Dạy con về lòng biết ơn ngay từ khi còn nhỏ
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 17:52, 29/08/2024
Chị Nguyễn Thị Thu Nhường là giáo viên tiểu học. Các con của chị Nhường được mẹ uốn nắn khuôn phép từ bé nên ngoan ngoãn, lễ phép, luôn biết xin lỗi và nói câu cám ơn. Là người đề cao giáo dục gia đình, chị Nhường đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nếp nhà.
Chị Nhường chia sẻ, gia đình là cái nôi hình thành nhân cách và môi trường thực hành các quy tắc ứng xử xã hội đầu tiên của con người. Chính vì thế, nếu không tạo lập được nề nếp cá nhân, sống tự do, dễ dãi ở nhà thì khi ra ngoài, chúng ta sẽ không có ý thức tuân thủ những quy tắc chung của xã hội.
"Lòng nhân ái, bao dung, biết ơn phải được rèn giũa từ chính gia đình. Các cụ có câu "Tề gia - trị quốc - bình thiên hạ", nếu gia đình không ấm êm, nề nếp thì không mong có một xã hội ổn định, phồn vinh. Để sống biết ơn xã hội, biết ơn những người xung quanh ta thì việc đầu tiên là phải biết ơn những người trong gia đình ta", chị Nhường bày tỏ.
Xuất phát từ quan điểm đó nên ngay từ khi các con còn nhỏ, chị Nhường đã chú trọng việc giáo dục lòng biết ơn cho con. Chị giải thích cho con về tôn ti trật tự, ngôi thứ trước-sau trong gia đình để con kính trọng, lễ phép với người vai trên, quan tâm người vai dưới.
Chị Nhường kể, chị thường dùng những hình ảnh trực quan sinh động để dạy các con. Như khi mô tả về gia đình, chị chỉ vào cây mít, cây na, cây nhãn, cây bưởi trong vườn và ví hình ảnh ông bà như là thân cây; bố mẹ, cô chú của các con như là các quả trên cây; còn các con như là cái hạt trong mỗi quả.
Sau này quả chín, hạt trong quả sẽ ươm mầm lên cây mới, cây mới ấy là vòng đời thế hệ tương lai. Cái cây có xum xuê, cao lớn thì quả trên cây càng to, mọng; hạt giống trong quả mới chất lượng. Nếu không có cây thì không có quả, không có quả thì không có hạt, không có hạt thì không có thế hệ tương lai. Vì thế, là con cháu phải biết ơn, kính hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ…
Theo chị Nhường, cách giải thích này thực tế, sinh động và phù hợp khi các con mới ở độ tuổi mầm non. Khi lớn lên đi học, được thầy cô giáo dục, các con sẽ thấm nhuần và hiểu sâu sắc hơn.
"Tôi cứ nói với các con những điều giản đơn ấy trong cuộc sống hàng ngày, dần dần các con tôi thấm những điều ấy một cách tự nhiên. Và đức tính biết ơn trở thành một lẽ sống của các con", chị Nhường nói.
Không chỉ dạy con lòng biết ơn một chiều, chị Nhường cho rằng, ông bà, cha mẹ cũng cần biết ơn con cái; anh chị em trong gia đình cần thể hiện lòng biết ơn lẫn nhau.
"Nếu ví gia đình là một khu vườn thì mỗi cá nhân là một cái cây trong khu vườn ấy. Con người cũng giống như cái cây, không thể sống đơn lẻ, bởi một cái cây không thể tạo nên một khu vườn, một cánh rừng.
Bởi vậy, chúng ta luôn phải trân trọng và biết ơn nhau, biết ơn cuộc đời đã cho chúng ta ở bên nhau. Tôi luôn thể hiện lòng trân trọng và biết ơn cha mẹ, anh chị em, biết ơn chồng con đã tạo nên cuộc sống hạnh phúc hiện tại của tôi. Nếu không có họ thì cuộc đời tôi không có ý nghĩa gì", chị Nhường nhấn mạnh.
Theo PNVN