Có 3 siêu cường là ‘khách ruột’, mặt hàng thế mạnh Việt thu về gần 11 tỷ USD
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 06:50, 06/09/2024
Chia sẻ với PV VietNamNet, lãnh đạo một công ty chế biến gỗ ở Bình Dương tiết lộ, đơn hàng sản xuất cho các tháng còn lại của năm nay gần như đã kín. Hiện công ty bắt đầu ký những đơn hàng cho quý I năm sau.
Theo vị lãnh đạo này, tín hiệu thị trường năm nay tốt hơn rất nhiều so với năm ngoái. Trong 8 tháng qua, lượng đơn hàng của công ty xuất sang các thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng từ 20-30% so với cùng kỳ năm 2023.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tháng 8 năm nay, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của nước ta ước đạt trên 1,45 tỷ USD. Luỹ kế 8 tháng năm 2024, thế mạnh Việt này thu về 10,97 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, riêng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu các sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 552 triệu USD, tăng 13,6%; xuất khẩu quế thu về 177 triệu USD, giảm nhẹ 3,9%.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là “khách ruột”. Các “siêu cường" này đã đổ một lượng lớn tiền để gom mua mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta trong thời gian qua.
Cụ thể, tính đến hết tháng 7 năm nay, xuất khẩu sang Mỹ ước đạt gần 4,9 tỷ USD, tăng mạnh 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, thị trường Mỹ chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng này của nước ta.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, kim ngạch đạt 1,2 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 13,5% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta. Xuất khẩu sang Nhật Bản tăng nhẹ 1,5%, đạt 961,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,8%.
Thực tế, thị trường đang phục hồi tích cực, đơn hàng gỗ mà các doanh nghiệp nhận được ngày càng nhiều hơn. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD trong năm nay được nhận định sẽ hoàn thành.
Song, ông Ngô Sỹ Hoài - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của nước ta đang phải đối diện với những thách thức mới về cam kết quốc tế như tuân thủ quy định của châu Âu về chống phá rừng; trách nhiệm giải trình ngành gỗ để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo luật Lacey (Mỹ); hay như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon do Ủy ban châu Âu đề xuất…
Ngoài ra, giá cước vận tải biển vẫn neo cao, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu cũng tăng mạnh gây áp lực cho doanh nghiệp ngành hàng này. Do đó, những tháng còn lại của năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn đối diện với nhiều thách thức.
Để xây dựng lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu,... mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5-5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Tại thị trường nội địa, giá trị tiêu thụ đồ gỗ và lâm sản đạt 5 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.
Ngoài ra, mục tiêu trồng rừng sản xuất bình quân 238.000ha/năm; trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng bình quân 8.600 ha/năm; phục hồi rừng tự nhiên bình quân 22.500 ha/năm; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2030 đạt trên 1 triệu ha.
Theo đó, sản lượng gỗ khai thác trong nước đạt 35 triệu m3 vào năm 2025 và 50 triệu m3 vào năm 2030. Lượng gỗ này sẽ đáp ứng phần lớn nhu cầu gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Về chế biến, thương mại gỗ và lâm sản sẽ ưu tiên sử dụng trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, phát triển công nghệ tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, ưu tiên phát triển trung tâm giao dịch gỗ tại các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 1 trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho ngành hàng này.