Bưu chính, viễn thông khôi phục sau bão Yagi
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 12:03, 08/09/2024
Bưu điện Việt Nam thông báo hoạt động trở lại ngay sau bão Yagi
Sau khi bão Yagi đổ bộ và gây ảnh hưởng đến nhiều khu vực tại các tỉnh phía Bắc, một số điểm phục vụ ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang... đã phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản và hàng hóa của khách hàng. Đến sáng nay, ngày 8/9/2024, các điểm phục vụ này đã hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu của người dân và khách hàng.
Trước và trong thời gian cơn bão diễn ra, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cùng các đơn vị có nguy cơ bị ảnh hưởng đã chủ động triển khai các phương án phòng chống bão lụt nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, tài sản và hàng hóa của khách hàng. Nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt và phản ứng kịp thời, hầu hết các dịch vụ tại các khu vực bị ảnh hưởng đã được khôi phục.
Cụ thể, các dịch vụ như chuyển phát bưu phẩm, bưu kiện, thư tín, tài liệu, cùng với các dịch vụ hành chính công và tài chính bưu chính đã trở lại hoạt động bình thường tại các tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Ninh Bình… Đặc biệt, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội đã được ưu tiên và nhanh chóng tổ chức tại các điểm chi trả và tận nhà người hưởng.
Trong suốt thời gian tạm ngừng do bão, Bưu điện Việt Nam đã liên tục theo dõi và cập nhật thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn và thực hiện nghiêm Công điện của Bộ TT&TT về việc chủ động, khẩn trương ứng phó bão số 3, Yagi để đảm bảo dịch vụ được khôi phục nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của người dân và khách hàng trên cả nước.
Nhà mạng tích cực khôi phục thông tin sau bão
Đại diện nhà mạng Viettel cho hay đã ứng dụng công nghệ, nâng cao 30% hiệu quả khôi phục thông tin trong bão. Ứng dụng Phòng chống thiên tai do Viettel làm chủ thiết kế và phát triển, cập nhật tự động tình trạng mạng lưới theo thời gian thực. Thay vì phải có lực lượng nhân sự tổng hợp thủ công qua nhiều lớp, dữ liệu toàn bộ các vị trí trạm phát sóng, nhân sự, phương tiện, vật tư…được cập nhật tự động hoàn toàn từ tuyến đầu đến người chỉ huy cao nhất. Sự đồng bộ, chính xác dữ liệu nhờ phần mềm đóng góp vào quá trình khôi phục dịch vụ khách hàng được nâng cao 30% so với trước kia.
Khả năng trực quan hóa của phần mềm cũng giúp nâng cao công tác phán đoán, suy xét tình hình để đưa ra hướng phương án xử lý sát với thực tế. Bên cạnh đó, ứng dụng thực hiện nhiệm vụ điều động hỗ trợ, chuẩn bị và vận chuyển máy phát điện, ắc quy, xăng đầu được điều phối thông suốt, đảm bảo đúng tiến độ.
24 giờ qua, ứng dụng Phòng chống thiên tai của Viettel đã đảm bảo vận hành máy phát điện cho 1.400 vị trí trạm phát sóng đi động, hỗ trợ khắc phục gián đoạn thông tin cho 650 vị trí.
Trước dự báo về tính nghiêm trọng của bão Yagi, Viettel đã khẩn trương tập trung nguồn lực để sẵn sàng đối phó với những tình hướng xấu nhất. Tại 4 tỉnh dự kiến bị ảnh hưởng trực tiếp (Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh), Viettel bố trí lực lượng túc trực, cử các cán bộ nhiều kinh nghiệm phòng, chống bão lũ.
Hơn 5.000 máy phát điện được trang bị cho 14 tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão. Tất cả vị trí, địa điểm có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt đều có nhân sự túc trực, đảm bảo tài nguyên cơ điện, nhiên liệu để khắc phục sự cố khi cần.
Về phương án ứng cứu đối với mạng truyền dẫn, 51 link dự phòng sẵn sàng ứng phó trong trường hợp khẩn cấp, bổ sung đường trục kết nối mạng Đông Bắc và Tây Bắc 2 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng. Trên 18 điểm xung yếu trục quốc gia, 49 điểm trục liên tỉnh, 268 trục liên huyện, Viettel cắt cử nhân sự trực ngày đêm, đảm bảo công dụng cụ vật tư cáp dự phòng.
