Sử dụng AI trong viết và biên dịch sách: tiện ích hay mối lo?
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 16:10, 05/09/2024
Các học viên tại một cơ sở đào tạo về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ở Hà Nội. |
Theo thống kê từ Hội đồng Nhà văn châu Âu (European Writers’ Council), khoảng 65% nhà văn viết tiểu thuyết và hơn 75% các dịch giả tin rằng, AI sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập tương lai của họ.
Tuy nhiên, một khảo sát khác cho thấy, nhiều người hoài nghi việc AI chỉ có khả năng tổng hợp kiến thức thu thập được từ môi trường internet, đồng nghĩa với việc những cuốn sách do AI viết ra chỉ là tập hợp của những kiến thức lộn xộn, thiếu giá trị thực tiễn, không mang lại lợi ích cho người đọc.
Trợ lý đắc lực nếu sử dụng đúng cách
Chị Giang Linh, biên tập viên một nhà xuất bản ở thành phố Hà Nội, cho biết: “Công việc sáng tác có những đặc thù riêng, nhưng tôi cho rằng, ở mảng dịch sách, nếu người dịch không biết sử dụng AI sẽ rất dễ bị tụt hậu. Trong khi đó các công cụ AI lại đang tiến bộ từng ngày, thậm chí cạnh tranh gay gắt lẫn nhau".
Nữ biên tập viên lấy thí dụ cho thấy, việc dịch ngoại ngữ hiện nay được hỗ trợ rất tốt trên ChatGPT và Gemini. Điều này chứng minh khả năng tự học của AI rất mạnh. AI hiện có khả năng điều chỉnh văn phong, ngữ điệu rất tiện lợi, giúp việc dịch và biên tập chính xác, trau chuốt hơn. Từ đây, các biên tập viên sẽ phải cập nhật và phát triển bản thân từng ngày để không bị bỏ lại phía sau.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nâng cao kiến thức, khả năng làm chủ AI không chỉ tập trung ở khối đối tượng là các bạn trẻ. |
Đồng tình với ý kiến trên, anh Đức Nhân, tác giả cuốn sách "Kỷ luật tự thân", chia sẻ: "Tôi từng thử sử dụng AI trong quá trình viết sách và thấy đây là công cụ hỗ trợ tốt, nhất là với việc đưa ra ý tưởng mới. Tuy vậy, cần phải hiểu những nội dung mà AI đưa ra chỉ mang tính phổ quát. Người viết cần có tư duy, kinh nghiệm nhất định để đưa những nội dung mình viết thêm phần mềm mại, đi vào lòng người".
Quả thật, AI sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực nếu được sử dụng đúng cách. Với việc kết hợp những gì AI cung cấp cùng kiến thức cá nhân, kỹ năng viết và trải nghiệm thực tế sẽ giúp tác giả, dịch giả tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả làm việc, thậm chí mở ra những hướng tiếp cận mới trong sáng tạo nội dung.
Cạnh tranh để không tụt hậu
Thạc sĩ Lương Dũng Nhân, chuyên gia giảng dạy AI, tác giả của 6 cuốn sách xuất bản từ năm 2011 tới nay với tổng số gần 100 nghìn bản, nhận định: “Một cuốn sách giá trị không dừng lại ở việc cung cấp thông tin, mà còn phải mang lại cảm xúc, sự kết nối với người đọc. AI có thể giúp chúng ta xử lý lượng lớn dữ liệu, đưa ra những gợi ý thú vị, nhưng chỉ con người mới có thể tạo ra những câu chuyện, xúc cảm chân thật".
Cũng theo chia sẻ của Thạc sĩ Lương Dũng Nhân, các tác giả, dịch giả có thể áp dụng 5 bước cơ bản để có thể làm chủ AI trong quá trình viết, dịch sách: Xác định mục tiêu, đối tượng độc giả; Thu thập, xử lý thông tin; Thêm vào kiến thức, trải nghiệm cá nhân; Sáng tạo, cải tiến; Chỉnh sửa, hoàn thiện.
Chuyên gia Lương Dũng Nhân. |
Đánh giá về tác động của công nghệ AI trong việc viết và biên dịch sách hiện nay, Phó Viện trưởng Viện Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII, thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam) Đào Trung Thành cho hay: Khi các công cụ AI trở nên dễ tiếp cận hơn, thị trường có thể chứng kiến sự gia tăng số lượng bản dịch với chi phí thấp hơn, khiến các dịch giả là con người khó cạnh tranh hơn, đặc biệt trong các thể loại phi hư cấu (non-fiction).
"Các nhà văn và dịch giả không nên xem AI như một đối thủ, mà hãy tận dụng nó để nâng cao năng suất làm việc. Bằng cách tích hợp AI vào quy trình làm việc, họ có thể đơn giản hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, tập trung hơn vào các khía cạnh phức tạp, sáng tạo của công việc. Các chuyên gia nên tìm kiếm nguồn đào tạo uy tín về các công cụ và phương pháp sử dụng AI để duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực đang theo đuổi”.