Start-up công nghệ xoay xở tìm dòng vốn mới
Kinh doanh - Ngày đăng : 09:26, 16/09/2024
Trong khi "mùa đông gọi vốn" kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay chưa có dấu hiệu kết thúc, các start-up công nghệ Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm nguồn tài trợ mới để tăng tốc phát triển dự án.
Những thương vụ thành công
Công ty CP Blockchainwork - cộng đồng nhân sự blockchain hàng đầu tại Việt Nam - vừa chính thức công bố đã hoàn thành gọi vốn vòng hạt giống (Seed) vượt kế hoạch với tổng số tiền 87.000 USD (tương đương hơn 2 tỉ đồng).
Với số vốn huy động, công ty này sẽ phát triển và mở rộng hệ sinh thái nguồn nhân lực blockchain-Web3 tại Việt Nam. Cụ thể là tập trung mở rộng quy mô nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển cơ sở dữ liệu ứng viên chất lượng trong ngành blockchain-Web3 cùng các tài liệu báo cáo chuyên ngành; hợp tác các tổ chức giáo dục, hiệp hội và doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư để tạo ra hệ sinh thái blockchain-Web3 phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam…
Bà Lê Ngọc Mỹ Tiên, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Blockchainwork, cho biết công ty đã xây dựng cộng đồng hơn 20.000 thành viên và kết nối gần 200 nhà tuyển dụng ngành blockchain. "Vòng gọi vốn này là cột mốc quan trọng, giúp công ty định hướng trở thành nền tảng hàng đầu về phát triển nhân tài blockchain-Web3 tại Việt Nam. Chúng tôi phải mất hơn 1 năm chuẩn bị và hoàn tất thủ tục pháp lý để có thể tiếp cận, thuyết phục nhà đầu tư rót vốn" - bà Mỹ Tiên bộc bạch.
Blockchainwork là một trong số ít DN khởi nghiệp Việt Nam nói chung và khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ nói riêng tìm được nguồn tài trợ trong bối cảnh vốn đầu tư vào khởi nghiệp của Việt Nam chậm lại đáng kể từ năm 2023 đến nay.
Trước đó, vào tháng 4-2024, start-up pin cát Alternō huy động thành công hơn 1,5 triệu USD từ các quỹ đầu tư tác động như The Radical Fund, Touchstone, Antler, Impact Square… Khoản tài trợ này giúp Alternō đẩy nhanh kế hoạch đưa công nghệ pin cát ra thị trường Đông Nam Á, đồng thời nhắm đến các thị trường tiềm năng tại châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ.
"Công ty đã phát triển các phiên bản công nghiệp của pin cát với công suất lớn, từ 250 KWh đến 1,8 MWh, giúp nông trại và các DN trong ngành nông nghiệp tiết kiệm năng lượng đáng kể và giảm phát thải carbon hằng năm" - ông Hồ Việt Hải, đồng sáng lập Alternō, cho biết.
Trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, Prep - nền tảng luyện thi tiếng Anh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - đã gọi vốn thành công vòng Series A với trị giá 7 triệu USD. Một nền tảng học tiếng Anh khác là NativeX cũng gọi vốn thành công 4 triệu USD trong vòng hạt giống sau 8 tháng kể từ khi thành lập…
Trước đó, năm 2023, các start-up công nghệ sức khỏe đã tạo kỳ tích khi thu hút được 184 triệu USD vốn đầu tư, tăng 391% so với năm 2022 - theo số liệu của Báo cáo Đầu tư công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024.
Còn nhiều tiềm năng, cơ hội
Công bố gần đây nhất của nền tảng dữ liệu thị trường Tracxn cho thấy tổng vốn tài trợ cho các start-up công nghệ Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã giảm 52,7% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo dòng vốn cho các start-up Việt Nam sẽ tiếp tục chậm lại trong các tháng cuối năm.
Tổng giám đốc một công ty tư vấn công nghệ lớn tại TP HCM nhìn nhận vốn đầu tư start-up công nghệ hiện giảm mạnh, ước chừng hơn một nửa sau giai đoạn tăng trưởng nóng trước và trong đợt dịch COVID-19. Hiện nay, nhà đầu tư không còn mạo hiểm đổ tiền vào những mô hình thiếu tiềm năng rõ ràng. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa các start-up cùng sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đã gây cản trở dòng vốn đổ vào Việt Nam đối với lĩnh vực "hot" này.
Tuy vậy, start-up công nghệ Việt Nam với nguồn lực dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, sẵn sàng thích ứng với các xu hướng công nghệ mới vẫn còn nhiều cơ hội thu hút đầu tư. Nhiều start-up công nghệ về fintech, games… đã thành công, có chỗ đứng trên thị trường như MoMo, VNPay, là nền tảng để các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn. Ngoài ra, sự hỗ trợ của nhà nước thông qua chính sách khuyến khích khởi nghiệp đã giúp start-up có thêm thời gian phát triển và thuyết phục nhà đầu tư đồng hành.
"Để vốn đầu tư chảy nhanh hơn hoặc tự đổ vào DN, start-up phải tư duy sáng tạo hơn nữa, thể hiện qua sản phẩm mang tính khác biệt để nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận dù rủi ro cao" - tổng giám đốc này khuyến nghị.
Một tín hiệu tích cực là từ đầu năm đến nay, một số quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế và khu vực đã công bố những khoản đầu tư vào start-up Việt Nam lĩnh vực tiềm năng. Đơn cử, Antler, quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, đã tổ chức gặp gỡ start-up trong danh mục đầu tư của họ. Theo kế hoạch, Antler sẽ dành 6 triệu USD cho thị trường Việt Nam trong 9 tháng tới, cung cấp vốn tiền hạt giống cho những nhà sáng lập mới khởi nghiệp và khoản tài trợ tiếp theo lên tới 600.000 USD cho mỗi công ty.
"Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các start-up chứng minh khả năng kinh doanh, mở rộng hiệu suất tài chính, xây dựng đội ngũ có năng lực cũng như đưa ra các chiến lược tăng trưởng rõ ràng để phát triển mạnh mẽ" - ông Erik Jonsson, đối tác điều hành của Antler Việt Nam, nhấn mạnh.
Chuẩn bị kỹ kế hoạch
Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn, bà Lê Ngọc Mỹ Tiên cho rằng start-up cần chuẩn bị kỹ kế hoạch kinh doanh chi tiết, các số liệu thành tích đạt được một cách chính xác, các nghiên cứu về ngành, bối cảnh kinh tế tại Việt Nam. Điều đó giúp nhà đầu tư nắm bắt được con đường mà start-up sẽ đi và đánh giá mức độ nhiệt huyết, kiên trì, khả năng thành công của công ty.