Phát hiện ngưng thở khi ngủ bằng Apple Watch

Đi chợ công nghệ - Ngày đăng : 21:25, 17/09/2024

Thêm một tính năng liên quan đến sức khỏe của Apple vừa được phê duyệt, đó là phát hiện ngưng thở khi ngủ trên Apple Watch.

Hôm 16/9, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt tính năng phát hiện ngưng thở khi ngủ của Apple. Apple Watch Series 9, Series 10 và Ultra 2 sẽ được sử dụng tính năng này thông qua một bản cập nhật phần mềm.

q24ndr4s.png
Apple Watch có thể phát hiện các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ. Ảnh: ZDN

Ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, trong đó, người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn khi đang ngủ, lặp đi lặp lại mỗi đêm. Hội chứng ảnh hưởng đến hơn 30 triệu người Mỹ nhưng chỉ có khoảng 6 triệu được chẩn đoán, theo Hiệp hội Y khoa Mỹ. Nếu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ có thể gây mệt mỏi và dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như vấn đề về tim, huyết áp cao, tiểu đường loại 2.

Tính năng phát hiện ngưng thở khi ngủ được Apple giới thiệu trong sự kiện 10/9. Nó đánh dấu nỗ lực mới nhất của “táo khuyết” trong việc định vị thiết bị đeo của mình như một giải pháp thay thế rẻ hơn, đơn giản hơn cho nhiều thiết bị và bài kiểm tra sức khỏe hiện nay. Thị trường rối loạn giấc ngủ được chứng minh rất tiềm năng.

Để được chẩn đoán, bệnh nhân thường phải làm một bài kiểm tra tại nhà hoặc tại phòng thí nghiệm, nơi họ được theo dõi qua đêm. Mức giá cũng khác nhau tùy theo bảo hiểm, nhưng trung bình một xét nghiệm tại phòng thí nghiệm là 3.000 USD, theo nghiên cứu năm 2022 của một tạp chí y khoa. Kiểm tra tại gia ít tốn kém hơn nhưng vẫn tốn hàng trăm USD. Trong khi đó, Apple Watch mới nhất – Series 10 – có giá từ 399 USD.

Theo bác sĩ David Kuhlmann, người có kinh nghiệm điều trị rối loạn giấc ngủ gần 20 năm, tính năng mới của Apple có khả năng “thay đổi cuộc chơi” đối với các bệnh nhân còn e ngại xét nghiệm. Ông cho biết, nó đặc biệt hữu dụng với các bệnh nhân ngủ một mình và ông tin chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên khi phát hiện họ có dấu hiệu ngưng thở khi ngủ.

Tuy nhiên, ông khuyến nghị người dùng nên thận trọng khi sử dụng tính năng xác định ngưng thở khi ngủ của Apple vì các bản ghi có thể bị lỗi. Bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính thức. Bác sĩ chia sẻ, nếu sớm xác định hội chứng và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ tránh được các khoản điều trị đắt đỏ khi gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cơ chế hoạt động

Tính năng phát hiện ngưng thở khi ngủ của Apple hoạt động bằng cách phân tích “rối loạn hô hấp”, sử dụng gia tốc kế trên Apple Watch để đo chuyển động ở cổ tay, cho thấy gián đoạn trong các kiểu thở thông thường.

83r0jkkl.png
Apple cho biết tính năng phát hiện ngưng thở khi ngủ sẽ có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: Apple

Người dùng có thể theo dõi số liệu hàng đêm của mình trong ứng dụng Sức khỏe, nơi họ được phân loại bình thường hay không. Apple phân tích dữ liệu rối loạn hô hấp tháng một lần và thông báo nếu người dùng có “dấu hiệu nhất quán” về chứng ngưng thở khi ngủ trung bình hoặc nặng. Dữ liệu chia theo tháng, 6 tháng hoặc 1 năm.

Apple cũng tạo báo cáo để người dùng mang đến bác sĩ tư vấn, bao gồm dữ liệu rối loạn hô hấp trong ba tháng cũng như một số thông tin bổ sung. Ứng dụng Sức khỏe còn cung cấp tài liệu giáo dục liên quan.

Theo nhà sản xuất iPhone, thuật toán thông báo được phát triển bằng “một bộ dữ liệu mở rộng về các xét nghiệm ngưng thở khi ngủ cấp lâm sàng”. Bác sĩ Kuhlmann cho biết, đang muốn mua Apple Watch để dùng thử.

Trước đó vài ngày, FDA cũng chứng nhận phần mềm biến AirPods của Apple thành máy trợ thính không kê đơn. Tính năng trợ thính sẽ có mặt trên các thiết bị đủ điều kiện thông qua cập nhật phần mềm trong vài tuần tới. Theo Apple, tính năng hoạt động bằng cách khuếch đại một số âm thanh như giọng nói, trong khi giảm âm lượng âm thanh khác như tiếng ồn. Người dùng có thể kiểm tra thính lực trong ứng dụng Apple Health, sau đó AirPods tự động điều chỉnh dựa theo kết quả.

Apple được đánh giá có thể tạo đột phá cho thị trường thiết bị trợ thính toàn cầu.

(Theo CNBC, Wired)