'Ai sẽ xếp chén bát vào máy rửa' hay câu chuyện về AI thế hệ mới

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:47, 05/09/2024

Sự phát triển của công nghệ, như con người kỳ vọng, sẽ giúp chúng ta bớt việc đi. Nhưng sự thật thì công nghệ thường chỉ giúp ta tiết kiệm thời gian và 'đẻ' ra thêm việc mới. Sau giai đoạn bùng nổ ban đầu, công nghệ AI cũng đang đi vào lối mòn này.

Báo VietNamNet xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của bà Châu Đỗ, Co-Founder Unikon Việt Nam, chia sẻ về câu chuyện AI thế hệ mới tại một sự kiện được tổ chức ở TPHCM cuối tháng 8 vừa vừa qua.

Picture3.png
AI tự chủ sẽ là AI thế hệ mới. Ảnh: Unikon

Chắc hẳn các bạn đã quen với cuộc chiến diễn ra hằng ngày trong căn bếp của mỗi gia đình: “Ai là người rửa chén?” Rồi bạn mua máy rửa chén, nghĩ rằng vấn đề đã được giải quyết. Nhưng không hề! Câu hỏi chỉ thay đổi thành “Ai sẽ xếp chén vào máy rửa?” Mẹ bạn từ chối sử dụng nó vì bà có thể rửa chén với ít nước hơn và không tốn điện. Con trai tuổi teen của bạn thì chỉ ném chén đĩa vào máy một cách lộn xộn, và thế là cũng chẳng khá gì hơn rửa bằng tay. Cuối cùng, người rửa bát giỏi nhất vẫn là người phải đi xếp chén bát vào máy rửa.

Điều tương tự xảy ra trong thế giới AI. AI tạo sinh ra đời với sự ra mắt của nhiều nền tảng thương mại như ChatGPT, Mid Journey, Stable Diffusion… mỗi nền tảng được tạo ra nhằm một mục đích tạo nội dung khác nhau. Nhưng chúng thực chất vẫn chỉ là những chiếc máy rửa chén, bạn vẫn cần ai đó xếp chén vào đúng cách, nghĩa là tạo ra các prompt (câu lệnh) và một quy trình để cỗ máy này đưa cho bạn một output (đầu ra) sạch.

Vấn đề là việc tạo prompt và quy trình như thế không đơn giản như bạn tưởng, và những khó khăn khi sử dụng mỗi nền tảng là khác nhau, đơn giản là vì logic của AI không hoàn toàn giống logic của con người. Bản thân người viết cũng gặp khó khăn khi yêu cầu ChatGPT tạo ra một kế hoạch du lịch đơn giản và chính xác cho chuyến đi sắp tới của mình vì sự yếu kém trong việc tính toán và khả năng cập nhật dữ liệu mới của GPT.

Các nền tảng tạo hình ảnh bằng AI còn đòi hỏi nhiều nỗ lực và kỹ năng hơn. Trong ảnh chụp màn hình ở bên dưới, bạn có thể thấy rằng để tạo ra hình ảnh tinh xảo chi tiết ở bên trái, một chuyên gia về Stable Diffusion cần ít nhất 3.000 lần thử.

Picture2.png
Cần ít nhất 3.000 lần thử để tạo ra một hình ảnh tinh xảo bằng công cụ AI. Ảnh chụp màn hình

Con số có thể bị thổi phồng, nhưng điều đó ngụ ý rằng những nền tảng AI tạo sinh chỉ là công cụ, con người vẫn cần học cách sử dụng những công cụ mới này một cách chính xác. Vì vậy hiện nay, các khóa học tạo câu lệnh trên chatGPT hoặc Mid Journey… vẫn đang nở rộ.

Nhưng cùng lúc đó, các nhà phát triển AI đã nhanh chóng chuyển sang bài toán mới để giải quyết vấn đề này của AI tạo sinh, nói nôm na là tạo ra một chiếc máy rửa chén biết tự xếp chén bát vào máy rửa: Con người chỉ cần giao cho AI một mục tiêu, mô hình AI này sẽ quản lý tất cả các công cụ và nền tảng cần thiết để đạt được mục tiêu đó. AI thế hệ mới này được gọi là AI tự chủ (Agentic AI).

AI tự chủ là một loại hệ thống AI được thiết kế để hoạt động như các “cá nhân” tự động, có khả năng thực hiện nhiệm vụ, đưa ra quyết định, tương tác với nhau và tương tác với môi trường mà không cần sự can thiệp của con người.

Mô hình AI loại này có thể tự định hướng mục tiêu, thực thi trong thời gian thực, có khả năng tự học hỏi và tối ưu hóa hiệu suất thông qua phản hồi liên tục hoặc phản biện nội bộ.

Picture1.jpg
Một ví dụ về AI tự chủ: Phòng marketing tự động, trong đó AI được phân vai thành nhiều “nhân viên" có vai trò và trách nhiệm rõ ràng, hợp thành một nhóm làm việc theo quy trình xác định và mang tính chuyên nghiệp cao.

Khả năng vượt trội này của AI tự chủ sẽ cách mạng hóa ngành robot, thiết bị tự hành cũng như thúc đẩy quy trình chuyển đổi AI trong các tập đoàn lớn.

Ở mức độ người dùng cá nhân, mô hình AI tự chủ có thể giúp bạn làm việc với AI dễ dàng hơn, với kết quả đầu ra tốt hơn. Bạn sẽ không cần phải duyệt 3.000 bức ảnh do AI tạo ra để chọn một bức ưng ý, mà chỉ cần duyệt 3 bức thôi chẳng hạn.