Lời hứa của cha mẹ thay đổi con cái thế nào?
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 07:22, 19/08/2024
Hôm rồi, trên chương trình "Góc nhìn văn hóa" của VTV1, tôi có chia sẻ về giá trị từ những lời hứa của cha mẹ. Nhiều cha mẹ vẫn quen thói "trẻ con thì biết cái gì" hay "trẻ con mau quên" mà hứa rồi quên luôn.
Đúng! Nhiều đứa trẻ quả thực quên rằng cha mẹ đã hứa với chúng điều gì. Cũng phải bao biện cho cha mẹ một chút vì quỹ thời gian của cha mẹ vốn không rộng dài như lũ trẻ.
Công việc mưu sinh bận rộn rồi trăm lời hứa khác với sếp, với đồng nghiệp, bạn bè, không thể thất hứa được nên lời hứa với con sẽ không được xếp ưu tiên trong trí nhớ của cha mẹ. Chỉ là nếu cha mẹ giữ được lời hứa với con mình thì sẽ thay đổi con cái rất nhiều.
Đầu tiên là lòng tin của con vào cha mẹ. Tiếp đến là con sẽ nhận thức đúng đắn về lời hứa. Đã hứa là phải làm. Điều thứ ba là con sẽ học cách chính trực trong cuộc sống. Chính trực không phải là thứ sẵn có trong mỗi con người, nó cần được giáo dục và rèn luyện mỗi ngày, qua chính môi trường sống của trẻ.
Một đứa trẻ nói dối, vòng vo, đối phó với cha mẹ vốn là bởi con sợ nếu nói thật, cha mẹ sẽ đánh mắng con, có nói thật thì cha mẹ cũng không tin. Và quan trọng hơn cả, trẻ học sự dối trá từ chính việc cha mẹ hứa mà không làm, nói một đằng, làm một nẻo.
Và một thứ quan trọng hơn cả mà tôi thấy nhiều cha mẹ chưa nhận ra. Đó là việc chúng ta giữ lời hứa với con trẻ cũng chính là bài học dạy con về TRÁCH NHIỆM. Là khi con nói ra điều gì đó, con phải có trách nhiệm với lời nói đó của mình.
Ảnh minh họa
Những đứa trẻ sống có trách nhiệm luôn phải được bắt đầu từ việc cha mẹ có trách nhiệm với mỗi lời nói ra của mình trước mặt con trẻ. Cha mẹ nói là làm, cha mẹ hứa là sẽ thực hiện, cha mẹ không nói suông.
Cha mẹ không phải là những người tùy tiện nói theo cảm xúc tức thời, vui thì xin gì cũng cho, đang bực thì sai sót nhỏ cũng thành lỗi lầm lặp lại. Vẫn biết là cha mẹ thật khó để rành rẽ cảm xúc của bản thân, đang tức chồng thì làm sao thay đổi 180 độ, vui vẻ với con được?
Đang bù đầu với "deadline" của công ty thì làm sao nhẹ nhàng nhắc nhở khi con làm đổ bát cơm cho được? Nên nhiều khi "giận cá chém thớt" là vậy.
Nhưng con trẻ bao dung hơn chúng ta nghĩ, các con sẵn sàng tha thứ cho cha mẹ nếu như cha mẹ sau đó biết xin lỗi, biết nhận sai. Tôi tin là vậy vì tôi đã trò chuyện với hàng ngàn đứa trẻ, kể cả khi làm anh Chánh Văn hay hàng trăm cuộc trò chuyện tại các trường học.
Con trẻ không giận cha mẹ lâu, không thù dai đâu, nếu cha mẹ biết nói lời xin lỗi với con. Và đừng lặp lại điều đó liên tục vì lời xin lỗi vốn có hạn dùng. Kiểm soát cảm xúc và lời nói của mình với con cũng là một cách dạy con trưởng thành ít đau đớn hơn, các cha mẹ ạ!
Theo GĐXH