Lan toả tình thương và trách nhiệm vì nạn nhân chất độc màu da cam

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 10:00, 31/08/2024

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, màu của hòa bình đã lên xanh. Song, những vết thương không rỉ máu vẫn âm thầm gieo nỗi đau thương cho nhiều gia đình, đó là chất độc hóa học da cam/dioxin.

Nhận thức sâu sắc về hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người. Trong nhiều năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc hóa học đối với môi trường và sức khỏe con người; giải quyết chế độ và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). 

Hơn 60 năm trước, khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học đã thả xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam. Quân đội rải thảm gọi những chất độc màu xanh lá, màu hồng,… và nhiều hơn cả là 44 triệu lít chất độc màu da cam là "cầu vồng". Còn đối với những nạn nhân hứng chịu thảm họa này, đó là mảnh cầu vồng "chết chóc" trên bầu trời nước ta suốt 11 năm (từ 1961-1972).

Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có khoảng 5 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học. Nỗi đau này vẫn còn dai dẳng và là minh chứng rõ nét nhất về hậu quả tàn khốc mà chiến tranh đã để lại. Không những gây hậu quả nặng nề đến sức khỏe người trực tiếp tham gia kháng chiến mà còn để lại những di chứng rất đau lòng và thương tâm cho con cháu của họ.

Trở về từ chiến trường, cựu chiến binh T.V. Đ (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) không may bị nhiễm chất độc da cam. Ông cho biết: Chỉ những gia đình nào có vợ chồng, con cháu, người thân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam mới thấm thía nỗi đau và sự thiệt thòi to lớn đó. Tại huyện Bến Lức, hiện có 116 nạn nhân chất độc da cam, hoàn cảnh các gia đình đều rất khó khăn. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân chất độc da cam thường là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, thiểu năng trí tuệ, bại não... Di chứng chất độc màu da cam tưởng chừng đã có lúc khiến chúng tôi gục ngã… nhưng sự quan tâm từ cộng đồng đã tiếp thêm động lực, để chúng tôi tiếp tục cố gắng, vươn lên trong cuộc sống.

Thật khó diễn tả hết nỗi đau của những người cha, người mẹ khi phải chứng kiến con cái của mình sinh ra với hình hài, trí óc không trọn vẹn. Tuy vậy, những người thân của nhiều NNCĐDC đã không quản ngại khó khăn, trở thành điểm tựa cho các nạn nhân. Bao nhiêu năm được làm cha mẹ là bấy nhiêu năm họ phải chịu những nỗi đau tinh thần khi chứng kiến những người con bị di chứng chất độc da cam câm, bại não…Trong tâm niệm, họ chỉ cầu mong mình có sức khỏe để mãi bên cạnh chăm sóc những đứa con thiệt thòi và tội nghiệp.

Bà N.T.V (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) chia sẻ: Tôi có con trai bị di chứng chất độc màu da cam, không thể tự chăm sóc bản thân, cuộc sống gia đình lại rất khó khăn, chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Thời gian tới, tôi chỉ mong Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm, giúp đỡ để cuộc sống bớt khổ hơn, có điều kiện sống tốt như mọi công dân khác.

Thấu hiểu những nỗi đau về thể xác và tinh thần mà những nạn nhân chất độc da cam và gia đình phải chịu đựng, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả CĐDC, hằng năm Nhà nước đều dành khoản ngân sách lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC. Bằng những chủ trương đúng đắn, những chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân CDDC đã thật sự đi vào cuộc sống và xã hội, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đã được chăm lo giúp đỡ.

Có thể nói, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề da cam; luôn xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng nói “Nỗi đau của nạn nhân da cam Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới”. Nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Việc xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện nhân đạo mà chính là hoạt động thiết thực để đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Ngày 22/8 (giờ Paris), Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết bác đơn của bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty cung cấp CĐDC trong chiến tranh Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết của tòa Paris về vụ việc.

Bà Trần Tố Nga đã theo đuổi vụ kiện 14 công ty hóa chất Mỹ trong suốt 7 năm. Dù kết quả không được như mong đợi nhưng trong thời gian tới, những nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam vẫn sẽ bền bỉ trên hành trình đi tìm công lý dưới sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội.

T/H