Lập 63 bài vị cho 63 tỉnh thành có người mất vì tai nạn giao thông
Nhịp sống - Ngày đăng : 19:36, 22/08/2024
Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, một sự kiện thường niên do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban ATGT quốc gia đồng tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 30 đến 31/8 (27 và 28 tháng 7 Âm lịch).
Năm nay, ban tổ chức lựa chọn chùa Từ Đàm (tỉnh Thừa Thiên Huế) làm nơi tổ chức đại lễ.
Theo ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn làm nơi tổ chức một phần vì năm qua tại đây ghi nhận các vụ tai nạn thảm khốc, gây thương vong lớn.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết đại lễ không chỉ để cầu nguyện cho linh hồn người tử vong do tai nạn giao thông mà còn nhắc nhở mọi người dân tự quý lấy bản thân mình, chung tay với cộng đồng hướng đến mục tiêu an toàn giao thông.
"Trong tháng Vu Lan, chúng tôi cũng muốn lan tỏa thông điệp "Ý thức với sinh mạng của chính mình là báo hiếu với tổ tiên"", Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.
Về khâu tổ chức, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết ban tổ chức sẽ lập 63 bài vị tương ứng 63 tỉnh thành để cầu siêu nạn nhân tai nạn giao thông. 63 vị chủ bái mặc trang phục truyền thống sẽ hầu bên bài vị suốt 2 ngày diễn ra đại lễ.
Ban tổ chức cũng sẽ trao quà, động viên gia đình của các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Các phần quà sẽ được ưu tiên cho người có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi do bố mẹ tử vong trong tai nạn giao thông.
Theo thống kê ở Việt Nam, tai nạn giao thông khiến mỗi ngày có khoảng 30 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về; hàng chục gia đình tan nát vì tai nạn giao thông, hàng trăm người đau xé lòng vì mất đi người thân yêu.
Với tinh thần "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", Đại lễ cầu siêu nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời do tai nạn giao thông, qua đó gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do tai nạn giao thông.
Đại lễ cũng là dịp để kêu gọi nhà chức trách từ trung ương đến địa phương và toàn thể cộng đồng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.