Thu nhỏ dạ dày, biện pháp không phải ai cũng nên thực hiện
Tin Y tế - Ngày đăng : 06:55, 03/09/2024
Chị N.H.N (ngụ tại TPHCM) đã thực hiện phẫu thuật thu nhỏ dạ dày sau khi cân nặng đạt 93kg. Theo chị N, trước đó, chị đã thử tất cả các biện pháp giảm cân, bao gồm sử dụng thực phẩm chức năng và tập luyện với huấn luyện viên cá nhân. Tuy nhiên, sau khi giảm cân, cân nặng lại nhanh chóng tăng trở lại. Cuối cùng, chị quyết định thực hiện phẫu thuật cắt nhỏ dạ dày để giảm cân.
“Sau phẫu thuật gần 1 năm, hiện tại cân nặng của tôi 59kg, sức khỏe ổn định, tôi cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn. Đồng thời, bác sĩ vẫn yêu cầu ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, khẩu phần ăn nhỏ hơn và cảm thấy nhanh no", chị N. chia sẻ.
TS.BS Võ Duy Long - Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết đối với những người béo phì hoặc thừa cân dưới góc độ y khoa, bệnh nhân sẽ phải điều trị nội khoa trước hết bằng việc điều chỉnh ăn uống. Khi năng lượng nạp vào cơ thể cần phải được tiêu hao, nên việc tiết chế ăn uống và tập thể dục rất quan trọng.
Về việc can thiệp phẫu thuật, hiện nay phương pháp mới nhất là cắt nhỏ dạ dày, nhằm loại bỏ một phần diện tích dạ dày và giảm tiết dịch từ dạ dày để hạn chế cảm giác thèm ăn, đồng thời giúp người béo phì cảm thấy nhanh no hơn.
“Phẫu thuật cắt dạ dày là một phẫu thuật lớn, chỉ định phải dựa trên các yếu tố như: chỉ số BMI >37; hoặc người có chỉ số BMI từ 32-37 đã điều trị bằng ăn uống và tập luyện trong thời gian dài (1-2 năm) nhưng không cải thiện... những trường hợp này sẽ được cân nhắc phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật dạ dày, cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và duy trì thói quen tập luyện để giảm cân từ từ một cách an toàn hơn. Một số trường hợp tuyệt đối không nên thực hiện phẫu thuật cắt nhỏ dạ dày như người có chỉ số BMI >45, vì những người này có nguy cơ rủi ro cao về tim mạch, mạch máu não, gan... Họ cần phải giảm cân xuống mức phù hợp mới có thể tiến hành phẫu thuật.