Những ràng buộc khiến TPHCM còn chậm trong cụ thể hóa Nghị quyết 98
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:29, 27/08/2024
Chiều 27/8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Buổi làm việc nhằm nhìn lại các kết quả của thành phố sau 1 năm thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các đơn vị nhìn nhận rõ những việc đã làm được và chưa làm được. Đối với những việc chưa làm được, các bên cần làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đưa ra giải pháp.
"Chúng ta đều biết Nghị quyết 98 quan trọng với thành phố thế nào và thành phố đã tập trung, nỗ lực, quyết tâm ra sao. Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Trung ương đã vào làm việc, kiểm tra và có những chỉ đạo", ông Nguyễn Văn Nên nói.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố nêu rõ, thời gian của thành phố để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 không còn dài. Ban Chỉ đạo cần kiểm tra từng phần việc trên từng lĩnh vực để tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cho thời gian tới.
Báo cáo tại phiên họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận, sau một năm, địa phương đã thực hiện cơ bản việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền. Tuy nhiên, thành phố mới bắt đầu trong việc chuyển hóa, cụ thể hóa các văn bản này thành giá trị thực tế.
"Chúng ta đánh giá việc này có chậm, nhưng so với Nghị quyết 54 trước đây thì kết quả cũng ở mức tương đối. Vấn đề chậm có một phần do không đồng bộ với các văn bản của Trung ương. Khi xây dựng văn bản thuộc thẩm quyền, thành phố vẫn tham khảo ý kiến các bộ, ngành nhưng nhiều lãnh đạo bộ, cán bộ cấp vụ, chuyên viên của bộ vẫn quay về quy định hiện hành", ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, vấn đề trên khiến việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mất nhiều thời gian. Đây là vấn đề mà thành phố cần nghiên cứu, đề xuất Trung ương giải pháp để tháo gỡ.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng chia sẻ, việc mở ra cơ chế để khơi dậy nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế để được phân cấp, phân quyền chủ động hơn cũng chưa đạt như mong đợi.
Chủ tịch UBND TPHCM lấy ví dụ, thành phố đã xin cơ chế thực hiện các dự án theo hình thức PPP (đối tác công tư) đối với lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao. TPHCM có thể kêu gọi được khoảng 1 tỷ đô nếu thực hiện tất cả dự án theo danh sách được thông qua.
"Nhưng đến giờ, thành phố chưa triển khai dự án nào một cách hoàn thiện mà mới bắt đầu cho một số dự án. Nguyên nhân là các sở, các địa phương còn chậm", Chủ tịch TPHCM nêu rõ.
Lãnh đạo UBND TPHCM thông tin thêm, trong năm sau, 5 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) và 5 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên địa bàn có thể khởi công. Tuy nhiên, thành phố đang quá tải trong vấn đề cập nhật thêm danh sách các dự án mới.
Một vấn đề khác là TPHCM còn vướng trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, lên danh mục lĩnh vực được ưu đãi nhà đầu tư chiến lược và cơ chế, chính sách đi kèm. Trong lĩnh vực này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban đầu chưa đồng ý với thành phố về danh mục ngành nghề ưu tiên, nhưng sau khi kiên trì, giải thích, bộ đã cho đồng thuận.
"Chúng ta vẫn phải ràng buộc hiệp y, thống nhất với các bộ nên chậm. Thành phố xác định sẽ gỡ được vấn đề này trong quý III năm nay. Nếu gỡ được vấn đề thu hút nhà đầu tư chiến lược, thành phố mới bàn được thu hút nhà đầu tư cho Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nhà đầu tư cho Khu Công nghệ cao", ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Một vướng mắc khác được Chủ tịch UBND TPHCM chỉ rõ, các quy định cho lĩnh vực trao đổi tín chỉ carbon. Nếu gỡ được vấn đề này, địa phương sẽ có thêm ngân sách, nguồn thu để tiếp cận tài chính xanh, tín dụng xanh.
"Các hội thảo vừa qua đã đặt vấn đề, mỗi năm, thành phố cần 500-600 triệu USD để chuyển đổi xe buýt, xe công, xe ôm công nghệ thành xe điện và xây dựng hạ tầng phục vụ xe điện. Đây là số tiền rất lớn, nếu không có cơ chế trao đổi tín chỉ carbon thì thành phố sẽ không có nguồn thu để thực hiện", Chủ tịch UBND TPHCM cho hay.