Quân sự thế giới hôm nay (22-8): Tên lửa mới của Ấn Độ có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo chống hạm
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 06:32, 22/08/2024
*Mỹ chấp thuận bán tên lửa chống tăng Javelin cho Australia
Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận bán 350 tên lửa chống tăng FGM-148F Javelin và các thiết bị liên quan tới chi phí ước tính 100 triệu USD cho Chính phủ Australia.
Mỹ chấp thuận bán tên lửa chống tăng FGM-148F Javelin cho Australia. Ảnh: Australia MoD |
Javelin, tên đầy đủ là FGM-148 Javelin, là tổ hợp tên lửa chống tăng di động do Raytheon và Lockheed Martin hợp tác phát triển. Tổ hợp này được quân đội Mỹ cùng nhiều quốc gia đồng minh sử dụng rộng rãi.
Javelin được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, các mục tiêu bọc thép và các mục tiêu kiên cố từ bệ phóng vác vai. Tên lửa có khả năng khóa mục tiêu trước khi phóng và hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên", cho phép người điều khiển không bị phát hiện ngay sau khi phóng. Tên lửa đạt tốc độ khoảng 290m/s sau khi khai hỏa.
Javelin sử dụng công nghệ dẫn đường hồng ngoại tự động giúp nâng cao độ chính xác ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi và có thể tấn công mục tiêu ở chế độ tấn công trực tiếp hoặc tấn công đột nóc để xuyên giáp tối ưu. Hệ thống dẫn đường này cho phép người sử dụng tìm nơi ẩn nấp ngay sau khi phóng. Trong khi đó, các hệ thống dẫn đường bằng dây, như tên lửa chống tăng M47 Dragon, yêu cầu người điều khiển phải dẫn đường trong suốt quá trình bay của tên lửa sau khi khai hỏa. Trong những năm qua, Javelin không ngừng được cải tiến để nâng cao tầm bắn, độ chính xác và khả năng chống lại các biện pháp bảo vệ tiên tiến của xe tăng hiện đại.
Javelin được trang bị đầu đạn nổ mạnh chống tăng (HEAT), giúp nó có thể đánh bại xe tăng hiện đại bằng đòn tấn công đột nóc, nơi giáp mỏng nhất, và cũng hữu ích khi tấn công trực tiếp các công sự kiên cố.
* Máy bay chiến đấu F-22 Raptor được trang bị pháo sáng đối phó?
Cho đến thời điểm hiện tại, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ vẫn là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hàng đầu. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đang tìm cách nâng cao khả năng của chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor. Ảnh: US DoD |
Mới đây, Mỹ đã ký hợp đồng cố định trị giá 11,7 triệu USD với nhà thầu quốc phòng Armtec Countermeasures để mua pháo sáng đối phó (mồi bẫy) RR-196 trang bị cho Raptor.
Theo Defense and Security Monitor, pháo sáng là một biện pháp đối phó được ưa chuộng nhằm vô hiệu hóa radar của tên lửa dẫn đường (AShM) băng tần X từ 8,5 GHz đến 10,68 GHz. Mặc dù Armtec không nêu rõ điểm khác biệt giữa pháo sáng của họ với các đối thủ cạnh tranh, nhưng họ nhấn mạnh rằng sản phẩm của họ có thể đánh lừa radar hoặc tên lửa dẫn đường bằng radar. Pháo sáng của Armtec cung cấp phạm vi tần số rộng và khả năng phản xạ radar cao.
Cả Bộ Quốc phòng Mỹ và Armtec đều không nêu rõ số lượng cụ thể máy bay Raptor sẽ được trang bị pháo sáng RR-196, nhưng ngoài việc sử dụng cho máy bay chiến đấu, pháo sáng cũng sẽ được sử dụng cho mục đích huấn luyện.
* Tên lửa mới của Ấn Độ có thể chống lại tên lửa đạn đạo chống hạm
Theo Army Recognition, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang thúc đẩy năng lực phòng thủ của lực lượng hải quân bằng cách phát triển một tên lửa đất đối không tầm xa mới.
Hình ảnh mô phỏng tên lửa đất đối không tầm xa mới của Ấn Độ. Tên lửa này được cho là có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chống hạm di chuyển với tốc độ lên tới Mach 7. Ảnh: Army Recognition |
Tên lửa này, với tầm bắn hơn 250km, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) di chuyển với tốc độ lên tới Mach 7, cung cấp cho hải quân khả năng phòng thủ mạnh mẽ trước nhiều mối đe dọa trên không.
Tên lửa này được cho là một biến thể hải quân của tổ hợp phòng thủ tên lửa đất đối không tầm xa LRSAM đang được Ấn Độ phát triển như một phần của Dự án Kusha. Dự án này gồm 3 lớp tên lửa đất đối không tầm xa cho phép tấn công các mục tiêu của đối phương ở nhiều phạm vi từ 150km, 250-300km đến 400km, đảm bảo cả tốc độ và độ chính xác.
Việc phát triển tên lửa đất đối không tầm xa mới này sẽ bổ sung thêm một lớp phòng thủ vào mạng lưới phòng không của nước này. Khả năng kép của tên lửa, tương tự như SM-6 của Mỹ, cho phép nó đánh chặn cả máy bay và tên lửa đạn đạo, trở thành một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp toàn diện.
*Ukraine sắp triển khai xe bọc thép Pansarbandvagn 302 của Thụy Điển
Bộ Quốc phòng Ukraine vừa phê duyệt việc triển khai xe bọc thép chở quân Pansarbandvagn 302 (PBV 302) của Thụy Điển cho lực lượng vũ trang.
Xe bọc thép chở quân PBV 302 của Thụy Điển. Ảnh: Swedish Armed Forces |
Theo đó, Thụy Điển đã xác nhận cung cấp 239 xe bọc thép PBV 302 cho Ukraine, như một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 7,3 tỷ USD.
Phát triển bởi công ty Hagglund & Soner từ những năm của thập niên 1960, PBV 302 được đưa vào biên chế của Lực lượng vũ trang Thụy Điển vào năm 1966 và giữ vai trò là xe bọc thép chở quân chủ lực cho đến khi ngừng hoạt động vào năm 2014. Mặc dù bị đánh giá là lỗi thời theo tiêu chuẩn hiện đại, PBV 302 vẫn là một sự hỗ trợ quan trọng cho lực lượng Ukraine, nhằm giúp lực lượng này tăng cường năng lực quân sự bằng các nguồn lực hiện có.
PBV 302 được trang bị pháo tự động HS804 20mm gắn trong tháp pháo ở phía trước, có khả năng phòng thủ hiệu quả. Được trang bị động cơ Volvo-Penta Model THD 100B công suất 280 mã lực, xe có thể đạt tốc độ tối đa 66km/giờ trên đường trường và 7,5km/giờ trong các hoạt động đổ bộ.
Trong những năm qua, xe đã trải qua một số lần nâng cấp, với các mẫu như PBV 302A, PBV 302B được cải thiện khả năng sống sót và PBV 302C với hệ thống động cơ và hệ thống treo được cải tiến.
QUỲNH OANH (tổng hợp)