Nhận định chứng khoán 12/9: VN-Index thử thách lại vùng kháng cự 1.260 – 1.265 điểm?
Kinh doanh - Ngày đăng : 08:43, 12/09/2024
VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm
Sau phiên giao dịch giảm điểm ngày 10/9, thị trường chứng khoán mở cửa phiên sáng 11/9 trong sắc đỏ và có thời điểm VN-Index xuống tới 1.244,79 điểm, tuy nhiên, lực cầu cải thiện dần đặc biệt tập trung tại các cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên chiều giúp cho VN-Index phục hồi và đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/9, VN-Index kết phiên giảm nhẹ -1,96 điểm (-0,16%) về mốc 1.253,27 điểm. HNX-Index kết phiên tại mốc 231,45 điểm (-0,24 điểm, tương ứng -0,1%). Độ rộng thị trường tuy vậy vẫn nghiêng về tiêu cực với 171 cổ phiếu giảm giá, 130 cổ phiếu tăng giá, 63 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 82 cổ phiếu giảm giá, 52 cổ phiếu tăng giá và 61 cổ phiếu tham chiếu.
Thanh khoản trên cả 2 sàn giảm so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -13,9% tại HOSE và -27,7% tại HNX. Đóng góp tích cực cho điểm số của thị trường phiên 11/9 tiếp tục là ngành Thép với các mã HPG (+0,8%), HSG (+1,25%), NKG (+1,66%)... Ngoài nhóm Thép, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như Công nghệ thông tin, tiêu biểu như: FPT (+0,46%) với công bố từ FPT Software việc hợp tác chiến lược với Vilja - nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng lõi hàng đầu bắc Âu, các cổ phiếu khác cùng ngành như CMG (+1,62%), ELC (+1,08%)... Nhóm Chứng khoán giao dịch khởi sắc với SSI (+0,31%), FTS (+2,14%), MBS (+3,82%), VDS (+1,23%)... nhóm cổ phiếu Phân bón tăng nhẹ với DCM (+0,81%), LAS (0,45%), BFC (0,11%)...
Ghi nhận trong phiên 11/9, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã phân hóa về mặt điểm số như ngành Thực phẩm và Đồ uống với PAN (+1,96%), SAB (+0,18%), BAF và KDC giao dịch trong sắc vàng (0%), tuy nhiên, giảm điểm có VNM (-0,4%), MSN (-0,13%), DBC (1,52%)... Nhóm ngành Ngân hàng tiếp tục điều chỉnh với TCB (-0,67%), SSB (-5,88%), OCB (-1,74%), BID (-0,41%), VCB (-0,67%)... Đa số cổ phiếu ngành Bảo hiểm vẫn có một phiên giao dịch kém tích cực, cụ thể là ABI (-4,07%), BVH (-0,46%),BMI (-1,92%), BIC (-4,32%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, xu hướng VN-Index vẫn kém tích cực khi không giữ được vùng hỗ trợ đường giá trung bình 20 phiên và chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm - 1.255 điểm. Đây là vùng giá tương đối hợp lý đối với triển vọng tăng trưởng của thị trường, thị trường cũng đang dần phân hóa trong các nhóm ngành khi các mã chất lượng tốt phục hồi, một số nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, công nghệ… cũng phục hồi. Diễn biến này mở ra nhiều vị thế tích lũy hợp lý dựa vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp, kết quả kinh doanh quí III/2024. Tuy nhiên, diễn biến hiện tại vẫn chưa cho thấy dòng tiền ngắn hạn gia tăng trở lại. VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.250 điểm và phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự gần nhất hiện nay tương ứng quanh 1.265 điểm.
Xu hướng trung hạn vẫn duy trì tích lũy tích cực trong vùng 1.250 điểm - 1.255 điểm đến 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó, 1.255 điểm là vùng giá cao nhất năm 2023, 1.300 điểm - 1.320 điểm là các vùng kháng cự rất mạnh, đỉnh giá tháng 6 - 8/2022 và đỉnh giá các tháng đầu năm 2024. Điểm cân bằng của kênh giá tích lũy này là quanh vùng 1.280 điểm. Trong khi VN30 gặp kháng cự rất mạnh 1.330 điểm - 1.340 điểm, đỉnh giá tháng 6/2024. Cần lưu ý, thị trường chỉ có thể vượt qua các vùng đỉnh, kháng cự mạnh này, chỉ khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội.
“Trong ngắn hạn, nhà đầu tư không nên giải ngân mua đuổi. Tuy nhiên, với VN-Index ở vùng giá hiện tại, nhà đầu tư có thể xem xét, cân nhắc gia tăng, mở rộng danh mục theo dõi giải ngân khi chỉ số VN-Index kiểm định vững chắc biên độ dưới 1.250 điểm - 1.255 điểm của kênh tích lũy trung hạn, với kỳ vọng thị trường sẽ cải thiện tốt hơn, dòng tiền có thể gia tăng trở lại sau khi FED bắt đầu có quyết định giảm lãi suất trong kỳ họp tuần sau”, chuyên gia của ASEANSC nêu quan điểm.
VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng kháng cự 1.260 – 1.265 điểm
Còn theo nhóm phân tích của ASEAN (ASEANSC), phiên giao dịch ngày 11/9 cho thấy lực cầu cải thiện nhẹ trong phiên chiều, tuy nhiên, thanh khoản vẫn thấp hơn, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Mặc dù có nỗ lực phục hồi, chỉ số VN-Index không thể bứt phá khỏi ngưỡng hỗ trợ do áp lực bán vẫn lớn. Diễn biến này cho thấy thị trường vẫn đang trong trạng thái giằng co, và sự cân bằng chưa đủ mạnh để tạo ra một xu hướng phục hồi rõ ràng.
“Nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi sát dòng tiền và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình chờ đợi các tín hiệu đảo chiều tin cậy để gia tăng tỷ trọng”, chuyên gia của ASEANSC nhận định.
Trong kho đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ hồi phục trong phiên hôm nay 12/9 và chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng kháng cự 1.260 – 1.265 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên thị trường có thể sẽ chưa thể giảm sâu hơn trong những phiên giao dịch tới, đặc biệt thị trường đang ở giai đoạn quá bán ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật và các nhà đầu tư hạn chế bán ra ở vùng giá này.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và chưa nên bán ra ở mức hiện tại”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
>> Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/9