Điểm tin Kinh doanh 18/9: Giá vàng: Vàng miếng tăng lên mốc 82 triệu đồng/lượng
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 18/09/2024
- Giá vàng: Vàng miếng tăng lên mốc 82 triệu đồng/lượng
Cùng với giá vàng thế giới tiếp tục tăng trước triển vọng Fed hạ lãi suất, giá vàng miếng SJC trong nước sáng 17/9 cũng tăng mạnh.
Cụ thể, tại thời điểm 13 giờ 45 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 80 - 82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 16/9.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 80 - 82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 16/9.
Trong khi giá vàng miếng tăng mạnh thì giá vàng nhẫn giữ mức đi ngang. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 78 - 79,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 16/9.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77,8 - 79,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên mức giá niêm yết ở chiều bán ra so chốt phiên hôm 16/9.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong phiên giao dịch 16/9, giá vàng thế giới tiếp tục tăng sau khi lập mức cao kỷ lục, nhờ sự suy yếu của đồng USD và triển vọng Mỹ hạ lãi suất.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.580,24 USD/ounce, cách không xa mức cao kỷ lục 2.589,59 USD/ounce đã đạt được trước đó. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ đứng ở mức 2.607,80 USD/ounce.
Phiên này, chỉ số đồng USD giảm 0,4%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với những người mua nắm giữ đồng tiền khác.
- Tổng giám đốc Bamboo Airways bị tạm hoãn xuất cảnh
Ông Lương Hoài Nam là người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways - doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế...
Mới đây, Cục thuế tỉnh Bình Định ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh với ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Nguyên nhân được Cục thuế tỉnh Bình Định đưa ra là do ông Lương Hoài Nam là người đại diện theo pháp luật của Bamboo Airways - doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế vì chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Lệnh tạm hoãn xuất cảnh có hiệu lực từ ngày 11/9/2024, ngay sau khi thông báo được ký.
Ông Lương Hoài Nam mới được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Bamboo Airways vào cuối tháng 10/2023. Ông Lương Hoài Nam (sinh năm 1963) là Tiến sĩ hàng không tại Nga, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không – du lịch.
- Sau Starbucks Hàn Thuyên đến McDonald’s Bến Thành view 'triệu đô' đóng cửa
Dù không tuyên bố lý do nhưng nhiều người cho rằng áp lực giá thuê mặt bằng đã khiến cửa hàng McDonald’s Bến Thành đóng cửa.
Trang Facbook chính thức của McDonald’s Việt Nam vừa đăng tải thông báo đóng cửa hàng McDonald’s Bến Thành (quận 1, TP.HCM), sau 10 năm gắn bó.
Không gian “chanh sả”, view quận 1 "triệu đô", cùng menu mãi đỉnh đã in sâu vào ký ức, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình ngọt ngào của McDonald’s Bến Thành.
Dù không muốn nói lời chia tay, nhưng vào 2h sáng ngày 19-9, McDonald’s Bến Thành sẽ khép lại hành trình 10 năm đồng hành đầy cảm xúc.
"Cảm ơn bạn vì đã cùng nhau tạo nên một thập kỷ rực rỡ và ý nghĩa”, McDonald’s viết trong thông báo gửi khách hàng.
Trong thông báo này, phía McDonald’s không nêu lý do tại sao thương hiệu nổi tiếng chia tay chi nhánh này, nhưng phía dưới phần bình luận nhiều ý kiến cho rằng áp lực chi phí mặt bằng là nguyên nhân khiến cửa hàng McDonald’s này dừng lại.
Phía McDonald’s cũng nhìn nhận cửa hàng McDonald’s Bến Thành là chi nhánh có không gian “chanh sả”, view quận 1 "triệu đô", hoạt động 24 giờ... Theo đó sức chứa của chi nhánh này lên tới 260 chỗ, với tổng diện tích gần 660m2.
Trước đó, một thương hiệu khác từ Mỹ là Starbucks cũng thông báo đóng cửa hàng Starbucks Reserve, cửa hàng cao cấp duy nhất ở TP.HCM, tại 11 - 13 Hàn Thuyên vào cuối tháng 8.
- Nội các Thái Lan thông qua việc phát tiền cho hơn 14 triệu người
Nội các Thái Lan đã phê duyệt chương trình phát tiền cho hơn 14 triệu người dân nước này chi tiêu nhằm kích thích nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Hãng Bloomberg (Mỹ) đưa tin, từ ngày 25/9, chính phủ Thái Lan sẽ dành 145,6 tỷ baht chuyển cho 14,6 triệu người dân, tương đương mỗi người trong nhóm này nhận được 10.000 baht.
Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira chia sẻ tại cuộc họp báo sau họp Nội các ngày 17/9, cho biết nhóm được thụ hưởng bao gồm 12,4 triệu người sở hữu thẻ phúc lợi nhà nước và 2,15 triệu người khuyết tật.
Bộ trưởng Pichai cho biết nguồn vốn cho khoản tiền này sẽ đến từ ngân sách bổ sung 122 tỷ baht và một phần ngân sách hàng năm cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 9.
