Điểm tin Kinh doanh 20/9: Giá vàng: Giảm mạnh
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 20/09/2024
- Giá vàng: Giảm mạnh
Giá vàng hôm 19/9, thị trường vàng trong nước giảm từ 100 đến 200 nghìn đồng/lượng ở tất cả các thương hiệu so với hôm 18/9.
Vàng SJC tại Hà Nội và vàng SJC tại Đà Nẵng: 79,8 triệu đồng/lượng mua vào (giảm 200 nghìn đồng/lượng), 81,8 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 200 nghìn đồng/lượng).
Vàng SJC Phú Quý: 79,8 triệu đồng/lượng mua vào, 81,8 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào-bán ra).
Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 79,8 triệu đồng/lượng mua vào, 81,8 triệu đồng/lượng bán ra (giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào-bán ra).
Giá vàng PNJ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh 78,1 triệu đồng/lượng (giảm 100 nghìn đồng/lượng) mua vào, 79,2 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 78,8 – 79,18 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Rạng sáng 19/9, tuyên bố của cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy lần đầu tiên kể từ năm 2020, Mỹ giảm lãi suất cơ bản 0,5 điểm %, xuống còn 4,75% - 5%.
Đồng thời, FOMC cho biết nền kinh tế Mỹ đã đạt được tiến bộ trong việc hạ nhiệt lạm phát nhưng vẫn còn ở mức cao.
Thông tin này khiến giới phân tích nhận định FED Fed sẽ giảm thêm 0,5 điểm % vào cuối năm 2024, và giảm thêm 1 điểm % vào năm 2025.
Lập tức giới đầu tài chính bán tháo đồng USD làm cho đồng tiền này giảm giá rất mạnh. Vàng trở nên hấp dẫn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Giới đầu cơ vàng liền tăng sức mua. Giá vàng thế giới có lúc lao lên chạm ngưỡng 2.600 USD/ounce.
- Giá xăng tăng trở lại
Từ 15 giờ ngày 19/9, giá xăng E5 RON92 tăng 51 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 127 đồng/lít và dầu mazut tăng 359 đồng/kg. Ngược lại, dầu diesel giảm 122 đồng/lít còn dầu hỏa giảm 239 đồng/lít.
Sau khi giảm mạnh ở kỳ điều hành trước, từ 15 giờ ngày hôm 19/9, giá hai mặt hàng xăng cùng dầu mazut quay đầu tăng nhẹ.
Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 51 đồng, lên ngưỡng 18.941 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 127 đồng/lít, giá mới là 19.762 đồng/lít và dầu mazut cộng 359 đồng/kg, giá mới là 14.826 đồng/kg.
Tuy vậy, dầu diesel giảm 122 đồng/lít, xuống ngưỡng 17.043 đồng/lít và dầu hỏa giảm 239 đồng, giá mới là 17.551 đồng/lít.
Trong kỳ điều hành này, liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập và không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.
- Thanh khoản thấp, VN-Index vẫn vượt qua mốc 1.270 điểm
Ảnh hưởng từ phiên đáo hạn phái sinh và lực cản xuất hiện ở ngưỡng cản 1.270 điểm khiến giao dịch chậm lại đáng kể trong phiên. Tuy nhiên, mốc điểm trên vẫn được chinh phục khi đóng cửa nhờ bảng điện tử tích cực hơn và lực cung giá thấp được tiết giảm.
Sau phiên giao dịch sáng kém sắc và VN-Index chỉ có được sắc xanh nhạt, thị trường bước vào phiên chiều 19/9 với dòng tiền có phần cải thiện hơn, kéo nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng.
Tuy nhiên, bên mua không quá quyết liệt, lực cầu vẫn chỉ dừng lại ở mức vừa phải khiến VN-Index tiến tới chạm tới mốc 1.270 điểm (MA20) không dễ dàng gì. Dù vậy, mốc điểm trên vẫn được bảo toàn khi thị trường có thêm nhịp bật lên ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HOSE có 240 mã tăng và 122 mã giảm, VN-Index tăng 6,37 điểm (+0,50%), lên 1.271,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 607,5 triệu đơn vị, giá trị 14.285,4 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 129,7 triệu đơn vị, giá trị 2.294 tỷ đồng.
