Điểm tin Công nghệ 7/9: Người sáng lập Telegram, Pavel Durov, bác bỏ và chỉ trích các cáo buộc từ Pháp
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 07/09/2024
- Thế khó của iPhone tại Trung Quốc
Apple chưa tiết lộ kế hoạch ra mắt dịch vụ Apple Intelligence tại Trung Quốc, trong bối cảnh Táo khuyết đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ trong nước như Huawei.
SCMP trích lời các nhà phân tích nhận định sự kiện ra mắt iPhone 16 của Apple tại Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trong nước.
Bên cạnh đó, Apple Intelligence - quân bài chiến lược của Táo khuyết năm nay vẫn chưa có kế hoạch ra mắt chính thức ở thị trường tỷ dân.
Ở Mỹ, Apple đang thực hiện chiến lược 2 chiều để cung cấp các dịch vụ AI. Hãng vừa xây dựng mô hình AI của riêng mình, vừa hợp tác với OpenAI. Kỳ vọng của các chuyên gia và nhà đầu tư vào AI “cây nhà lá vườn” của Apple đã giúp nâng vốn hóa thị trường của tập đoàn trở lại mức 3.000 tỷ USD.
Nhưng với Trung Quốc, các công ty phải xin giấy phép chính quyền trước khi ra mắt các chatbot AI. Các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra các mô hình ngôn ngữ đằng sau chúng, để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến dư luận, đi chệch đường lối.
Tính đến tháng 3, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã phê duyệt 117 sản phẩm AI tạo sinh. Trong đó, không có sản phẩm nào do tên tuổi nước ngoài phát triển.
- Apple bất ngờ phát hành iOS 17.0.2 và iPadOS 17.0.2
Mới đây, Apple đã tung ra bản cập nhật iOS 17.0.2 và iPadOS 17.0.2 cho các mẫu iPhone/iPad tương thích.
Phần mềm mới này xuất hiện chỉ sau khoảng 5 ngày kể từ khi Apple tung ra iOS 17.0.1 và iPadOS 17.0.1 để vá một số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.
Bản cập nhật iOS 17.0.2 và iPadOS 17.0.2 có số phiên bản 21A351 và có thể tải xuống và cài đặt qua mạng không dây trên iPhone và iPad đủ điều kiện bằng cách truy cập ứng dụng Cài đặt- Cập nhật phần mềm.
Trước đó, iOS 17.0.2 được cung cấp cho chủ sở hữu iPhone 15 và hiện Apple đã cung cấp phần mềm này cho tất cả iPhone tương thích với iOS 17 thay vì giới hạn ở các mẫu iPhone mới nhất.
Theo ghi chú của Nhà Táo thì iOS 17.0.2 khắc phục sự cố có thể ngăn truyền dữ liệu trực tiếp từ iPhone khác trong quá trình thiết lập, một sự cố ảnh hưởng đến các mẫu iPhone 15.
- Người sáng lập Telegram, Pavel Durov, bác bỏ và chỉ trích các cáo buộc từ Pháp
Tỉ phú công nghệ cho biết ông cảm thấy "ngạc nhiên" khi bị quy trách nhiệm về nội dung do người dùng đăng tải.
Hôm 5/9, Pavel Durov, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Telegram, đã lên tiếng phản đối việc bị Pháp bắt giữ và cáo buộc hồi tháng trước liên quan đến cáo buộc lan truyền nội dung cực đoan và bất hợp pháp trên nền tảng nhắn tin nổi tiếng này. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông trên Telegram kể từ khi bị bắt.
Ông Durov cho biết ông cảm thấy "ngạc nhiên" khi bị đổ lỗi cho nội dung của người khác trên nền tảng của mình. Ông viết: “Việc áp dụng các quy định pháp lý lỗi thời, từ thời kỳ trước khi có điện thoại thông minh, để quy trách nhiệm cho một giám đốc điều hành về hành vi của người dùng trên nền tảng của mình là một cách tiếp cận sai lầm”.
Ông cũng bác bỏ các tuyên bố rằng “Telegram là một thiên đường vô chính phủ”, khẳng định điều này là “hoàn toàn không đúng”. Ông cho biết Telegram phải gỡ bỏ hàng triệu bài đăng và kênh thông tin độc hại mỗi ngày.
Khi các quan chức Pháp cáo buộc rằng Telegram không phản hồi các yêu cầu của họ, Durov đã bác bỏ thông tin này và khẳng định rằng ông đã trực tiếp hỗ trợ thiết lập một đường dây nóng giữa Telegram và chính quyền Pháp để giải quyết các vấn đề khủng bố.
Tuy nhiên, ở phần cuối bài viết, Durov thể hiện thái độ hòa nhã hơn khi thừa nhận rằng sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người dùng Telegram – hiện ước tính đạt 950 triệu trên toàn cầu – đã tạo ra những “khó khăn trong việc quản lý” nền tảng, giúp cho tội phạm dễ dàng lợi dụng.
