5 điều cha mẹ không nên chiều theo ý thích của trẻ bởi như thế không khác nào làm hại con
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 07:27, 28/08/2024
1. Cho trẻ nghỉ học theo ý muốn
Nhiều bậc phụ huynh thường đưa ra cách ra cách xử lý là cho con nghỉ học vài hôm khi trẻ khóc lóc và tỏ ra sợ hãi khi đến trường. Lý do mà cha mẹ đưa ra là bởi "con chưa quen" hoặc "con cần chút thời gian rồi sẽ quay lại"...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, đây là hành động sai lầm và sẽ không giúp trẻ khá hơn.
Bởi lẽ khi trẻ quen ở nhà sẽ khó có thể hòa nhập cùng bạn bè và thầy cô ở lớp. Hãy kiên nhẫn dành lời khuyên và động viên con trong những ngày đầu đến trường.
Sau một thời gian trẻ sẽ dần làm quen được với môi trường học tập, có thể kết thân với nhiều bạn mới cũng như giảm bớt chứng sợ hãi mỗi sáng sớm phải đến trường học.
Nhiều bậc phụ huynh thường đưa ra cách ra cách xử lý là cho con nghỉ học vài hôm khi trẻ tỏ ra không muốn đến trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, đây là hành động sai lầm. Ảnh minh họa
2. Cho trẻ thoải mái dùng điện thoại, thiết bị smartphone
Đầu tiên phải nói đến điện thoại di động, hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ trẻ thích sử dụng điện thoại di động để dỗ con cái, dù là trẻ 2 - 3 tuổi hay học sinh trung học cơ sở tuổi teen, ngay khi cha mẹ lấy điện thoại di động ra dụ dỗ có vẻ như tất cả các vấn đề sẽ được giải quyết.
Thậm chí, nhiều ông bố bà mẹ còn tự hào khoe rằng con mình thông minh, biết sử dụng smartphone mà không cần ai dạy, còn dùng giỏi hơn cả bố mẹ. Nhưng họ đâu hề biết, chính những chiếc điện thoại thông minh ấy lại đang hủy hoại con họ từng ngày.
Việc sử dụng quá nhiều điện thoại sẽ trở thành vấn đề khi trẻ dành quá nhiều thời gian cho thứ đồ giải trí này, dẫn đến bỏ đi những mối quan hệ trực tiếp, không học bài, không đến trường, bỏ qua những sở thích khác hoặc những việc quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
3. Chiều chuộng, bao bọc con
Dạy trẻ tự lập là một trong những điều rất quan trọng, nhưng có không ít phụ huynh lại lo lắng và bao bọc con quá đà. Cha mẹ luôn có tâm lý sợ con không làm được việc này, sợ trẻ không theo được bạn bè cùng trang lứa...
Nhưng việc để trẻ có thể hình thành thói quen tự lập cũng cần sự hỗ trợ, tin tưởng từ cha mẹ. Hãy để con tự lập từ những việc nhỏ nhất như mang cặp sách, tự tìm lớp học hay thực hiện các bài tập mà không cần sự hỗ trợ của cha mẹ.
Cha mẹ hãy chỉ là những người đứng phía sau chỉ dẫn khi các con gặp khó khăn, vướng mắc. Chính điều này sẽ giúp con trẻ có được tư duy tự lập, tự quyết định và có trách nhiệm trước những việc làm của mình. Điều này sẽ giúp con dễ dàng có những bước tiến xa hơn khi trưởng thành.
Dạy trẻ tự lập là một trong những điều rất quan trọng, nhưng có không ít phụ huynh lại lo lắng và bao bọc con quá đà. Ảnh minh họa
4. Khen ngợi con quá nhiều
Nhiều cha mẹ thường cho con cái mác "đặc biệt" và chấp nhận mọi đề nghị cũng như đòi hỏi dù vô lý nhất của con.
Nếu bố mẹ khen ngợi, đề cao, khoe khoang về con quá nhiều sẽ dễ sinh ra thói tự cao, tự kiêu và ảo tưởng về bản thân ở trẻ.
Khen ngợi bản thân nó là một việc làm tốt nhưng cần có chừng mực và mức độ để nó không trở thành một con dao hai lưỡi gây ra hậu quả khôn lường về sau cho con trẻ.
5. Cho con tham gia quá nhiều hoạt động
Có rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng, con trẻ càng tham gia nhiều hoạt động đa dạng sẽ phát huy tốt khả năng cũng như có được sự năng động. Vì thế, các cha mẹ luôn cố gắng chiều theo sở thích cũng như tạo mọi điều kiện để các con tham gia mọi hoạt động nhiều nhất có thể.
Đối với việc này, các chuyên gia tâm lý lại cho rằng, đây là cách không mang đến hiệu quả bởi nếu trẻ tham gia nhiều hoạt động vượt quá sức mình sẽ khiến các bé trở nên mệt mỏi, dễ chán nản và không còn cảm thấy hào hứng.
Vì vậy, cha mẹ hãy phân bổ lịch trình học tập, tham gia ngoại khoá và vui chơi phù hợp với khả năng lẫn sức khoẻ của con. Lịch trình hoàn hảo sẽ giúp các con có đủ thời gian tập trung học hành, tham gia các hoạt động thể thao nhưng cũng dành khoảng không gian riêng cho thú vui, sở thích của mình.
Điều này sẽ giúp trẻ trở nên hào hứng, tràn đầy năng lượng đối với việc học tập và vui chơi.
Những đứa trẻ lớn lên trong sự dung túng, chiều chuộng sẽ luôn nghĩ mình là trung tâm, trở nên ích kỷ và vô kỷ luật, không biết cách hợp tác với người khác và dễ phạm phải những điều sai trái. Điều này sẽ khiến trẻ gặp rắc rối khi vào đời, bởi bố mẹ có thể dung túng cho con làm điều sai nhưng xã hội sẽ không chấp nhận điều đó.
Quan tâm, chăm sóc con cái cũng cần phải có nguyên tắc và giới hạn, đồng thời cũng cần phải chú ý đến quyền lực và sự uy nghiêm của bản thân trong gia đình.
Theo GĐXH