Nhóm bluechip tiếp tục có thêm nhiều sắc xanh, dù cũng như phiên sáng khi đa phần đều chỉ có được mức tăng khiêm tốn. Ngoại trừ cổ phiếu SSB khi đã bất ngờ tăng kịch trần +6,73% lên 16.650 đồng, khớp hơn 2,75 triệu đơn vị.
Trong khi đó, 21 mã khác tăng trong rổ VN30 thì chỉ VRE nhích hơn 1% lên 19.450 đồng. Những cái tên lớn như VCB, BID, GAS, CTG, HPG, FPT…chỉ tăng nhẹ.
Ở chiều ngược lại, POW là cổ phiếu duy nhất giảm -2,6% xuống 12.550 đồng, các mã VNM, VJC, SHB, TPB, MWG, MSN, MBB đứng tham chiếu.
Thanh khoản SSI và VPB cao nhất nhóm và đồng thời lớn nhất sàn với 24,6 triệu và 17,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ngoài AGM giữ vững sắc tím, ghi nhận phiên tăng trần thứ tám liên tiếp, thì phiên chiều xuất hiện thêm những cái tên chạm giá trần như cổ phiếu nhựa BMP +7% lên 121.600 đồng, hai mã GIL và TCO tương tự khi đóng cửa tại 30.900 đồng và 17.200 đồng.
Tăng mạnh khác không nhiều, nhưng một vài cái tên đáng chú ý như QCG +6,1% lên 6.830 đồng, KBC +5,9% lên 26.750 đồng, BWE +4,8% lên 47.050 đồng, TCD +4,6% lên 5.750 đồng. Các mã PDR, DXS, CKG, BAF, VGC, TDG tăng 2% đến gần 4%.
Trái lại, vẫn chỉ có hai cổ phiếu giảm điểm đáng kể là SGR -5,5% xuống 44.400 đồng, SBT -3,3% xuống 13.200 đồng. Còn lại giảm không đáng kể khi nhà đầu tư thêm một phiên tiết cung giá thấp.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index gần như đi ngang quanh mức điểm cuối phiên sáng và có nhịp bật lên vào cuối phiên, nhưng cũng chỉ đủ giúp chỉ số này có mức tăng nhẹ.
- Saigon Co.op nhanh chóng chủ động ứng phó với cơn bão số 4, đảm bảo nguồn hàng ổn định
Trước tình hình cơn bão số 4 đang đổ bộ và đất liền, hệ thống siêu thị Co.opmart khu vực miền Trung đã sẵn sàng kế hoạch ứng phó. Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) theo dõi và cập nhật liên tục diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, hệ thống siêu thị Co.opmart và cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại khu vực miền Trung từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận. Khu vực miền Trung hiện đang có 19 Co.opmart và 31 Co.op Food đang trú đóng.
Saigon Co.op đã nhanh chóng tăng lượng dự trữ nguồn hàng tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Các mặt hàng nhu yếu được tăng cường gồm gạo, mì gói, đường, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt, rau xanh, củ quả, trái cây, thịt heo, bò, gà các loại… Các Trung tâm phân phối Saigon Co.op trên toàn quốc lập kế hoạch vận chuyển, điều tiết nguồn hàng kịp thời cho hệ thống siêu thị Co.opmart và cửa hàng Co.op Food tại khu vực miền Trung. 800 điểm bán cũng trở thành những kho vệ tinh, dự trữ nguồn hàng thống nhất và hiệu quả. Các Co.opmart, Co.op Food khu vực miền Bắc đã nhanh chóng khắc phục hậu quả từ cơn bão số 3 Yagi, sẵn sàng mang hàng hóa đã được hệ thống dự trữ từ trước để chi viện chi miền Trung.
