Điểm tin Kinh doanh 31/8: Giá vàng: Vàng nhẫn tăng nhẹ
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 31/08/2024
- Giá vàng: Vàng nhẫn tăng nhẹ
Cùng với xu hướng tăng của giá vàng thế giới, giá vàng chiều 30/8 tăng nhẹ đối với vàng nhẫn, trong khi giá bán vàng miếng SJC giữ mức ổn định.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 29/8.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 29/8.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng SJC đang được mua vào ở mức 79 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 81 triệu đồng/lượng, giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 29/8.
Vàng PNJ tại TP Hồ Chí Minh đang được mua vào ở mức 77,450 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 78,650 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ tại Hà Nội đang được mua vào ở mức 77,450 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 78,650 triệu đồng/lượng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 29/8.
Trong khi giá vàng miếng ổn định, thì giá vàng nhẫn tăng nhẹ.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77,4 - 78,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 29/8.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77,55 - 78,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm 29/8.
Giá vàng thế giới hôm 30/8 đứng ở mức 2.520 USD/ounce, tăng mạnh trở lại khoảng 15 USD/ounce so với sáng hôm 29/8.
- Giá dầu chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở Libya
Giá dầu đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng gián đoạn nguồn cung ngày càng tồi tệ ở Libya - thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Giá dầu Brent hồi phục và tiến gần quanh mốc 80 USD/thùng khi Libya đình chỉ xuất khẩu dầu từ 5 cảng phía đông trong khi sản lượng của nước này tiếp tục giảm trong bối cảnh bế tắc leo thang về việc ai sẽ kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ.
Cuộc khủng hoảng trong tuần này diễn ra sau khi mỏ dầu lớn nhất của Libya là Sharara đã ngừng hoạt động vào đầu tháng này, khiến thị trường mất khoảng 300.000 thùng dầu/ngày. Theo số liệu từ công ty dầu khí quốc doanh National Oil, Libya đã sản xuất 1,27 triệu thùng dầu/ngày cho đến ngày 1/8, trong khi sản lượng là khoảng 590.000 thùng mỗi ngày kể từ ngày 28/8.
Fernando Ferreira, Giám đốc dịch vụ rủi ro địa chính trị tại Rapidan cho biết: "Nhìn chung, chúng tôi dự kiến tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ lên tới 900.000 đến 1 triệu thùng/ngày và kéo dài trong vài tuần".
“Việc ngừng hoạt động liên tục ở Libya sẽ xóa bỏ hoàn toàn dự kiến tăng dự trữ trong quý IV và tạo ra sự sụt giảm nguồn cung, điều này sẽ khiến dự trữ ở mức cực kỳ thấp”, Scott Shelton, chuyên gia năng lượng tại TP ICAP Group Plc cho biết.
“Một động lực khác thúc đẩy giá dầu tăng là rủi ro liên tục xoay quanh xung đột giữa Israel với Hezbollah hoặc Iran sẽ leo thang”, Robert Yawger, Giám đốc bộ phận năng lượng tương lai tại Mizuho Securities USA cho biết.
Giá dầu Brent vẫn đang trên đà giảm nhẹ trong tháng này, ngay cả sau khi dự trữ của Mỹ liên tục giảm khiến nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, những lo ngại về tăng trưởng ở Trung Quốc cũng dai dẳng vì nước này có khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay, làm suy yếu nhu cầu tại nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Goldman Sachs và Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo giá dầu năm 2025 trong những ngày gần đây, với cả hai đều dự kiến sẽ có thặng dư vào năm tới khi sự phục hồi của Trung Quốc mất đà.
- Trung Quốc bất ngờ mua vàng trở lại
Giá vàng thế giới hưởng lợi nhờ thông tin Trung Quốc đã mua vàng trở lại sau 4 tháng dừng hoàn toàn hoạt động này.
Sàn New York đã có một phiên giao dịch kịch tính khi đầu phiên, giá vàng giảm về sát mốc 2.500USD/ounce. Nhưng sau đó vàng đã bật tăng mạnh khi có tin Trung Quốc mua vàng trở lại trong tháng 7.
Cập nhật vào đầu giờ sáng 30/8, trên sàn New York, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.520USD/ounce, tăng 0,6% so với kết thúc phiên hôm trước.
