‘Trải qua kiếp nạn lũ lụt này, tôi thấm thía sự đùm bọc nhau khi hoạn nạn’
Nhịp sống - Ngày đăng : 13:15, 11/09/2024
Chỗ ở tạm ấm áp giữa mênh mông nước lũ
Các con đi làm xa, nhà chỉ có hai vợ chồng già nên khi lũ ập đến, vợ chồng bà Phan Thị Tí (tổ 1, phường Yên Ninh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) chỉ biết leo vội lên mái nhà để chờ người tới cứu.
"Trước khi lũ đến, chúng tôi đang thu gom áo quần chuẩn bị di chuyển, chưa kịp cho vào ba lô thì nước dâng lên ào ạt, tôi chỉ kịp đưa người chồng bại liệt lên nóc nhà để trú", bà Tí kể lại.
Đội cứu hộ sau đó đã đưa vợ chồng bà Tí lên tạm mái nhà cùng một ít nhu yếu phẩm cơ bản để chờ di chuyển về nơi an toàn. Đến đầu giờ chiều 10/9, vợ chồng bà cùng hàng xóm thuộc diện neo đơn được đưa từ nóc nhà đến trụ sở công ty xăng dầu.
"Nước lũ lên quá nhanh, nhà ai cũng bị ngập đến mái, ai cũng cần có chỗ ở tạm để tránh lũ. Rất may tất cả chúng tôi đều nhận được sự trợ giúp kịp thời của lực lượng chức năng. Ở đây tôi cảm thấy an toàn hơn rất nhiều. Lúc mới đến, chúng tôi trong trạng thái đói, rét do quần áo ướt sũng và lập tức được các nhà hảo tâm hỗ trợ từng bữa ăn, hộp sữa. Trải qua kiếp nạn này tôi mới thực sự cảm nhận được sự thương yêu, đùm bọc nhau giữa lúc khó khăn, hoạn nạn", bà Tí nói.
Bà Nguyễn Thị Thảo (69 tuổi, ngụ đường Hồ Xuân Hương, phường Yên Ninh) sống một mình trong căn nhà 2 tầng ven sông, nhà bà bị nước nhấn chìm gần đến nóc. Sau hơn một ngày, bà được đội cứu hộ tới nơi an toàn.
"Tôi giờ lớn tuổi nên chỉ cần ăn một bữa thôi là đủ rồi. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, vẫn còn rất nhiều người khác đang cần được cứu trợ nữa”, bà Thảo không quên nghĩ đến những người khó khăn hơn mình giữa cơn lũ dữ đang hoành hành.
Hiện nhà khách của các hiệp hội, trạm y tế, trụ sở nhà văn hóa… ở TP Yên Bái đang trở thành nơi ăn chốn ngủ cho những người dân lánh nạn chờ nước lũ rút. Hầu như ai cũng chỉ vỏn vẹn bộ quần áo trên người, không kịp mang theo bất kỳ thứ gì khác bởi nước lũ ập về ào ạt, bất ngờ...
Ông Triệu Văn Thuận (thôn 3, Trấn Ninh, xã Tân Thịnh) đang lánh nạn tại nhà khách Hội Nông dân tỉnh cho biết, nhà ông chìm trong nước lũ, ông được lực lượng công an, dân phòng sắp xếp chỗ ăn, ở nhưng cũng phải rất nhiều lần mới chọn được nơi lánh nạn an toàn.
“Cứ chuyển từ nơi này đến nơi kia, chỗ nào cũng bị ngập, báo động vì nước dâng lên. Đến nhà thứ 3 thì đất lại sạt. Thế mới thấy được sự vất vả của các lực lượng khi giúp người dân tránh lũ. Họ đã phải đưa đón biết bao người như chúng tôi. Sức người cũng có hạn, chắc chắn ai cũng mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng", ông Thuận nói.
Ông Thuận cùng nhiều người khác cuống cuồng chạy khỏi nước lũ mà không kịp mang theo gì và họ rất bất ngờ, xúc động khi nhận được sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, người dân địa phương và các nhà hảo tâm.
