Doanh nghiệp ngại ứng dụng trí tuệ nhân tạo, vì phải trả phí?
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 15:04, 23/08/2024
Ngày 23-8, Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Chuyển đổi số TP HCM (DXCenter) tổ chức hội thảo "Hành trình chuyển đổi số - Đột phá từ doanh nghiệp nhỏ đến thành công lớn".
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ "Ngày hội xúc tiến giao thương - Cánh cửa kết nối thị trường Hàn - Việt" (Mega US Expo 2024).
Ông Phí Anh Tuấn, Trưởng ban chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số DXCenter, cho biết phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hiện nay còn đang dò dẫm trong chuyển đổi số.
Nguyên nhân là do có quá nhiều nhà tư vấn giải pháp công nghệ nên họ lo ngại nếu chọn sai đơn vị tư vấn sẽ tổn thất thời gian và tiền bạc.
Bà Đào Thị Hồng Lê, Giám đốc Tokyo Tech Lab Việt Nam, chỉ ra 4 thách thức mà các doanh nghiệp SME gặp phải khi chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) gồm chi phí đầu tư cao cho công nghệ mới, thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, nguy cơ rò rỉ dữ liệu và thiếu hụt nhân lực kỹ thuật.
"Đây là yếu tố khiến quá trình chuyển đổi số, ứng dụng AI của doanh nghiệp SME tại Việt Nam diễn ra chậm hơn so với nội tại của doanh nghiệp. Do đó, chính phủ và các cơ quan liên quan cần có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn"- bà Hồng Lê nói.
Ông Hoàng Văn Tam, nhà sáng lập, CEO Công ty TNHH Digitech Solutions, nhận định một số doanh nghiệp SME chưa có chiến lược cụ thể cho quá trình chuyển đổi số, dẫn đến việc triển khai các công nghệ không đồng bộ và kém hiệu quả.
"Nếu doanh nghiệp chưa sẵn sàng nguồn lực, thay vì chuyển đổi số tổng thể thì có thể chuyển chiến lược sang ứng dụng AI vào từng quy trình kinh doanh của mình từ đơn giản như Chatbot AI để chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự… đến các quy trình phức tạp như phân tích dữ liệu hoạt động để đánh giá hiệu quả hoạt động"- ông Tam đề xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Trí, chủ doanh nghiệp SME, bán lẻ thực phẩm tại TP HCM, giải thích dianh nghiệp không còn nhiều cơ hội tiếp cận phần mềm AI trong kinh doanh do hầu hết các nền tảng đã dần thu phí trong khi hiệu quả chưa rõ ràng.
"Chi phí cho chatbot AI, phần mềm quản lý AI do các công ty công nghệ cung cấp đang khá cao, dao động 10-20 triệu đồng/tháng nhưng quy mô doanh nghiệp tôi không sử dụng hết công năng của chúng, điều đó rất lãng phí. Đó cũng là yếu tố khiến tôi e ngại đưa AI vào kinh doanh" - ông Trí chia sẻ.