Căn cứ quân sự ngầm liệu có 'bất khả xâm phạm'?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 10:07, 19/09/2024

Các căn cứ ngầm và cơ sở sản xuất vũ khí bí mật nằm sâu dưới lòng đất từng được coi là “bất khả xâm phạm”. Điều đó dường như không còn đúng sau cuộc đột kích mới nhất của quân đội Israel tại vùng Tây Bắc Syria.

Đầu tháng 9, Shaldag-đơn vị tác chiến đặc biệt tinh nhuệ của Không quân Israel thực hiện chiến dịch đột kích nhằm vào một cơ sở sản xuất tên lửa ngầm nằm sâu trong lòng núi ở vùng Tây Bắc Syria, gần biên giới Lebanon, cách Israel 140 dặm về phía Bắc. Với cuộc đổ bộ bất ngờ bằng trực thăng và các lực lượng yểm trợ, đội biệt kích của Shaldag đã lục soát và lấy đi nhiều thiết bị, tài liệu quan trọng trước khi kích hoạt khối thuốc nổ “xóa sổ” cơ sở quân sự nói trên.

Lính biệt kích Shaldag của Không quân Israel trong một cuộc tập trận. Ảnh: The Times of Israel  

Trong chiến dịch đột kích này, Israel sử dụng đồng thời cả lực lượng mặt đất do tính chất phức tạp của địa hình, kết hợp với các cuộc không kích vào địa điểm rộng lớn ở Masyaf, Tây Bắc Syria, nơi đặt trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Syria (SSRC). Times dẫn lời các chuyên gia quân sự của Mỹ và Israel mô tả SSRC là “một trung tâm nghiên cứu và phát triển vũ khí, được hỗ trợ bởi đồng minh Iran của Syria. Đây là nơi phát triển các loại vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân và tên lửa trang bị cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon”.

Kể từ năm 2017, Israel đã nhiều lần thực hiện các cuộc không kích nhắm vào các cơ sở nghiên cứu quân sự tại Masyaf. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian năm 2018-2022, nơi này được Syria bảo vệ nghiêm ngặt. Cơ sở quân sự được xây ngầm dưới lòng núi ở Masyaf là nhằm vô hiệu hóa các cuộc không kích của Israel, Axios cho hay.

Tình báo Israel phát hiện và theo dõi cơ sở sản xuất tên lửa ở Masyaf suốt 5 năm qua dưới mật danh “Deep Layer” và nhận ra rằng không thể phá hủy cơ sở vũ khí này chỉ bằng các cuộc không kích, mà cần kết hợp cả lực lượng trên bộ. Quân đội Israel cũng từng lên kế hoạch đột kích ít nhất 2 lần, song đều không được chấp thuận vì rủi ro cao. Chỉ đến khi hoàn chỉnh mọi tính toán về đường đi nước bước và chắc chắn về mức độ thành công, Tel Aviv mới tiến hành chiến dịch.

Dĩ nhiên, trước khi khởi sự, các chiến dịch quân sự của Israel ở ngoài lãnh thổ nước này dường như đều đã được thông báo và chấp thuận bởi đồng minh quan trọng nhất của Tel Aviv là Washington. Theo Times, vài ngày trước chiến dịch, tướng Michael E.Kurilla, người đứng đầu Bộ tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) đã tới thăm căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và lắng nghe đại diện IDF trình bày kế hoạch tác chiến tại Masyaf. Times mô tả chiến dịch đột kích cơ sở quân sự tại Tây Bắc Syria kéo dài khoảng một giờ: “Trong thời gian đó, biệt kích Israel xâm nhập cơ sở sản xuất tên lửa, lấy đi các thiết bị và tài liệu quan trọng, rải thuốc nổ phá hủy cơ sở và rút lui dưới sự yểm trợ trên không cùng các vành đai hỏa lực bao quanh địa điểm này, nhằm ngăn chặn mọi hoạt động trên không của chiến đấu cơ Syria”. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria thông tin, chiến dịch đột kích của Israel khiến 18 công dân Syria thiệt mạng, 37 người bị thương, gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, hệ thống điện nước, mạng lưới thông tin liên lạc, đường sá... tại Masyaf.

Phát biểu với truyền thông, Bộ trưởng Y tế Syria Hassan Al-Ghabbash tuyên bố chiến dịch đột kích của Israel vào Masyaf là "hành động xâm lược tàn bạo và man rợ", trong khi Bộ trưởng Điện lực Syria Mohammad Al-Zamel mô tả "cuộc tấn công tàn bạo này nhắm vào các mục tiêu dân sự và số người thương vong chủ yếu là dân thường". Cùng lúc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kan'ani lên án “cuộc tấn công man rợ” của Israel vào Syria, đồng thời bác bỏ cáo buộc rằng Tehran hậu thuẫn cho cơ sở sản xuất vũ khí tại Syria.

Ở một góc độ khác, việc Israel thực hiện chiến dịch đột kích đầy mạo hiểm trong lòng đất cho thấy, các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Tel Aviv có khả năng vô hiệu hóa các cơ sở ngầm kiên cố của đối phương vốn xưa nay gần như “bất khả xâm phạm” trước các cuộc tấn công thông thường.

HÀ PHƯƠNG