Saigon Co.op phối hợp với các nhà cung cấp chiến lược dự trữ thêm nguồn hàng thiết yếu tại các trung tâm phân phối của các đơn vị này nhằm đảm bảo nguồn hàng luôn dồi dào và cung ứng hàng hóa bình ổn cho người dân miền Trung. Thêm vào đó, với kinh nghiệm dày dạn ứng phó với tình hình thời tiết xấu, Saigon Co.op cũng chủ động tăng cường nguồn hàng từ các vùng nguyên liệu và nguồn hàng sẵn có tại địa phương các tỉnh; nhất là mặt hàng thịt gia súc, gia cầm các loại và rau củ quả.
Từ kinh nghiệm ứng phó cơn bão số 3 Yagi, Saigon Co.op tiếp tục triển khai chương trình bán hàng không lợi nhuận, giữ giá ổn định, thực hiện chính sách giá đặc biệt cho những mặt hàng chiến lược mùa mưa bão như rau củ quả, trái cây, nước tinh khiết, các loại thực phẩm ăn liền không cần qua chế biến.
Nhân viên siêu thị túc trực tại các line hàng, cash thu ngân, kho bãi … để nhanh chóng châm hàng lên quầy kệ, hỗ trợ khách hàng mua sắm an toàn và nhanh chóng nhất. Co.opmart, Co.op Food đã chủ động sắp xếp nhân sự, linh hoạt ca làm việc nhằm không làm ảnh hưởng giờ bán hàng của siêu thị, điều phối cho việc phục vụ khách hàng trực tiếp tại siêu thị và các khách hàng đặt qua điện thoại. Co.opmart, Co.op Food duy trì dịch vụ giao hàng tận nhà, khách hàng có thể truy cập vào cửa hàng trực tuyến https://cooponline.vn; số điện thoại hotline 1900555568, hoặc số zalo của từng siêu thị để được hướng dẫn đặt hàng và giao nhận.
- Ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiết kiệm
Các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lãi suất tiết kiệm. Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng dư địa tăng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm không còn nhiều.
Ngày 19/9, Ngân hàng PGBank vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, từ 1-3 tháng.
Theo biểu lãi suất huy động, kỳ hạn 1-2 tháng lĩnh lãi cuối kỳ tăng 0,2%/năm, lần lượt được niêm yết tại 3,4% và 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,1%/năm, lên 3,8%/năm.
OCB tiếp tục tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ một tới 8 tháng, và 0,1%/năm với kỳ hạn 9-11 tháng. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn một tháng tại OCB là 3,9%/năm, 2 tháng là 4%/năm, 3-4 tháng là 4,1%/năm, và 5 tháng là 4,5%/năm. Cũng với mức tăng 0,2%/năm, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6-8 tháng niêm yết tại 5,1%/năm. OCB tăng 0,1%/năm lãi suất huy động kỳ hạn 9-11 tháng lên 5,1%/năm.
Techcombank tăng 0.2%/năm lãi suất ở kỳ hạn dưới 3 tháng lên 3,6%/năm. Lãi suất ở kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,2%/năm, lên mức 3,8%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng tăng 0,3%/năm lên mức 4,8%/năm.
Tính từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank…
- Việt Nam có thể sẽ tiêu thụ trên 1 triệu chiếc xe ôtô mỗi năm vào 2030
Theo dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2030 tăng trưởng thị trường xe ôtô bình quân từ 14 - 16%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1 - 1,1 triệu chiếc.
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng về “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để lấy ý kiến.
Quan điểm của dự thảo là phát triển ngành ôtô trên cơ sở “đi tắt đón đầu” các xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ của sản xuất, tiêu dùng, từ sử dụng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác…
Theo dự thảo, đến năm 2030 tăng trưởng thị trường xe ôtô bình quân từ 14 - 16%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1 - 1,1 triệu chiếc; tỉ lệ xe điện và xe sử dụng hybrid, năng lượng mặt trời đạt 350.000 chiếc, xe lắp ráp sản xuất trong nước đạt tốc độ tăng 18 - 20%/năm, sản lượng đạt 600.000 - 700.000 chiếc, lượng tiêu thụ năm 2023 là 302.000 chiếc.