Apple sản xuất iPhone 16 Pro tại Ấn Độ giữa nghi vấn vi khuẩn E. coli
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 10:55, 21/08/2024
Theo Bloomberg, đối tác Foxconn của Apple sẽ bắt đầu lắp ráp iPhone 16 Pro và 16 Pro Max tại các cơ sở ở Ấn Độ trong vòng vài tuần sau khi ra mắt, đánh dấu lần đầu tiên dòng iPhone Pro của Apple được sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Foxconn đã bắt đầu đào tạo công nhân tại nhà máy ở bang Tamil Nadu - Ấn Độ trong thời điểm cần chạy đua sản xuất dòng 16 Pro và iPhone 16 Pro Max sớm nhất có thể. Apple sẽ xuất khẩu các lô hàng iPhone 16 Pro và Pro Max "made in India" sang châu Âu, Trung Đông và Mỹ.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã lắp ráp iPhone tại Ấn Độ trong 7 năm qua. Theo báo cáo đầu năm nay, Ấn Độ chiếm 14% tổng sản lượng iPhone toàn cầu và dự kiến tăng lên 25% vào đầu năm sau. "Táo khuyết" cũng được đồn đoán sẽ sản xuất iPhone 17 độc quyền tại đất nước tỉ dân này.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh một số bài viết lan truyền trên mạng xã hội nêu nghi vấn iPhone sản xuất ở Ấn Độ có lượng vi khuẩn E. coli vượt tiêu chuẩn cho phép ở thị trường châu Âu. Các bài viết giải thích lý do là bởi chất lượng giáo dục chưa cao và vệ sinh kém. Do đó, Apple đang phải đối mặt với tổn thất và quyết định chuyển hướng sản xuất về lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, tờ The Paper (Thượng Hải, Trung Quốc) và trang Sina xác định ra đây là thông tin giả mạo.
Thực tế, các phương tiện truyền thông chính thống nước ngoài không có tin tức nào liên quan vi khuẩn E. coli trên iPhone sản xuất ở Ấn Độ. Ngay cả tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội như X (trước đây là Twitter), Facebook, TikTok... cũng không thấy thông tin gốc.
Trang Sina dẫn lời một người đang tham gia phát triển phần cứng, cho rằng trong quy trình sản xuất, chế tạo sản phẩm điện tử, để bảo đảm chất lượng và năng suất, các yêu cầu về môi trường và chất lượng không khí trong nhà máy vô cùng khắt khe. Các công ty sản xuất hàng đầu càng phải kiểm soát môi trường không khí nhà xưởng và chất lượng sản phẩm chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, công nhân đều phải mặc quần áo chống tĩnh điện, đội mũ, mang giày và đeo khẩu trang mọi lúc.
Đây không phải là lần đầu nghi vấn này lan truyền trên mạng và gây xôn xao dư luận Trung Quốc.
Tháng 9-2023, cư dân mạng Trung Quốc cũng bàn tán về nghi vấn tương tự, nhưng chỉ 2 ngày sau đó, thông tin được xác định là sai sự thật.
Đáng chú ý, thông tin nói trên lan tràn trên mạng giữa lúc Apple có chiến lược giảm sự phụ thuộc vào sản xuất các sản phẩm của mình tại Trung Quốc.