Nhớ về Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân
Nhịp sống - Ngày đăng : 20:28, 19/08/2024
Còn nhớ bài báo đầu tiên tôi viết về giáo sư Võ Tòng Xuân là bài "Thao thức giữa đồng bằng" từ năm 1986. Hồi đó, "anh Ba Xuân", như bà con nông dân miền Tây thường gọi, là người trí thức đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được phong Anh hùng Lao động sau ngày hòa bình 1975.
Lúc đó "anh Ba Xuân" đã nổi tiếng với việc cùng hàng nghìn thầy trò Đại học Cần Thơ đóng cửa trường hai tháng đi giúp nông dân ĐBSCL nhân giống lúa IR-36 dập tắt dịch rầy nâu, cứu bà con thoát nạn đói, mở đầu cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa.
Ngược thời gian, 28 ngày trước khi miền Nam được giải phóng, người con quê đất An Giang ấy, ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ nông học tại Nhật, đã quyết định quay về Việt Nam.
Anh Ba Xuân kể: "Từ một gia đình nghèo, lúc nhỏ tự đi làm để phụ cha mẹ nuôi các em và có tiền đi học đến lúc thành tài; đã từng trải qua một thời bán báo dạo dọc các bến xe đò, đêm đêm đến nhà dạy kèm cho học sinh luyện thi, cho đến quãng đời làm giám đốc kỹ thuật cho một công ty thuốc trừ sâu… tôi đã thấm thía như thế nào giá trị của hai chữ lao động".
Rồi anh nói thêm: "Sự sung túc của dân lao động các nước nghèo tài nguyên thiên nhiên mà tôi đã đi qua làm tôi nghĩ đến dân mình - những người chủ nghèo sống trên tài nguyên giàu có. Từ đó tôi đã tự xác định mục đích sống cho đời mình: phải đem hết tri thức của mình đóng góp cho đất nước, làm sao cho dân mình mau trở nên những người chủ giàu như dân các nước tiên tiến. Cách cơ bản nhất theo tôi là đào tạo con người có tri thức và lý tưởng để cùng tham gia phát triển đất nước".
Thế là những năm 1975-1977, anh và những đồng nghiệp say mê khoa học đã lặn lội qua hàng ngàn hecta ruộng lúa cháy rụi vì giặc rầy nâu, băng qua những cánh rừng tràm xơ xác vì thuốc khai hoang của Mỹ, những đồng cỏ năng dày mịt hoang vắng mênh mông.
Bà con nông dân miền Tây thấy các anh khi thì lội bì bõm, khi thì lắc lư trên xuồng nhỏ hoặc ngồi nghêu ngao trên những mui tàu đò; lúc đi xe đạp, lúc chạy Honda hay đeo cửa một chuyến xe đò cuối cùng nào đó trên các nẻo đường ĐBSCL. Anh Ba Xuân tâm sự: "Càng ngày mình càng dày dạn trong nghề hơn, càng tìm ra thêm được những kiến thức mới mà sách vở nước ngoài chưa có. Dần dà mình đã xác định được những trở ngại khoa học kỹ thuật làm chậm trễ sự phát triển nông nghiệp của ĐBSCL".
Mười năm tiếp theo, Giáo sư Võ Tòng Xuân không chỉ đứng trên bục giảng hay trong phòng nghiên cứu khoa học của Đại học Cần Thơ ở cương vị phó hiệu trưởng, mà còn tham gia nhiều tổ chức quốc tế, nhằm phục vụ ĐBSCL với phương châm: đào tạo kết hợp nghiên cứu khoa học, đưa tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất, phát triển nông thôn.
Đó là thành công trong đào tạo kỹ sư trồng trọt và kỹ thuật viên nông nghiệp; trong lai chọn được những giống lúa kháng rầy nâu năng suất cao và kỹ thuật sử dụng đất phèn hợp lý; trong cách phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật thích hợp cho từng đối tượng, cả với người lãnh đạo và bà con nông dân ở ĐBSCL.
Có một dạo, Giáo sư Xuân đã lội khắp các vùng nhiễm mặn, ngập phèn trên những "nông trường lúa thể nghiệm tiến công vào đất hoang" của Nhà nước và Quân khu 9 ở Giồng Găng, Chọc Xây, Vàm Rầy, U Minh, An Biên… Và rồi, sau hai năm nghiên cứu tâm huyết, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII, đại biểu Võ Tòng Xuân đã kiến nghị nên ngừng lãng phí hàng trăm triệu đồng ở những nơi còn lâu mới trồng được lúa, để thay cho cây trồng khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý, và cây tràm đã được sạ đại trà, trở về đúng chỗ của nó, đem lại nguồn lợi gấp nhiều lần trồng lúa. "Không có đất xấu, chỉ có con người xấu vì không hiểu đất", ông chia sẻ với chúng tôi như vậy vào một ngày cuối năm 1985 và ký tặng một tấm ảnh trắng đen nổi tiếng thời ấy của đồng nghiệp David Carling chụp cảnh ông và Đại úy Phạm Ngọc Trọng, Phó Giám đốc Nông trường Giồng Găng, đang giơ cao cây tràm giữa cánh đồng tràm mới sạ.