“Vì lý do đó, mục tiêu của tôi trong thời gian tới là cải thiện rõ rệt tình hình này”, ông nói, đồng thời cho biết rằng vấn đề đang được giải quyết nội bộ và sẽ có thông tin chi tiết được công bố trong tương lai. “Tôi hy vọng các sự kiện trong tháng 8 vừa qua sẽ giúp Telegram – và toàn bộ ngành công nghiệp mạng xã hội – trở nên an toàn và vững mạnh hơn”.
Ông cho biết nếu Telegram không thể đạt được “sự cân bằng giữa quyền riêng tư và an ninh” với các cơ quan quản lý địa phương, thì “chúng tôi sẵn sàng rời bỏ quốc gia đó”.
- Hàn Quốc: Rò rỉ thông tin cá nhân của hàng chục nghìn sinh viên đã tốt nghiệp
Theo hãng tin Yonhap, ngày 6/9, Đại học Nữ sinh Ewha của Hàn Quốc cho biết thông tin cá nhân của khoảng 80.000 sinh viên đã tốt nghiệp của trường này bị rò rỉ sau khi trang web của trường bị tấn công mạng.
Theo thông báo của Đại học Nữ sinh Ewha, vụ tấn công mạng xảy ra hồi đầu tuần này và thông tin cá nhân bị rò rỉ là của những người vào trường từ năm 1982-2002. Những thông tin bị đánh cắp gồm tên, đăng ký cư trú, số điện thoại, thư điện tử, địa chỉ nhà và học bạ. Một số người còn bị rò rỉ thông tin về cha mẹ. Tuy nhiên, thông tin nhạy cảm như điểm số của họ không bị lộ và không có bằng chứng cho thấy những dữ liệu rò rỉ bị phát tán hoặc lưu trữ ở chỗ khác. Nhà trường khẳng định dữ liệu cá nhân của các sinh viên đang theo học ở trường không bị rò rỉ. Đến nay, đã có 250.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học Nữ sinh Ewha.
Đại học Nữ sinh Ewha đã phát hiện hành vi truy cập trái phép vào máy chủ của trường bằng địa chỉ IP nước ngoài hồi đầu tuần này. Nhà trường đã báo cáo vụ việc lên Bộ Giáo dục và Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân của Hàn Quốc. Đại diện Đại học Nữ sinh Ewha cho biết nhà trường đang xem xét vụ việc và kiểm tra, củng cố hệ thống nội bộ, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để ngăn chặn thiệt hại thêm. Trường cũng cam kết điều tra nguyên nhân vụ việc và đưa ra các biện pháp phòng ngừa nguy cơ tái diễn.
- Nguy cơ có thêm làn sóng rút quảng cáo khỏi mạng xã hội X
Khoảng 26% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát mới đây cho biết có kế hoạch cắt giảm chi phí quảng cáo trên mạng xã hội X vào năm 2025, do lo ngại những bài đăng chứa nội dung mang tính bạo lực và cực đoan trên nền tảng này có thể hủy hoại thương hiệu của họ.
Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là đòn giáng tiếp theo đối với nguồn thu của công ty truyền thông mạng xã hội do tỷ phú Elon Musk sở hữu.
Cuộc khảo sát do hãng nghiên cứu thị trường quốc tế Kantar thực hiện khi phỏng vấn 1.000 nhà tiếp thị cấp cao và 18.000 người tiêu dùng ở hơn 20 quốc gia trên thế giới. Cũng theo hãng nghiên cứu có trụ sở ở London (Anh), tỷ lệ trên là mức lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến việc doanh nghiệp rút hoạt động khỏi bất kỳ nền tảng quảng cáo toàn cầu nào.
Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, chỉ có 4% cho rằng quảng cáo trên nền tảng X đảm bảo an toàn cho thương hiệu của họ. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra câu trả lời tương tự đối với “gã khổng lồ” tìm kiếm trực tuyến Google là 39%. Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy X không nằm trong top 10 nền tảng về độ tin cậy và mức độ sáng tạo của quảng cáo trên nền tảng này.
Trong thông báo kết quả khảo sát ngày 5/9, bà Gonca Bubani - chuyên gia của Kantar nhận định rằng làn sóng các nhà quảng cáo đã rút khỏi X từ nhiều năm qua và hiện dường khó có thể đảo ngược xu hướng này. Bà Bubani giải thích, chính việc X thay đổi nhiều quy định trong thời gian qua khiến các nhà quảng cáo cảm thấy bất an.
Về phần mình, người phát ngôn của X cùng ngày khẳng định nền tảng này hiện cung cấp khả năng phân tích, hiệu suất và an toàn thương hiệu mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đồng thời cho biết số người sử dụng X hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay. Người phát ngôn viện dẫn kết quả nghiên cứu của DoubleVerify và Integral Ad Science - hai công ty chuyên đánh giá và phân tích hiệu quả của truyền thông kỹ thuật số - cho biết mức độ an toàn thương hiệu khi quảng cáo trên X đạt trung bình 99%.