Thị trường ô tô điện vào cuộc cạnh tranh

Xe - Ngày đăng : 11:18, 23/08/2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều hãng ô tô điện Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam với nhiều chủng loại và giá cả. Sự cạnh tranh từ các hãng xe điện giúp người có nhu cầu mua xe có thêm lựa chọn với giá hợp lý hơn, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo về hạ tầng, tiện ích.

Đua nhau nhập khẩu

Hãng xe điện lớn nhất thế giới BYD vừa thâm nhập thị trường Việt Nam bằng một kế hoạch quy mô. Trong quý 3-2024, hàng loạt showroom trên toàn quốc của hãng xe này đã được ra mắt. Ngoài trưng bày xe, các showroom còn tích hợp các trạm sạc điện với ít nhất một trạm sạc nhanh.

BYD không phải là doanh nghiệp xe điện Trung Quốc duy nhất có mặt ở thị trường Việt Nam. Trước đó, TMT Motors cũng đã công bố hợp tác với SGMW (liên doanh SAIC - GM - Wuling Automobile) đưa mẫu xe điện Wuling Hongguang ra thị trường với 4 phiên bản, mức giá dao động 239-279 triệu đồng.

Tương tự, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omada & Jaecoo cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, xăng - điện (hybrid) và thuần điện sử dụng trong nước và xuất khẩu. Một cái tên khác đến từ Trung Quốc là Great Wall Motor (GWM), sau khi ra mắt mẫu SUV hybrid Haval H6 HEV (giá hơn 1 tỷ đồng), đã đưa mẫu Haval Jolion bản xăng và hybrid vào Việt Nam.

Cùng với đó, phân khúc xe sang của ô tô điện tại Việt Nam cũng sôi động không kém với sự hiện diện của bộ 3 đến từ thương hiệu Mercedes Benz gồm: EQB 250, EQE 500 4MATIC và EQS 500 4MATIC. Ngoài ra, thương hiệu BMW cũng gia nhập thị trường với các sản phẩm i7, i4 và iX3. Với những dòng ô tô lai điện và xăng (hybrid), nhiều thương hiệu tên tuổi cũng đã có mặt tại Việt Nam như Honda, Toyota, Hyundai…

Mới nhất, ngày 20-8 vừa qua tại TPHCM, Việt Nam Suzuki chính thức giới thiệu xe XL7 hybrid, mẫu xe mang phong cách thể thao đa dụng được trang bị hệ thống hybrid với mức giá khoảng 600 triệu đồng/chiếc.

U5a.jpg
Hãng xe hơi Suzuki (Nhật Bản) vừa ra mắt mẫu xe XL7 tại TPHCM, dòng xe hybrid thân thiện với môi trường

Trong khi đó, dòng ô tô thuần điện ở Việt Nam sớm nhất phải kể tới VinFast. Xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm, năm 2023, VinFast đã xây dựng nhà máy sản xuất xe điện nội địa đầu tiên tại Việt Nam và chính thức hoàn thiện dòng sản phẩm xe điện của mình ở nhiều phân khúc, vươn lên chiếm lĩnh vị trí số một thị trường Việt Nam. Hiện nay, các dòng xe điện mới nhất của hãng này đang được đẩy mạnh bán ra thị trường như VF5, VF6, VF7, VF8, VF9…

Nhiều lựa chọn nhưng vẫn đắn đo

Ông Phạm Văn Đức, phụ trách kinh doanh một showroom ô tô ở quận Bình Tân (TPHCM) cho rằng, những năm trước đây, xe Trung Quốc nhập vào Việt Nam chưa nhiều nên mức độ cạnh tranh còn ít. Năm nay, nhiều hãng xe điện của Trung Quốc ồ ạt thâm nhập thị trường khiến cạnh tranh gay gắt. Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Auto Việt Nam, đánh giá, thị trường ô tô Việt Nam đủ lớn để hãng tự tin mở bán. Hiện BYD đang bán xe tại Việt Nam với mức giá đang bị lỗ 30-35%.

Theo nhận định của một số chuyên gia trong ngành công nghiệp xe hơi, còn quá sớm để nói về sự “bùng nổ” của ô tô điện tại thị trường Việt Nam. Dù rằng người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn nhưng vấn đề của xe điện là trạm sạc. Trạm sạc được ví như “xương sống” của ngành xe điện. Đó là yếu tố cơ bản quyết định sự thành bại của một thương hiệu xe điện. Và cho dù ô tô điện có giá tốt hơn nhưng thiếu hạ tầng trạm sạc thì người tiêu dùng sẽ đắn đo khi quyết định xuống tiền.

U1f.jpg
VinFast đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống trạm sạc xe điện tại TPHCM và các đô thị lớn, nhỏ trong nước. Ảnh: ĐỨC TRUNG

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ môn Cơ khí ô tô, Khoa Cơ khí, Trường Đại học GTVT, nhấn mạnh, xây dựng trạm sạc cho ô tô điện tốn rất nhiều chi phí. Lợi thế của một hãng xe điện là có độ phủ trạm sạc và đạt chuẩn. Nếu muốn mua một xe điện mới tại thị trường Việt Nam, chắc chắn người dùng sẽ chọn xe đã có độ nhận diện thương hiệu tốt, có dịch vụ hoàn hảo và quan trọng nhất là tính tiện ích, dễ sạc khi di chuyển đường dài.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, phân tích, thị trường châu Âu đã có chính sách tăng thuế với xe điện của một số nước. Do đó, chắc chắn dòng ô tô điện có thể bị ùn ứ với số lượng lớn và các nhà sản xuất tìm cách “đẩy” sang thị trường Đông Nam Á. Trước thực trạng này, cơ quan hữu quan cần hành động gấp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với xe điện nhập khẩu.

“Khi bán vào thị trường Việt Nam với giá rẻ, người bán không có cam kết gì về trạm sạc, hệ thống hạ tầng năng lượng cho xe, thiết nghĩ cơ quan chức năng phải có quy định rõ ràng hơn, chẳng hạn yêu cầu quy chuẩn về trạm sạc; kế đó là các tiêu chuẩn về pin đối với xe nhập khẩu”, ông Nguyễn Thường Lạng khuyến cáo.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đạt tổng cộng 172.200 chiếc, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, trong 7 tháng đầu năm, ước tính đạt 91.585 chiếc. Với dòng xe hybrid (xăng - điện), theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 7 tháng đầu năm 2024, thị trường trong nước đã tiêu thụ 4.124 xe.