Đó là thời gian mà theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, ông rất vui vì đã góp sức làm cho bà con nông dân ở ĐBSCL hiểu được khoa học kỹ thuật nông nghiệp về cây lúa và đất phèn. Nhưng ông vẫn trăn trở: "Cây lúa ĐBSCL còn bộn bề công việc vây quanh nó. Lúa mùa, đất ngập mặn, nhiễm phèn, sâu rầy; rồi trình độ dân trí… Làm sao để tạo ra được giống lúa thích hợp với kỹ thuật tương ứng? Tôi thao thức nhiều về những vùng đất hoang lớn nơi đồng bằng này, mà nông dân thì họ bỏ đi, bu bám sống ven lộ với tỉ lệ sinh đẻ quá cao, cứ như phó mặc cho một số phận vô hình nào đó?".
Những trăn trở của GS Võ Tòng Xuân cũng được ông gửi gắm trong nhiều bài báo sau này được chọn in trong tập sách "Để nông dân giàu lên" (Nhà xuất bản Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn). Qua từng bài báo, dù chủ đề, thể loại khác nhau, xuyên suốt tập sách, cho thấy đó là những tâm huyết muốn góp phần làm cho ĐBSCL nói riêng và nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam nói chúng, mau thoát khỏi đói nghèo, biết làm giàu và hội nhập bình đẳng với thế giới.
Giờ đọc lại mỗi bài này, càng thấy nhiều phân tích, dự báo, đề xuất của ông có tầm nhìn xa và thiết thực cho đất nước. Có những chuyện, thí dụ như cho tư nhân xuất khẩu gạo, Giáo sư Xuân đã đề cập từ những năm 1990, khi mà nhiều người còn cho rằng làm như vậy là không bảo đảm an ninh lương thực.
Hoặc như trong bài "Phải học thôi!" viết hồi tháng 2/2005, Giáo sư Xuân mở đầu: "Trong một thế giới đầy cạnh tranh, việc nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp đã trở thành quốc sách của nhiều nước châu Á". Rồi ông kết luận: "Giám đốc doanh nghiệp được bồi dưỡng đúng chương trình có chất lượng cao càng sớm thì Việt Nam càng có nhiều điều kiện để thắng lợi trên thương trường".
Trong bài "Cần sự phát triển cho toàn vùng" (tháng 12/2004), ông nhận xét rằng lúa, cá, tôm, trái cây của ĐBSCL gia tăng sản lượng và xuất khẩu nhưng lợi tức của nhà nông vẫn không tăng tương ứng, nghèo vẫn nghèo. Rồi nhấn mạnh: "Lý do chính: mạnh tỉnh nào làm theo tỉnh ấy; trong tỉnh, mạnh huyện nào lo cho huyện nấy; trong huyện, mạnh người nông dân nào tự lo cho người nông dân ấy. Kết quả là trăm hoa đua nở: thủy lợi tỉnh này làm thì tỉnh kia ngăn lại; đồng ruộng lúc nào cũng có hàng chục giống lúa được trồng; vườn tược nào cũng có đủ thứ giống dỏm… Thế thì làm sao doanh nghiệp thu gom được một vài giống chất lượng tốt nhất với khối lượng lớn cùng một thời điểm mà khách hàng cần?".
Tối 20/12/2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân và người đồng nghiệp của ông ở Viện Lúa Quốc tế IRRI ngày nào, Giáo sư Gurdev Singh Khush, đã được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học Việt Nam được trao giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế với sứ mệnh phụng sự nhân loại.
Chia sẻ về giải thưởng này tại buổi gặp mặt các nhà khoa học và tổng kết ngành khoa học năm 2023 của thành phố Cần Thơ, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết mục tiêu cuối cùng của ông là làm sao cho bà con trồng lúa có lợi tức khá hơn. Ông nói tiếp: "Thời đó, tôi không có nhiều bài báo đăng quốc tế như người ta nhưng tôi có những kết quả ngay trên đồng ruộng, nhờ đó mà nông dân sản xuất theo hướng dẫn kỹ thuật, theo kêu gọi của chính quyền địa phương, tránh được thiếu đói và đóng góp vào việc Việt Nam trở thành quốc gia đứng hàng thứ ba đầu thế giới về xuất khẩu gạo".
Sáng 19/8, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã ra đi ở tuổi 85. Tháng rồi, khi đang làm thủ tục lên máy bay qua Singapore, thầy có nói qua điện thoại là đi để điều trị K phổi. Giờ thì thầy đã về lại với quê nhà Ba Chúc, An Giang.