Xem gì ở đâu và câu chuyện muôn thuở về bản quyền bóng đá châu Âu

Cuộc sống số - Ngày đăng : 06:51, 19/09/2024

Nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang cảm thấy khá bức xúc khi gặp khó khăn trong việc xem trực tiếp các giải đấu hàng đầu châu Âu qua truyền hình hay dịch vụ truyền hình OTT…

Thông lệ hàng năm cứ vào khoảng tháng 8 và nửa đầu tháng 9 là thời gian vô cùng sôi động đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi các nhà Đài liên tiếp công bố bản quyền phát sóng các giải bóng đá của Châu Âu - đấu trường bóng đá lớn nhất thế giới, ấy vậy mà năm nay thì có vẻ khá ảm đạm khi rất nhiều nhà Đài ...im hơi bặt tiếng, không biết có phải do quy định siết chặt quảng cáo hay do...hết tiền?

Dù với bất kỳ lý do gì đi nữa thì đều có thể thấy dư luận đang đặt ra rất nhiều câu hỏi, rất nhiều băn khoăn tiếc nuối của người hâm mộ khi gặp khó khăn trong việc xem trực tiếp các giải đấu hàng đầu châu Âu qua truyền hình hay dịch vụ truyền hình OTT.

banquyen2.jpg
Người hâm mộ Việt Nam gặp khó trong việc tiếp cận các giải đấu hàng đầu châu Âu như UEFA Champions League

Và dưới góc độ thị trường thì phải chăng hai "ông lớn" VTVCab và Viettel TV360 đang hợp tác để một bên thì hút thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống còn một bên thì hút thuê bao OTT? Suy luận này có vẻ khá logic khi TV360 đang rất tích cực quảng bá cho giải đấu danh giá UEFA Champions League cùng với VTVCab, còn VTVCab ngoài việc chia sẻ bản quyền giải Ngoại hạng Anh cùng với K+ thì tiếp tục phát sóng Giải vô địch Quốc gia Italia (Serie A) và người xem cũng có thể xem hết các giải này trên TV360 của Viettel.

Từ các thông tin được công bố có thể thấy hầu như tất cả các nhà Đài đều mua "full bản quyền" cho tất cả các hạ tầng phát sóng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

tv360.jpg
Nhiều khán giả 'bỏ chạy' sang các dịch vụ OTT có sở hữu bản quyền bóng đá châu Âu như TV360

Thế nhưng, tại sao nhiều hạ tầng của các nhà Đài khác lại không xem được như MyTV, SCTV, K+, FPT Play, HTV...? Mặc dù theo khảo sát riêng của thì bản quyền thể thao là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để giữ thuê bao, điều đó chắc chắn các nhà Đài không thể không biết? Cạnh tranh lẫn nhau? Bị hét giá quá cao hay còn yếu tố nhạy cảm nào khác?

Cũng theo khảo sát riêng phản ứng bức xúc nhiều nhất là từ các thuê bao MyTV khi các kênh liên tục bị off treo bảng "bản quyền", điều này khá dễ hiểu khi mà MyTV công bố họ có tới hơn...6 triệu thuê bao và rất có thể những phản ứng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển thêm thuê bao của MyTV khi nhiều thuê bao đang rủ nhau chuyển sang...TV360!

Tiếp đến là khán giả của FPT Play với những phát ngôn kiểu như "FPT Play bỏ bóng đá nên chỉ còn mấy giải ao làng Châu Á", khán giả của HTV thì có vẻ "hiền hơn" chỉ để lại cảm thán tiếc nuối khi HTV là nhà Đài đầu tiên và nhiều năm liên tục phát sóng Serie A và dù họ có thể xem Serie A trên VTVCab hay TV360 thì vẫn có nhiều hoài niệm với HTV.

Tất cả những bức xúc, tiếc nuối, hoài niệm của khán giả khơi lại câu hỏi muôn thuở xung quanh bản quyền bóng đá tại Việt Nam: đến khi nào thì các nhà Đài có thể bắt tay nhau cùng ngồi lại để người hâm mộ bóng đá có thể xem được nhiều nhất các giải đấu mà các nhà đài không phải cạnh tranh với nhau đẩy giá bản quyền lên quá cao.

Tổng hợp