Xác định bão Yagi là cơn bão rất mạnh, trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền, Tập đoàn VNPT đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống bão: Kiểm tra, gia cố các vị trí xung yếu, nâng cao độ vững chắc cho các tuyến quang liên tỉnh; Điều chuyển bổ sung, bố trí đầy đủ vật tư dự phòng; Rà soát, kiểm tra các Phương án An toàn thông tin trên toàn mạng lưới; Gia cố nâng cao độ vững chắc nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; Sẵn sàng nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp với gần 1000 cán bộ kỹ thuật tại 63 Tỉnh/Tp, 225 xe ứng cứu thông tin, 623 máy nổ lưu động. Nhờ vậy đã giúp giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Tại hai địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất là Hải Phòng và Quảng Ninh, toàn bộ CBCNV đều đang trên mạng lưới xử lý sự cố nhằm phục hồi sớm nhất có thể. Tập đoàn VNPT đã điều động gần 200 nhân lực kèm theo công cụ, dụng cụ hỗ trợ cho Quảng Ninh, Hải Phòng.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước bão, VNPT đã triển khai chạy máy phát điện và 20 xe phát sóng lưu động, nhờ vậy cơ bản khôi phục ngay, đảm bảo thông tin liên lạc mạng di động VinaPhone trong bão. Tại Quảng Ninh, dự kiến đến trưa nay (8/9), VNPT sẽ xử lý khôi phục hoàn toàn liên lạc trên địa bàn tỉnh.
Tại thành phố Hải Phòng, do điện lưới mất trên diện rộng, cây đổ và tình trạng ngập diễn ra trên diện rộng nên việc xử lý khôi phục thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nhân vật lực. Nhưng với việc huy động hàng trăm CBCNV từ các đơn vị lân cận cùng toàn bộ của VNPT Hải Phòng tập trung xử lý sự cố, dự kiến cũng sẽ sớm khôi phục liên lạc trên địa bàn thành phố.
Nhằm giúp người dân duy trì liên lạc trong tình hình bão Yagi diễn biến nghiêm trọng, VNPT VinaPhone chia sẻ mạng lưới cùng các nhà mạng. Thuê bao các nhà mạng có thể sử dụng sóng VinaPhone và ngược lại. Để kích hoạt chế độ này, người dùng vào cài đặt của điện thoại như Chọn “Nhà cung cấp mạng” (Network Selection); và Chọn chế độ “Tự động” (Automatic).
Để chủ động đối phó với những ảnh hưởng của siêu bão Yagi có thể gây ra, MobiFone cho hay đã khẩn trương rà soát, kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ các nội dung để sẵn sàng ứng phó với bão.
Về việc triển khai kiểm tra an toàn cơ sở mạng lưới, MobiFone đã tiến hành rà soát toàn bộ phương án phòng, chống bão đã xây dựng, đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng, an toàn mạng lưới kỹ thuật và kinh doanh; Kiểm tra 100% cơ sở hạ tầng nhà trạm (đặc biệt là cột cao) những khu vực trọng điểm ven biển, trạm Node tại những tỉnh nằm trong vùng tâm bão (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình); Đổ nhiên liệu, đảm bảo 100% máy phát điện dự phòng sẵn sàng hoạt động trong trường hợp mất điện lưới; Thực hiện kiểm tra an toàn cơ sở hạ tầng các chi nhánh, cửa hàng kinh doanh, nhà trạm tại các điểm nguy cơ bị ngập lụt cục bộ; Sẵn sàng máy phát điện ứng cứu phục vụ công tác kinh doanh, hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã xây dựng phương án kỹ thuật nhằm ứng phó tối đa với siêu bão Yagi: Tổ chức trực giám sát 24/7 mạng lưới các tỉnh được xác định bão đổ bộ; Rà soát đánh giá năng lực dự phòng tất cả các tuyến/hướng truyền dẫn trục, Metro; Phương án xử lý ứng cứu trong trường hợp có sự cố; Sẵn sàng phương án mở roaming với các nhà mạng khác, nhắn tin đến thuê bao khi có yêu cầu. Về nhân lực, MobiFone bố trí trực ban chỉ huy các cấp và 100% nhân lực sẵn sàng ứng cứu thông tin kỹ thuật và kinh doanh.
Trước đó Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tập trung triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão, mưa lũ, lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra. Trong đó, các doanh nghiệp viễn thông: Tập trung gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, cột ăng ten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ; bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ. Sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo bão, mưa lũ tới các thuê bao trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Sẵn sàng roaming giữa các mạng di động khi có yêu cầu của Bộ TT&TT. Đối với các doanh nghiệp bưu chính: Rà soát hệ thống đường thư bưu chính, lên phương án đảm bảo an toàn thông tin bưu chính phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão, mưa lũ.