“Chúng tôi đến đã được các nhà hảo tâm tặng mỗi người một bộ quần áo sạch sẽ. Cơm nước thì nhà chùa và các đoàn thể phát miễn phí. Bữa tối nay thì được Hội phụ nữ phục vụ. Ai cũng có lòng và sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi. Thật thấm thía tinh thần "lá lành đùm lá rách" truyền thống của người dân Việt Nam", ông cho hay.
Những chuyến hàng đầy ắp tình thương
Tại khu vực Công ty xăng dầu Yên Bái - địa điểm tập kết hàng hóa, tàu, xuồng đến cứu trợ người dân - liên tục những xe tải chất đầy hàng hóa, nhu yếu phẩm được các nhóm thiện nguyện vận chuyển đến để cứu trợ người gặp nạn.
15h30 ngày 10/9, chị Hiền (Việt Trì, Phú Thọ) có mặt tại khu vực cây xăng giao cho lực lượng chức năng 60 chiếc áo phao để giúp đỡ cứu trợ những người dân bị mắc kẹt trong lũ. Nhóm của chị Hiền khoảng 5 người, di chuyển đến Yên Bái từ giữa trưa và tự tổ chức đi phát thức ăn, nước uống, áo phao tận tay cho những người cần cứu trợ.
“Chồng tôi lái xe, đem theo đồ ăn nhanh, nước uống và áo phao để hỗ trợ người dân bị cô lập trong nước lũ, nhờ thuyền cứu hộ gửi đồ ăn nước uống đến cho họ. Chúng tôi mang áo phao đến đây, tận tay trao cho công an để họ sử dụng vào việc cứu hộ người dân gặp nạn", chị Hiền nói.
Theo chị Hiền, đây là lúc người gặp nạn cần được san sẻ nhất, nên có bất cứ gì chị đều cho là quý và nghĩ đến quyên góp, ủng hộ bà con.
"Đồng bào của mình gặp nạn, sao mình có thể làm ngơ, tôi nghĩ không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều có suy nghĩ như vậy. Vì thế, tất cả đều mới đồng lòng hướng về bà con miền Bắc đang bị lũ lụt hoành hành và ai cũng muốn góp sức trợ giúp, dù ít hay nhiều", chị tâm sự.
Một nhà hảo tâm khác tên Dũng cũng chia sẻ, anh đã cùng các cộng sự của mình không ngừng tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế lương thực cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Ngày 10/9, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại TP Thái Nguyên, anh Dũng và đội của mình lập tức có mặt tại TP Yên Bái, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ, để tiếp tục công việc cứu trợ. Ba chiếc thuyền hơi của đội cứu hộ đã hoạt động không ngừng nghỉ, liên tục vận chuyển các nhu yếu phẩm đến những khu vực bị cô lập.
Theo anh Dũng, mặc dù nhìn từ bên ngoài phường Hồng Hà có vẻ yên bình, nhưng chỉ cần đi sâu vào khoảng 50 mét, dòng nước đã trở nên rất mạnh và nguy hiểm. Nước lũ ngập sâu khiến nhiều ngôi nhà gần như bị nhấn chìm hoàn toàn. Khi tiến vào các khu vực này, đội cứu hộ phải cẩn thận để tránh va phải dây điện và giữ chắc tay chèo để không bị cuốn ra sông.
Anh Dũng chia sẻ thêm nếu không có kinh nghiệm, việc lái thuyền ngược dòng rất dễ gặp nguy hiểm, thậm chí là lật thuyền. Với ưu tiên hàng đầu là vận chuyển nhu yếu phẩm, mỗi chuyến thuyền chỉ chở theo hai người. Mỗi chuyến có thể mang theo khoảng 200 suất đồ ăn. Ngoài việc tiếp tế, đội cứu hộ cũng sẵn sàng đưa người dân gặp nguy hiểm ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đến sáng 11/9, TP Yên Bái và nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái vẫn chìm trong biển nước, một số phường, xã bị cô lập không thể liên lạc, giao thông bị chia cắt và nhiều người vẫn chưa được đưa ra khỏi vùng lũ do dòng nước chảy siết.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cũng thống kê, tính đến 15h chiều 10/9, địa phương có ít nhất 34 người chết và mất tích, trong đó 29 người chết do sạt lở đất, riêng thành phố Yên Bái 20 người; Lục Yên 8 người; Văn Chấn 1 người; 5 người mất tích tại huyện Lục Yên.