Viện nghiên cứu Mỹ đề xuất biện pháp tăng cường quan hệ đầu tư Việt - Mỹ
Kinh doanh - Ngày đăng : 20:29, 05/09/2024
Trong bài viết, Viện Wahba nhấn mạnh Việt Nam đã nổi lên như một trong những "Con hổ châu Á", với nhiều thành tựu tích cực trong tăng trưởng kinh tế những năm gần đây. Sự phát triển này chủ yếu nhờ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cải cách theo định hướng thị trường.
Theo Viện Wahba, chi phí lao động cạnh tranh đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho sản xuất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Dù quan hệ thương mại phát triển, FDI của Mỹ vào Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á. Tính đến giữa năm 2024, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 13 tại Việt Nam, phần lớn vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú (42,3%) và sản xuất chế tạo (20,3%). Nhiều công ty Mỹ như Apple, Intel, Citigroup, Nike, Chevron, Ford, Coca-Cola và KFC cũng đang đầu tư tại Việt Nam.
Trong bối cảnh trên, Viện Wahba đề xuất 4 ngành chiến lược mà Mỹ có thể xem xét tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Trước hết là ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, vốn được dự báo tăng trưởng mạnh, với giá trị ước đạt hơn 6,16 tỷ USD vào cuối năm 2024.
Thứ hai là ngành công nghiệp dược phẩm với tiềm năng phát triển nhờ lao động giá rẻ và nhu cầu trong nước tăng cao do sự phát triển của tầng lớp trung lưu, trong đó đang chủ yếu tập trung vào sản xuất thuốc generic.
Thứ ba là ngành viễn thông khi các nhà đầu tư quốc tế có thể tham gia thông qua liên doanh hoặc sở hữu các tuyến cáp quang biển và bán công suất cho các nhà cung cấp viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Cuối cùng là cơ sở hạ tầng với các các dự án hạ tầng cảng mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo bài viết, tuy Mỹ và Việt Nam có nhiều cơ hội, tiềm năng để tăng cường hợp tác đầu tư, nhưng cần phải có sự nỗ lực từ cả hai phía. Theo đó, Mỹ cần tích cực tham gia các hiệp định thương mại đa phương mà Việt Nam là thành viên, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tăng cường hợp tác thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF).
Bên cạnh đó, bài viết cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch của thị trường và xây dựng các quy định rõ ràng để thu hút thêm vốn đầu tư từ Mỹ. Để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, Việt Nam nên xác định rõ các cơ quan phụ trách từng dự án của doanh nghiệp Mỹ và xây dựng khung pháp lý bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban hành chính sách và cơ quan thực thi.