Thị trường trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc
Kinh doanh - Ngày đăng : 08:54, 20/08/2024
Ngân hàng, bất động sản hút mạnh dòng tiền
Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm có 183 đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công, tổng giá trị huy động 174.000 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ năm trước. Ở lĩnh vực phát hành TPDN, các tổ chức tín dụng đã thu hút mạnh dòng tiền. Trong đó, ngân hàng là ngành có tỷ trọng giá trị phát hành TPDN nhiều nhất trong 7 tháng đầu năm nay với tổng giá trị 136.500 tỷ đồng, chiếm 68,2% tổng giá trị phát hành toàn thị trường. Lãi suất TPDN do các ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành với kỳ hạn 5-10 năm cũng đạt mức 6%-7%/năm, thậm chí trái phiếu của BVBank kỳ hạn 6 năm có lãi suất tới 7,9%/năm.
Đánh giá về TPDN lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia FiinGroup cho rằng “rủi ro thấp, được thị trường đánh giá cao”. Nguyên nhân là do phần lớn các NHTM có kế hoạch tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%-15% trong năm nay, hoặc đáp ứng các quy định về an toàn vốn. Ngân hàng là tổ chức kinh doanh tiền, dù mục đích phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ hiện hữu nhằm tối ưu cơ cấu vốn, hay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tái cấu trúc nợ hoặc cho vay mới, thì chất lượng khoản vay vẫn được kiểm soát tốt. Ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Bộ phận dữ liệu tài chính FiinGroup, dự báo, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, với khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024.
Trong khi đó, nhóm ngành bất động sản (BĐS) có giá trị phát hành cao thứ hai trên toàn thị trường từ đầu năm, đạt 32.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng giá trị phát hành. Lãi suất TPDN của lĩnh vực BĐS cũng cao nhất thị trường, trung bình ở mức 12%/năm với kỳ hạn bình quân 2,7 năm. Riêng Tập đoàn Vingroup phát hành TPDN trị giá 10.000 tỷ đồng với lãi suất 12,5%-15%/năm. Mức lãi suất này cao gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 12 tháng. Nhận định lãi suất TPDN của BĐS cao ngất ngưởng, đại diện Công ty Chứng khoán MBS cho biết, do không thể tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng nên các doanh nghiệp BĐS chấp nhận huy động TPDN với lãi suất cao nhằm thu hút vốn dù đầu ra vẫn còn nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, khả năng trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS vẫn yếu vì kết quả kinh doanh không tích cực và dòng tiền yếu. Theo thống kê của các công ty chứng khoán, hiện tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 209,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ TPDN của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành BĐS chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 68% giá trị chậm trả.
Xếp hạng tín nhiệm sẽ minh bạch thị trường
Nhằm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng, cần phải tăng cường xếp hạng tín nhiệm. Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho biết, trong 168.000 tỷ đồng TPDN riêng lẻ phát hành ra công chúng, các TPDN đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7% giá trị. Trong bối cảnh tỷ lệnhàđầutưcánhânởmứccao, nhà đầu tư tổ chức chưa đa dạng, việc chỉ có 7% TPDN được xếp hạng tín nhiệm trên thị trường sẽ gây ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings nhận xét, mặc dù Việt Nam đã và đang dần hình thành văn hóa xếp hạng tín nhiệm nhưng đây vẫn là khái niệm mới và chưa được đánh giá đúng mức. Trong khi đó, ngành xếp hạng tín nhiệm trên thế giới đã có hơn 100 năm. Doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn huy động nguồn vốn từ kênh quốc tế bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm. Kiểm toán là quá khứ, xếp hạng tín nhiệm là tương lai. Hiện có nhiều quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ quan tâm đến thị trường TPDN Việt Nam nhưng không thể rót vốn do yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm. Do đó, muốn thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức thì hạ tầng cứng như chính sách, khung pháp lý, minh bạch là quan trọng nhưng hạ tầng mềm như giao dịch trên sàn niêm yết, xếp hạng tín nhiệm phải theo thông lệ quốc tế.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, sau thời kỳ trầm lắng, với nỗ lực chỉ đạo từ Chính phủ, bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, thị trường TPDN đã đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường TPDN chặt chẽ theo hướng bền vững và tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế huy động vốn là một bài toán khó. Ngoài cơ quan quản lý, các chủ thể tham gia vào thị trường TPDN như đơn vị phát hành, đơn vị cung cấp dịch vụ, tư vấn và nhà đầu tư... đều cần được nâng cao tính chuyên nghiệp.
Nhằm tăng tính chuyên nghiệp của thị trường TPDN, bên cạnh hoàn thiện khung pháp luật liên quan, cơ quan quản lý sẽ triển khai một số nội dung gồm: tăng cường xếp hạng tín nhiệm trong các nghiệp vụ phát hành; tăng cường sự hiện diện của đơn vị tư vấn trong quá trình lập hồ sơ, đánh giá hồ sơ; tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của chủ thể tham gia như đơn vị tư vấn, xếp hạng tín nhiệm.
“Thực tế cho thấy, trong câu chuyện sai phạm trong phát hành TPDN xảy ra vừa qua đều rơi vào nhóm nhà đầu tư có cơ hội đánh giá rủi ro hạn chế. Do vậy, cơ quan quản lý đang nghiên cứu việc quy định đối tượng phát hành TPDN riêng lẻ sẽ hướng tới nhà đầu tư tổ chức để tăng cường tính chuyên nghiệp, tăng khả năng đánh giá rủi ro”, ông Hoàng Văn Thu thông tin.