Những kiến nghị về bán dẫn lần đầu tiên được đề cập ở Hội nghị Việt kiều lần thứ 4
Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 13:54, 23/08/2024
Đầu tư thiết kế vi mạch Analog và high-speed
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành bán dẫn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…- ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh (kiều bào tại Nhật Bản), Chuyên gia về phát triển sản phẩm, Tập đoàn Marvell Technology, cho rằng tại Việt Nam, ngành vi mạch hiện đang dừng lại ở công đoạn gia công và thiếu đội ngũ kỹ thuật có khả năng làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với quy mô dân số lớn và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp này.
Theo ông Khanh để phát triển ngành vi mạch tại Việt Nam cần tăng cường đào tạo kỹ sư vi mạch; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến về ngành này; thành lập các trung tâm đào tạo chuyên sâu; có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài...
Các đại biểu và diễn giả chia sẻ tại Phiên chuyên đề “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”. |
Quan tâm đến khâu thiết kế, đóng gói và kiểm thử; đầu tư vào thiết kế vi mạch Analog và high-speed (lĩnh vực phù hợp với năng lực và sự sáng tạo của giới trẻ, sinh viên Việt Nam, đặc biệt liên quan đến môn Toán, Lý); hỗ trợ bản quyền, sở hữu trí tuệ và hợp tác đồng bộ giữa các tập đoàn công nghệ và viện, trường đại học...
“Cần đầu tư vào việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu và sản xuất, đồng thời chú trọng đến việc phát triển công nghệ mới và ứng dụng trong thực tế. Tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến và mô hình đã thành công, đặc biệt chú trọng chia sẻ tài nguyên vi mạch và giữ chân nhân tài, từ đó giúp Việt Nam xây dựng nền tảng vững chắc và thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực này”, kiều bào Nguyễn Ngọc Mai Khanh nêu vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, kiều bào tại Nhật Bản, Trợ lý Giáo sư Đại học Tohoku (Nhật Bản) cho biết Việt Nam có tiềm năng phát triển tốt khâu thiết kế chip và có tiềm năng trong việc cung cấp vật liệu đất hiếm.
Tuy nhiên, Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng; chuẩn bị chuỗi cung ứng phù hợp và nguồn nhân lực tốt. “Nếu Việt Nam ký kết các biên bản ghi nhớ với Nhật Bản, sinh viên Việt Nam có thể đến học hỏi và nghiên cứu tại các trường học hoặc công ty tại Nhật Bản; từ đó phát huy được các thế mạnh đáng quý”, bà Nguyễn Thị Vân Anh gợi mở.
Tận dụng lợi thế vị trí gần “thung lũng silicon của Trung Quốc"
Ông Dương Minh Tiến, kiều bào tại Hàn Quốc cho rằng Việt Nam được đánh giá là nơi thu hút đầu tư cho lĩnh vực đóng gói chip nên cần chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư của lĩnh vực đóng gói trong 5-10 năm nữa.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút thành công các công ty điện tử lớn đầu tư vào đóng gói chip và substrate (chất nền-bóng lưới chip bán dẫn), cụ thể như Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron... Đây cũng là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm cho nhân lực Việt Nam trong ngành sản xuất chip cũng như phát triển các nhà cung cấp tại địa phương.
Ông Dương Minh Tiến, kiều bào tại Hàn Quốc phát biểu tại chuyên đề. |
Theo ông Tiến, Việt Nam nên tận dụng một số lợi thế đặc biệt để đa dạng thu hút đầu tư. Ngoài ra, vị trí địa lý gần “thung lũng silicon của Trung Quốc (Quảng Châu-Thẩm Quyến-Đông Hoản)", rất phù hợp cho chiến lược China+1 của các công ty lớn trong giảm rủi ro về địa chính trị và chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do và đối tác chiến lược với các cường quốc công nghệ để hàng hóa Việt Nam được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các thị trường lớn; tận dụng cơ hội này để giảm bớt thủ tục hành chính, phân quyền cho cơ sở để sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn trở nên thuận lợi hơn.
Chính vì thế, Việt Nam cần đảm bảo an ninh năng lượng, nguồn điện và nước. Tập trung và ưu tiên thu hút các đầu tư về sản xuất substrate packaging (đóng gói tiên tiến). Giảm bớt thủ tục hành chính, phân quyền cho cơ sở để việc mở rộng đầu tư trở nên dễ dàng hơn. Ưu đãi thuế, vốn cho các doanh nghiệp đào tạo nhân lực bán dẫn cho Việt Nam.
Tăng cường hợp tác bán dẫn với những quốc gia khác như Israel hay Singapore bên cạnh những quốc gia truyền thống Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan... Đồng thời có chiến lược quốc gia cải thiện khả năng tiếng Anh của sinh viên, ưu đãi học phí cho các ngành điện tử, cơ khí, khoa học máy tính....
Tổ chức các khóa học đào tạo bổ sung ngắn hạn
TS Nguyễn Thành Tiến (kiều bào Hàn Quốc) cho rằng đào tạo nhân sự cho ngành bán dẫn thì cần có sự kết hợp giữa chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp. Sự phát triển của doanh nghiệp thường sẽ bám theo các định hướng về công nghệ lõi của các viện quốc gia. Sự đào tạo của trường đại học cần phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
TS Nguyễn Thành Tiến (kiều bào Hàn Quốc) phát biểu tại chuyên đề. |
TS Tiến cho rằng trong ngành bán dẫn thì sự luân chuyển lĩnh vực làm việc là điều bình thường. Do đó nếu có các khóa học đào tạo bổ sung ngắn hạn hỗ trợ cho việc chuyển đổi này thì sẽ tăng sự năng động trong nội bộ nhân sự ngành bán dẫn.
Mô hình các trung tâm đào tạo có trang thiết bị dùng chung là cách hiệu quả nhất để thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn như thế này vì giúp tối ưu chi phí và nhân lực bảo trì hệ thống, tối đa hóa thời gian sử dụng thiết bị, và cũng linh hoạt cho việc sắp xếp các nguồn sinh viên học, thực tập.
Đánh giá cao góp ý của kiều bào về vi mạch bán dẫn Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, qua phiên chuyên đề này lần đầu tiên ông được nghe đề cập đến việc tận dụng vành đai bán dẫn Đông Bắc Á. "Đây là khái niệm mà chúng tôi nghĩ là mang tính chiến lược. Hiện nay chúng ta đã nhắc tới việc tiếp cận một số quốc gia, nhưng chưa tư duy đến câu chuyện vành đai", ông Thịnh chia sẻ. Ông Thịnh cũng cho biết, lần đầu tiên ông được nghe một kiến nghị của kiều bào khi chúng ta đi vào lĩnh vực thiết kế, kiểm thử và đóng gói trong bán dẫn thì cần tập trung vào thị trường ngách, hẹp hơn. Cụ thể trong thiết kế chọn thiết kế ngách để sao cho chúng ta có thể cạnh tranh. "Đây là những điểm chúng tôi đánh giá rất cao. Chúng tôi nhìn thấy sự tâm huyết, sự mong muốn của kiều bào trong việc đồng hành và phát triển cùng đất nước trong hai mảng Việt Nam đang chập chững đó là AI và bán dẫn", ông nói. |