Điểm tin Kinh doanh 5/9: Giá vàng: Vàng miếng PNJ, vàng nhẫn trơn giảm nhẹ
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 05/09/2024
- Giá vàng: Vàng miếng PNJ, vàng nhẫn trơn giảm nhẹ
Giá vàng hôm 4/9, thị trường vàng trong nước bình ổn, không tăng, giảm ở phần lớn các thương hiệu so với hôm 3/9.
Cụ thể, giá vàng SJC tại Hà Nội và vàng SJC tại Đà Nẵng: 79 triệu đồng/lượng mua vào, 81 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng SJC Phú Quý: 79 triệu đồng/lượng mua vào, 81 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 79 triệu đồng/lượng mua vào, 81 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng PNJ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 77,350 triệu đồng/lượng mua vào, 78,550 triệu đồng/lượng bán ra. Giảm ở cả hai chiều mua vào/bán ra là 50.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng và dừng mức 77,38 – 78,58 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Đêm 4/9, giá vàng thế giới có lúc giảm hàng chục USD/ounce, xuống còn 2.475 USD/ounce do nhà đầu tư bán chốt lời. Tuy nhiên, báo cáo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) chỉ ra các ngân hàng trung ương tiếp tục tích trữ vàng. Cụ thể, một số ngân hàng trung ương tăng gấp đôi sức mua lên 37 tấn vàng vào tháng 7-2024 và nhu cầu này sẽ vẫn mạnh lên trong những tháng tới.
- Tiện lợi kèm ưu đãi khi thanh toán học phí không dùng tiền mặt với VNPT Money
Thanh toán học phí không dùng tiền mặt ngày càng được nhà trường, các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên lựa chọn. Nắm bắt được xu hướng này, trong năm học mới 2024-2025, VNPT Money hiện đang cung cấp hình thức nộp học phí không dùng tiền mặt bằng mã QR đa năng nhanh chóng và tiện lợi.
Khi sử dụng QR đa năng VNPT Money, việc nộp học phí trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn. Bởi phụ huynh và thí sinh phụ huynh của gần 5000 trường học trên cả nước thuộc hệ thống vnEdu có thể sử dụng bất kỳ ứng dụng thanh toán hiện có để quét QR đa năng của VNPT Money thanh toán học phí mà không cần phải nhập thông tin tài khoản hay số tiền.
Việc sử dụng hình thức quét QR đa năng của VNPT Money để thanh thoán học phí giúp phụ huynh và nhà trường tiết kiệm thời gian, giảm thiểu thủ tục, chi phí cho trường trong công tác quản lý. Thực tế cho thấy, việc thu tiền mặt lâu nay tại các trường học đã vô tình tạo nên một khối lượng công việc rất lớn, tạo áp lực đối với bộ phận kế toán khi phải quản lý chứng từ, phiếu thu, thông tin người đóng, thời gian đóng, khoản đóng hay số tiền...
VNPT Money hiện đang triển khai chương trình ưu đãi dành cho khách hàng khi thanh toán học phí trong năm học mới 2024-2025. Theo đó từ 01/09/2024 đến hết 31/12/2024, phụ huynh, học sinh khi thanh toán học phí bằng nguồn tiền từ ví điện tử/ Mobile Money hoặc tài khoản ngân hàng liên kết trên VNPT Money có giá trị hóa đơn tối thiểu 100.000đ được hoàn 10.000đ/ giao dịch.
- VASEP ‘bác’ thông tin ngành tôm Việt Nam lạm dụng lao động
VASEP phản bác những thông tin được đăng tải từ Sustainability Incubator với cáo buộc Việt Nam lạm dụng lao động trong ngành tôm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa phát đi thông cáo báo chí, trong đó phản bác những thông tin được đăng tải từ Sustainability Incubator với cáo buộc Việt Nam lạm dụng lao động trong ngành tôm.
Theo VASEP, những cáo buộc trong báo cáo của Sustainability Incubator là vô căn cứ, gây hiểu lầm và tổn hại đến uy tín của ngành xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Về vấn đề lao động, theo VASEP, giờ làm việc của người lao động trong các công ty tôm Việt Nam đã được áp dụng theo Bộ luật Lao động 2019, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
Với trách nhiệm và kinh nghiệm của một Tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VASEP khẳng định ngành tôm Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển theo hướng bền vững hơn, tuân thủ mọi luật pháp và quy định quốc gia và quốc tế về điều kiện lao động, trách nhiệm xã hội và an toàn thực phẩm.
VASEP một lần nữa khẳng định rằng những thông tin và phát hiện trong báo cáo của tổ chức Sustainability Incubator về ngành tôm Việt Nam là không đúng sự thật, vô căn cứ và không khách quan.
- Điện mặt trời Trung Nam liên tục 'khoe' lãi lớn sau khi về tay chủ mới
Nửa đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam có lãi ròng 221 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Điện mặt trời Trung Nam báo lãi sau thuế 221 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng tăng từ 10,71% lên 14,61%.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của công ty đạt 4.421 tỷ đồng, tăng 348 tỷ đồng so với đầu năm.
Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản là nợ phải trả với 2.907 tỷ đồng, chiếm 65%. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng 1.800 tỷ đồng.
Điện mặt trời Trung Nam hiện còn lưu hành 12 lô trái phiếu gồm 5 lô có kỳ hạn 7 năm cùng 7 lô có kỳ hạn 9 năm và đều được phát hành năm 2019.
Trong nửa đầu năm 2024, đơn vị hoàn thành nghĩa vụ thanh toán lãi đúng hạn cho gói trái phiếu, đồng thời mua lại trước hạn một phần gốc của 3 lô mã TBSCH1926003, TBSCH1926004, và TBSCH1926005, tới tổng giá trị mua lại là 69,5 tỷ đồng vào ngày 2/2.
Mới đây, Điện mặt trời Trung Nam cũng đã tiến hành điều chỉnh lại lãi suất cho 12 lô trái phiếu đang lưu hành. Cụ thể, theo nghị quyết hội nghị trái chủ ngày 15/8, điều khoản lãi suất được áp dụng là bằng lãi tham chiếu cho vay CIB (khách hàng lớn) kỳ hạn 60 tháng của ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cộng biên độ 2,43% kể từ 01/08/2024 hoặc khi doanh nghiệp bị chuyển nhóm nợ trong thời gian từ 15/02-31/07/2024.
Sau khi thay đổi, lãi suất của gói trái phiếu từ 01/8 đến hết 31/12/2024 sẽ được áp lãi cố định 9,25%/năm.
Sau đó, từ 01/01/2025, sẽ áp dụng lãi suất bằng lãi tham chiếu cho vay CIB kỳ hạn trên 60 tháng của MB cộng biên độ 2,43%, và không đề cập đến vấn đề chuyển nhóm nợ.
Dữ liệu cho thấy, MB là ngân hàng đang cấp tín dụng cho Điện mặt trời Trung Nam, tài sản bảo đảm là các tài sản liên quan dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Trungnam Group hiện không còn nắm quyền chi phối tại Điện mặt trời Trung Nam sau khi 20 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ của đơn vị này "sang tay" cho chủ mới.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Trung Nam đã chuyển nhượng toàn bộ 19,9 triệu cổ phần của Điện mặt trời Trung Nam cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Năng lượng tái tạo Á Châu - ACIT (18 triệu cổ phần) và ông Nguyễn Thanh Bình (1,9 triệu cổ phần).
Cùng đó, 100.000 cổ phần Điện mặt trời Trung Nam thuộc sở hữu của ông Vũ Nhật Thành và bà Đào Thị Minh Huệ cũng được chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới là ông Nguyễn Đăng Khoa.
Vào thời điểm giữa năm 2021, ACIT đã sở hữu 49% cổ phần tại Điện mặt trời Trung Nam. Sau giao dịch trên, ACIT sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty điện mặt trời trên với sở hữu 58,9% vốn điều lệ tại đây.
- Thói quen uống bia của người Việt đang thay đổi
Các thống kê cho thấy người tiêu dùng bia Việt Nam đang đẩy mạnh sử dụng dòng bia cao cấp. Xu hướng này cũng buộc các nhà sản xuất phải thay đổi chiến lược kinh doanh.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), thị trường bia Việt Nam được chia thành 3 phân khúc tiêu thụ chính dựa trên giá bán của sản phẩm gồm phổ thông, trung cấp và cao cấp.
Phân khúc trung cấp và cao cấp thường tập trung các dòng bia chai và lon của các doanh nghiệp như Sabeco, Habeco, Heineken, Carlsberg… Mặt khác, mặt hàng phổ thông chủ yếu là các dòng bia hơi.
Hiện nay, những sản phẩm cao cấp thường có giá cao hơn bình quân 30-40% so với phân khúc trung cấp. Bất chấp chênh lệch về giá, các chuyên gia từ FPTS cho rằng thị hiếu của người tiêu dùng trong ngành bia đang dần thay đổi với nhu cầu về hương vị và chất lượng ngày càng cao.
Nếu như trước đây, tiêu thụ bia của Việt Nam tập trung chủ yếu ở phân khúc phổ thông và trung cấp (chiếm khoảng 77% tổng sản lượng tiêu thụ năm 2013) với các thương hiệu lâu đời và phổ biến như bia Sài Gòn, 333, Hà Nội, Huda, Larue... thì hiện lượng tiêu thụ đang không ngừng mở rộng sang phân khúc cao cấp với chất lượng và trải nghiệm hương vị tốt hơn.
Sản lượng tiêu thụ bia phân khúc cao cấp đã đạt mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 8,5% trong giai đoạn 2013-2023, cao hơn so với mức tăng trưởng toàn ngành là 3,2%/năm và chiếm khoảng 37,4% tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 trong khi tỷ lệ năm 2013 chỉ đạt 22,7%.