Gói kích thích 145,6 tỷ baht là trọng tâm trong nỗ lực của tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhằm phục hồi nền kinh tế tăng trưởng trung bình khoảng 2%/năm trong thập niên qua, chưa bằng một nửa tốc độ của nước láng giềng Indonesia.
Theo thông báo chính thức, chương trình này sẽ giúp tăng trưởng thêm 35 điểm cơ bản trong năm 2024.
- VN-Index tăng mạnh nhất 1 tháng nhờ dòng tiền khối ngoại
VN-Index tăng 19,69 điểm trong phiên ngày 17/9, đánh dấu phiên giao dịch tích cực nhất trong vòng 1 tháng qua, nhờ dòng tiền nước ngoài tích cực rót vào cổ phiếu vốn hoá lớn.
VN-Index mở cửa phiên giao dịch hôm 17/9 trong sắc xanh, trái ngược hoàn toàn với sự thận trọng bao trùm suốt hai phiên trước.
Giữa phiên sáng, chỉ số đảo chiều xuống dưới tham chiếu, nhưng nhanh chóng lấy lại đà tăng nhờ dòng tiền giải ngân ở vùng giá thấp. VN-Index đóng cửa tại 1.258,95 điểm, tăng 19,69 điểm so với tham chiếu, mức tăng mạnh nhất trong 1 tháng qua.
Hôm 17/9, sàn TP.HCM có đến 312 cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu, gấp 3,5 lần cổ phiếu giảm điểm là 88 mã. 29 trong số 30 cổ phiếu thuộc rổ vốn hoá lớn đóng cửa trong sắc xanh, duy nhất PLX giữ nguyên tham chiếu.
VHM tích luỹ 5,39% so với tham chiếu, lên 44.000 đồng, trở thành động lực tăng chính cho thị trường và dẫn đầu về biên độ tăng trong rổ VN30. Ngoài VHM, một cổ phiếu khác thuộc họ Vingroup là VIC cũng đóng góp tích cực khi tăng 2,02% lên 42.900 đồng.
Động lực tăng còn đến từ các mã trụ nhóm ngân hàng. Cụ thể, VCB tăng 1,8% lên 90.500 đồng, BID tăng 1,99% lên 48.700 đồng, TCB tăng 2,48% lên 22.750 đồng và VPB tăng 1.63% lên 18.650 đồng.
Nhóm thép hòa chung đà hưng phấn với thị trường khi gần như toàn bộ cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh. Cụ thể, NKG tăng 2,4% lên 21.100 đồng, HSG tăng 2% lên 20.000 đồng, HPG tăng 1,6% lên 25.250 đồng và TLH tăng 0,4% lên 5.530 đồng.
Cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận sự khởi sắc đáng kể. Cụ thể, các cổ phiếu trụ là VCI tăng 5,1% lên 34.150 đồng, VND tăng 3,2% lên 14.550 đồng, AGR tăng 3,1% lên 18.200 đồng và HCM tăng 2,8% lên 29.000 đồng.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu bất động sản là ITA và SGR giảm hết biên độ, lần lượt xuống 3.020 đồng và 45.850 đồng, qua đó trở thành tác nhân chính ghì đà tăng của thị trường trong phiên hôm nay. Những mã còn lại góp mặt trong danh sách tác động tiêu cực đến VN-Index gồm TCD, BWE, DSE, DTL, APH, SMC, OGC và CRE.
Khối lượng giao dịch cả sàn TP.HCM đạt hơn 632 triệu cổ phiếu, tăng 24 triệu đơn vị so với phiên đầu tuần. Giá trị giao dịch theo đó đạt 13.528 tỷ đồng, tăng 43 tỷ đồng so với phiên hôm qua.
Rổ vốn hoá lớn đóng góp vào thanh khoản gần 6.585 tỷ đồng, tương ứng 236 triệu cổ phiếu được sang tay thành công. Trong đó, VHM đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 680 tỷ đồng (tương ứng 15,78 triệu cổ phiếu). Cổ phiếu xếp sau là MWG hơn 577 tỷ đồng (tương ứng 8,76 triệu cổ phiếu) và FPT hơn 350 tỷ đồng (tương ứng 2,65 triệu cổ phiếu)
Nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng phiên thứ hai liên tiếp. Cụ thể, khối ngoại giải ngân gần 1.483 tỷ đồng để mua vào 43,9 triệu cổ phiếu, trong khi chỉ bán ra hơn 26,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 958 tỷ đồng. Giá trị mua ròng theo đó đạt 525 tỷ đồng, gấp đôi phiên hôm qua và cao nhất một tháng trở lại đây.
Tương tự nhà đầu tư trong nước, khối ngoại gom mạnh VHM với giá trị ròng hơn 193 tỷ đồng. FPT xếp tiếp theo về sức hút dòng tiền ngoại khi giá trị mua ròng cổ phiếu này hơn 188 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh cổ phiếu MWG với giá trị ròng 144 tỷ đồng. Tiếp đến là KDH hơn 34,3 tỷ đồng, VPB xấp xỉ 26,6 tỷ đồng.