như mái tôn, cửa kính, biển quảng cáo.... các công trình này không được gia cố khi bão đến, thậm chí lúc thi công còn làm dối, làm ẩu thì không thể chống chịu được.
Đặc biệt, cây xanh là "nạn nhân" điển hình nhất khi bão quét qua đô thị. Có hàng nghìn cây bị ngã đổ, đa số không thể phục hồi. Điều này đặt ra yêu cầu về kỹ thuật trồng cây đô thị trong tương lai.
Đối với hiện tượng nước dâng cao suýt tràn qua đê sông Hồng, KTS Phạm Hùng Cường nhận định đó chính là lời cảnh báo dành cho thủ đô.
Ông Cường cho biết những năm chưa có Thủy điện Sông Đà, bà con Phúc Xá vẫn định cư ngoài đê, vẫn chấp nhận chịu lụt và sơ tán khi cần. Sau khi có thủy điện, sông Hồng nhiều năm không ngập, người dân cũng chủ quan hơn và ứng phó không kịp thời.
"Phải thận trọng hơn khi quy hoạch đô thị ven sông Hồng. Khai thác như thế nào để sống cùng thiên nhiên trong cả lúc thuận hòa và lúc khắc nghiệt là chuyện phải bàn", KTS Phạm Hùng Cường chia sẻ.
Ông cho rằng Chính phủ và người dân cần có tư duy thích ứng tốt hơn. Đơn cử như quy hoạch đô thị sông Hồng, chủ yếu là khai thác sinh thái, cây xanh, tạo cảnh quan để người dân tiếp cận. Còn công trình kiến trúc chỉ được chiếm tỷ lệ thấp, xây ở khu vực đất cao, không được làm gián đoạn dòng chảy thoát lũ.
Tại vùng núi, sạt lở đất và lũ quét vẫn sẽ là nỗi ám ảnh với cư dân khi mùa mưa lũ tới. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, mỗi chính quyền địa phương đều cần kịch bản ứng phó. Về phía người dân, nếu được chuẩn bị tâm lý tốt, họ sẽ phối hợp với chính quyền để phòng ngừa rủi ro tốt hơn.
"Đất nước ta rất nhiều đồi núi, nếu chúng ta ra một quy định dân không được sống ở đồi núi nữa, thì biết đi đâu? Sông Hồng cũng vậy, không gian màu mỡ ven sông vẫn phải khai thác, không thể bỏ hoang", KTS chia sẻ.
Cơn bão Yagi như một lằn roi vắt ngang miền Bắc. Người ta phải gắng quên đi đau thương, nhưng cần nhớ rõ những bài học mà cơn bão để lại. Sẽ còn những trận bão to hơn, với mưa lớn hơn nữa. Đất nước phải thích ứng với môi trường và hoàn cảnh ấy.