Quân sự thế giới hôm nay (31-8): Máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên của Ba Lan ra mắt
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:38, 31/08/2024
*Đan Mạch tích hợp hệ thống phòng không Skyranger 30 vào xe bọc thép Piranha V 8x8
Theo Army Recognition, Cơ quan hậu cần và mua sắm quốc phòng Đan Mạch (DALO) vừa giới thiệu mẫu xe bọc thép Piranha V 8x8 tích hợp hệ thống phòng không Skyranger 30.
Xe bọc thép Piranha V 8x8 được trang bị hệ thống phòng không di động Skyranger 30. Ảnh: GDELS |
Skyranger 30 là hệ thống phòng không mặt đất (GBAD), được thiết kế để chống lại các mối đe dọa trên không và trên bộ ở tầm gần và rất gần. Được trang bị để bắn đạn tên lửa ABM, phát nổ trên không và phân tán 200g đạn phụ vonfram, hệ thống này được tối ưu hóa để chống lại máy bay không người lái cỡ nhỏ. Đáng chú ý, Skyranger 30 được tích hợp radar Spexer 2000M 3D MkIII, có khả năng theo dõi đồng thời tới 300 mục tiêu trong phạm vi 40km. Hệ thống này được trang bị súng ổ quay tốc độ cao KCE 30mm có tầm bắn hiệu quả lên tới 3.000m.
Đan Mạch có kế hoạch mua 15 hệ thống Skyranger 30 để tích hợp vào đội xe bọc thép Piranha V đang được sử dụng với nhiều cấu hình khác nhau trong quân đội. Sáng kiến này thể hiện những nỗ lực tăng cường năng lực phòng không của Đan Mạch trước những căng thẳng leo thang trong khu vực.
Piranha V 8x8 là xe bọc thép chở quân thế hệ thứ năm, nổi bật với những cải tiến về khả năng bảo vệ, tính cơ động và tải trọng so với các thế hệ trước. Ngoài kíp điều khiển 3 người, Piranha V có thể chở tối đa 8 binh lính phía sau. Xe có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như vận chuyển quân, trinh sát và hỗ trợ chỉ huy.
Được trang bị động cơ diesel MTU 6V199 TE21 công suất 577 mã lực, Piranha V có thể đạt tốc độ tối đa 100km/giờ và phạm vi hoạt động là 1.000km. Xe có thể được trang bị nhiều loại tháp pháo khác nhau, bao gồm pháo tự động 30mm và hệ thống tên lửa chống tăng, tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, phương tiện này còn có khả năng chống đạn vũ khí nhỏ theo tiêu chuẩn STANAG 4569, giúp chống lại hỏa lực đạn 14,5mm tấn công từ bên sườn và đạn 30mm từ phía trước.
* Máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên của Ba Lan ra mắt tại Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35A đầu tiên của Ba Lan, số sê-ri AZ-01, vừa được Lockheed Martin ra mắt tại một buổi lễ tổ chức ở Căn cứ Fort Worth, Texas, Mỹ.
Lockheed Martin ra mắt máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên của Ba Lan tại Texas. Ảnh: Army Recognition |
Năm 2020, Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 4,6 tỷ USD với Mỹ để đặt mua 32 máy bay chiến đấu F-35A cùng gói hỗ trợ hậu cần, huấn luyện và hệ thống giả lập bay. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ bắt đầu bàn giao những chiếc F-35A đầu tiên trong năm nay. Tuy nhiên, phi công Ba Lan đang trong giai đoạn huấn luyện tại Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ bắt đầu chuyển số máy bay chiến đấu này đến Ba Lan từ năm 2026 và dự kiến hoàn tất trước năm 2030.
Khi toàn bộ 32 máy bay F-35A đi vào hoạt động ở Ba Lan, máy bay sẽ được đổi tên thành Husarz, không còn gọi là Lightning II như quân đội Mỹ và nhiều quốc gia đối tác sử dụng. Động thái này thể hiện những nỗ lực củng cố năng lực quân đội của Ba Lan. Trong những năm gần đây, Warszawa đầu tư mạnh vào sản xuất các thiết bị trong nước cũng như mua xe tăng và máy bay mới nhất từ Mỹ và Hàn Quốc. Chính phủ Ba Lan cũng đã ký kết một thỏa thuận với Mỹ để mua tên lửa không đối không AIM-120C-8 AMRAAM cũng như tên lửa hành trình AGM-158B-2 JASSM nhằm trang bị trên máy bay F-35 trong tương lai.
* Mỹ sản xuất 4.000 tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine
Quân đội Mỹ đã trao cho Liên doanh Javelin JV một hợp đồng sản xuất trong năm tài chính 2024. Hợp đồng bao gồm việc sản xuất hơn 4.000 tên lửa chống tăng Javelin và các thiết bị và dịch vụ liên quan để bổ sung cho kho dự trữ tên lửa được gửi đến Ukraine, với tổng giá trị là 1,3 tỷ USD.
Tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin. Ảnh: National Review |
Hợp đồng này, có hiệu lực trong năm tài chính 2024, nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc duy trì kho vũ khí quốc gia trong khi đang hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Javelin, tên đầy đủ là FGM-148 Javelin, là tổ hợp tên lửa chống tăng di động do Raytheon và Lockheed Martin hợp tác phát triển. Tổ hợp này được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, các mục tiêu bọc thép và các mục tiêu kiên cố từ ống phóng vác vai. Tên lửa có khả năng khóa mục tiêu trước khi phóng và hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên", cho phép người điều khiển không bị phát hiện ngay sau khi phóng. Tên lửa đạt tốc độ khoảng 290m/giây sau khi khai hỏa.
Javelin nổi bật với khả năng phá hủy thiết giáp đặc biệt, khiến nó trở thành vũ khí chống tăng hàng đầu trong kho vũ khí hiện đại. Đầu đạn nổ kép, với một đầu đạn tiền phát để vô hiệu hóa giáp phản ứng nổ và một đầu đạn chính để xuyên thủng lớp giáp cơ bản, cho phép tên lửa đánh bại những hệ thống giáp tiên tiến nhất trên xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, bao gồm cả những xe tăng được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA).
Một điểm nổi bật khác của Javelin là khả năng tấn công đột nóc, nơi giáp mỏng nhất. Khi chạm nổ, đầu đạn có thể xuyên thủng tới 800mm thép cán đồng nhất (RHA), vô hiệu hóa hiệu quả các phương tiện bọc thép hạng nặng.
Theo các báo cáo gần đây nhất, Mỹ đã cung cấp hơn 10.000 tên lửa Javelin và hàng trăm ống phóng cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022. Các đợt chuyển giao này là một phần của gói viện trợ quân sự nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước sự tấn công của Nga.
QUỲNH OANH (tổng hợp)