Yếu tố tác động mạnh đến thị trường là báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết Trung Quốc trong tháng 7 đã nhập khẩu vàng trở lại, với khối lượng tăng 17% so với hồi tháng 2, tức tháng nhập khẩu gần nhất. Cùng thời gian, các quỹ ở Bắc Mỹ cũng mua vào 8 tấn vàng.
Một yếu tố quan trọng khác đẩy giá vàng thế giới tăng là USD mất giá. Chỉ số đồng USD tiếp tục giảm trong ngày thứ năm, giao dịch trong ngưỡng 100,9 điểm, thấp hơn nhiều so với mốc đóng cửa 101,18 điểm của phiên liền trước.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự kiến công bố vào thứ năm tuần tới, từ đó phán đoán hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong bài phát biểu gần đây nhất, Chủ tịch Fed đã đề cập tới rủi ro với thị trường lao động khi lãi suất cơ bản đồng USD được duy trì ở ngưỡng cao. Từ đó khả năng Fed hạ lãi suất cơ bản đồng USD khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến sẽ được công bố hôm nay sẽ chi phối tới khả năng này. Nếu PCE tăng mạnh, Fed sẽ phải thận trọng.
Trong nghiên cứu công bố gần đây, ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, ngân hàng UOB nhận định bất chấp các biến động gần đây trên thị trường toàn cầu với việc tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng Yên, vàng vẫn là nơi trú ẩn ổn định.
Hai yếu tố đã xuất hiện, là nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, động thái mua mạnh của các ngân hàng trung ương, và yếu tố mới về khả năng cắt giảm lãi suất toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng trong những tháng tới.
Và vì thế, giá vàng thế giới có thể tăng lên 2.700USD/ounce vào giữa năm 2025 và sau đó có thể tiếp tục leo lên 3.000 USD trong thời gian dài - theo ông Koon How.
- Viettel dành 6 giải vàng tại Giải thưởng Kinh doanh quốc tế 2024
Vừa qua, Viettel dành 14 giải tại Giải thưởng Kinh doanh quốc tế 2024 (IBA 2024).
Cụ thể, Viettel đạt 6 giải Vàng, 5 giải Bạc và 3 giải Đồng, nâng tổng thành tích của Viettel tại giải IBA kể từ năm 2016 lên gần 100 giải. Vượt qua 3.600 hồ sơ đến từ 63 quốc gia và lãnh thổ, các sản phẩm của Viettel ngày càng nhận được đánh giá cao từ hội đồng ban giám khảo là các chuyên gia uy tín trên toàn thế giới đến từ Google, IBM, Salesforce, Apple…
6 giải Vàng của Viettel phủ rộng trong nhiều lĩnh vực như Trí tuệ nhân tạo (AI), Học máy và các hoạt động kinh doanh, điều hành.
Các sản phẩm AI của Viettel giành cú đúp giải Vàng với Trợ lý ảo ở hạng mục “Giải pháp Trí tuệ nhân tạo/ Học máy” và Viettel eKYC ở hạng mục “Giải pháp bảo mật danh tính và truy cập”. Hiện nay, trợ lý ảo Viettel đang được sử dụng hiệu quả tại các Bộ/ Ngành, Chính quyền tỉnh/ TP và Doanh nghiệp tài chính. Công nghệ eKYC của Viettel nhận được chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 về nhận diện khuôn mặt (FaceID) cấp độ 2 - cấp độ cao nhất trên thế giới, tương đương với các công ty hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon, SenseTime (công ty AI lớn nhất Trung Quốc)...
Bên cạnh các sản phẩm công nghệ, Viettel còn được vinh danh giải Vàng trong lĩnh vực logistics, truyền thông, marketing.
Lumitel (Viettel Burundi) được vinh danh Công ty của năm trong lĩnh vực Viễn thông. Sau hơn 10 năm kinh doanh, đến nay, Lumitel đã chiếm 64% thị phần di động với hơn 5 triệu khách hàng, trở thành một trong những nhà mạng hàng đầu tại Burundi.
- Lào là nguồn cung quặng và khoáng sản lớn nhất cho Việt Nam trong ASEAN
Việt Nam nhập khẩu quặng và khoáng sản từ 6 thị trường thuộc ASEAN, trong đó Lào là thị trường cung cấp lớn nhất.
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8, Việt Nam chi 1,78 tỷ USD để nhập khẩu 16,1 triệu tấn quặng và khoáng sản. So với cùng kỳ năm trước (YoY), lượng nhập khẩu tăng 23,8%; kim ngạch cũng tăng 25,3% YoY.
Về thị trường, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này từ 21 thị trường chính trong 7 tháng đầu năm 2024. Australia là thị trường nhập khẩu quặng và khoáng lớn nhất của Việt Nam với 6,7 triệu tấn, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Brazil là thị trường lớn thứ hai với 4,26 triệu tấn, tăng tới 55% YoY.
Đáng chú ý, lượng nhập khẩu quặng và khoáng sản từ Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tăng mạnh từ mức 11.571 tấn tại kỳ trước lên 166.258 tấn tại kỳ này. Việt Nam còn nhập khẩu 130.372 tấn từ Ấn Độ, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là thị trường duy nhất trong 8 thị trường lớn nhất có đà giảm về lượng với -35,3% YoY, còn 332.862 tấn.
Trong 8 thị trường nhập khẩu quặng và khoáng sản lớn nhất của Việt Nam còn có Campuchia, Lào và Thái Lan. Theo đó, lượng nhập khẩu từ Lào đạt tới 1,2 triệu tấn, tăng 18,8% YoY; Thái Lan với 684.709 tấn, tăng 18,5% YoY và Campuchia với 444.677 tấn, tăng tới 247% YoY.
Trong khối ASEAN, Việt Nam còn nhập khẩu 40.479 tấn từ Malaysia, tăng 47,9% YoY; Myanmar với 3.232 tấn, giảm 19,2% YoY; Singapore với 834 tấn, giảm 65,3% YoY.
Về kim ngạch, quặng và khoáng sản từ Australia có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với 782 triệu USD, tăng 39,3% YoY; Brazil với 509 triệu USD, tăng 45,3% YoY.
Cùng với lượng tăng, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng 515% so với cùng kỳ, đạt 23,4 triệu USD; nhập khẩu từ Trung Quốc với 49,5 triệu USD, giảm 45,7% YoY.
Việt Nam chi 46,6 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này từ Lào, tăng 23,9% YoY; từ Thái Lan với 53,9 triệu USD, tăng 127% YoY; từ Campuchia với 37,2 triệu USD, tăng tới 247% YoY.
Trong khối ASEAN, Việt Nam chi 9,2 triệu USD để nhập khẩu quặng và khoáng sản từ Malaysia, tăng 29,5 YoY; chi 7,2 và 1,6 triệu USD để nhập từ Myanmar và Singapore, lần lượt giảm 24% YoY và 63% YoY.
- Thị trường chứng khoán ngày 30/8: Thị trường tiếp tục giằng co
Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index tăng 2,57 điểm, tương ứng mức 1.284,04 điểm, HNX giảm 0,58 điểm còn 237,3 điểm và UPCoM tăng nhẹ, giao dịch quanh mức 93,9 điểm. Trong khi đó, rổ VN30, sắc xanh tạm thời chiếm ưu thế với 13 mã tăng và 6 mã tham chiếu.
Sau khi mở màn phiên sáng xanh nhẹ, thị trường tiếp tục giằng co. Nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành nổi bật nhất. Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index tăng 2,57 điểm, tương ứng mức 1.284,04 điểm, HNX giảm 0,58 điểm còn 237,3 điểm và UPCoM tăng nhẹ, giao dịch quanh mức 93,9 điểm. Trong khi đó, rổ VN30, sắc xanh tạm thời chiếm ưu thế với 13 mã tăng và 6 mã tham chiếu.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 30/8, VN-Index mang sắc xanh ngay từ đầu phiên. Trong rổ VN30, sắc xanh tạm thời chiếm ưu thế. Tính tới 9h30, VN-Index lên mức 1.286,03 điểm. HNX-Index có sự tăng nhẹ, giữ mức 238,01 điểm.
Sắc xanh tạm thời chiếm ưu thế hơn trong rổ VN30 với 22 mã tăng, 3 mã đứng giá và 5 mã giảm. Trong đó, VCB, TCB, VIB là những cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất. Ở chiều ngược lại, CTG, SSI, BCM là những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất.
Nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành nổi bật nhất ở đầu phiên sáng. Các cổ phiếu tăng tích cực ngay từ đầu phiên như NDC tăng kịch trần (+14,97%), DHT (+0,72%), AMV (+3,33%), TNH (+0,65%), PBC (+1,35%),…
Cùng với đó, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiện ích đang đóng góp tích cực vào điểm số thị trường sáng nay. Trong đó, tiêu biểu là các mã cổ phiếu như GAS (+0,48%), STW tăng kịch trần (+14,76%), QTP (+0,68%), BWE (+0,68%), BWS (+2,42%),…
Bên mua tiếp tục yếu thế khiến các chỉ số chính diễn biến trái chiều và lui về quanh mốc tham chiếu. Tính đến 10h30, VN-Index tăng 2,71 điểm, giao dịch quanh mức 1.284 điểm. HNX-Index giảm 0,82 điểm, giao dịch quanh mức 237 điểm.
Có thể thấy sự phân hóa khá rõ ràng đang diễn ra trong rổ VN30 nhưng sắc xanh vẫn có phần lấn lướt hơn với 14/30 mã tăng. Trong đó nổi bật có VIC kéo chỉ số tăng 0,69 điểm, FPT kéo tăng 0,68 điểm, VCB kéo tăng 0,43 điểm và VNM kéo tăng 0,41 điểm. Trái lại, chỉ còn một số mã như MWG, CTG, SSI và VHM vẫn chịu áp lực bán nhưng mức giảm không đáng kể.
Dẫn đầu đà tăng hiện tại là nhóm chăm sóc sức khỏe với mức tăng có phần khá khiêm tốn 0,76%. Nổi bật với sắc xanh tập trung chủ yếu ở TNH tăng 4,97%, DHG tăng 0,75%, DHT tăng 0,29% và NDC tăng 14,97%... Trái lại, lực bán khá lớn vẫn đang diễn ra ở một số mã như DCL giảm 0,19%, DVM giảm 1.92%, FIT giảm 1,16%... hiện là các mã đang gây trở lực cho nhóm này.
Ngoài ra, nhóm ngành nguyên vật liệu cũng thuộc top 5 ngành đang giúp nâng đỡ chỉ số với sắc xanh có phần chiếm ưu thế. Trong đó, lực mua chủ yếu tập trung ở GKM tăng 2,78%, DCM tăng 0,8%, CSV tăng 1,42%, DPM tăng 0,72%... và đang chú ý khi DGC bật tăng khá tích cực ngay từ khi mở cửa với 2,52%.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, cổ phiếu DGC trong phiên sáng 30/08/2024 đã bật tăng kèm theo khối lượng có sự gia tăng và vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư khá lạc quan. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu này tiếp tục nằm trên đường Middle của Bollinger Bands trong các phiên gần đây sau khi test thành công đường SMA 200 ngày cho thấy triển vọng phục hồi sau điều chỉnh dần quay trở lại. Thêm vào đó, chỉ báo MACD tiếp tục hướng đi lên sau khi cho tín hiệu mua. Điều này cho thấy kịch bản phục hồi sẽ được củng cố thêm khi chỉ báo vượt lên trên mức 0 trong thời gian tới.
Ở chiều ngược lại, nhóm năng lượng với diễn biến phân hóa nhưng lực bán có phần chiếm ưu thế hơn khiến cho nhóm này có mức giảm mạnh nhất thị trường 0,49%. Cụ thể như BSR giảm 0,42%, PVB giảm 0,34%, TMB giảm 0,42%... Phần lớn còn lại các mã như PVS, PVD, PVC, CST ở trạng thái đứng giá.
So với đầu phiên, tình trạng giằng co vẫn tiếp diễn với lợi thế nghiêng về bên mua. Số mã tăng là 286 mã và số mã giảm là 277 mã.
Kết phiên giao dịch hôm 30/8, VN-Index tăng 2,57 điểm, tạm thời dừng ở mức 1.284,04 điểm; Khối lượng giao dịch đạt hơn 220.288 triệu đơn vị, tương ứng hơn 5,3 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 169 mã tăng giá, 95 mã tham chiếu và 193 mã giảm giá.
Rổ VN30 tăng 2,5 điểm, ở mức 1.329,17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 53.302 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,9 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 13 mã tăng, 6 mã đứng giá và 11 mã giảm.
HNX-Index giảm 0,58 điểm, ở mức 237,3 điểm, khối lượng giao dịch đạt hơn 21.981 triệu đơn vị, tương ứng hơn 493 tỷ đồng. Toàn sàn có 57 mã tăng giá, 54 mã đứng giá và 70 mã giảm giá.
Upcom tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch đạt 16.029 triệu đơn vị, tương ứng hơn 169 tỷ đồng. Toàn sàn có 138 mã tăng giá, 118 mã đứng giá và 102 mã giảm giá.