Điểm tin Kinh doanh 19/8: Giá vàng: Vàng miếng SJC tăng 1,5 triệu đồng trong tuần
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 19/08/2024
- Giá vàng: Vàng miếng SJC tăng 1,5 triệu đồng trong tuần
Tại thị trường trong nước, tuần trước, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều được điều chỉnh tăng mạnh. Hôm ngày cuối tuần 19/8, vàng miếng bán ra đã đạt 80 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn bán ra đạt mức cao nhất kể từ đầu năm tới giờ là 78,4 triệu đồng/lượng.
Hôm 19/8, giá vàng miếng SJC tiếp tục được mua vào 78 triệu đồng/lượng và bán ra 80 triệu đồng. Dù liên tục đứng yên trong nhiều ngày nhưng so với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 1,5 triệu đồng. Một số công ty kinh doanh vàng bạc như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý trong ngày cuối tuần tăng giá mua vàng miếng 200.000 - 300.000 đồng, lên mức 80,2 - 80,3 triệu đồng/lượng nhưng giá bán ra vẫn bằng SJC ở mức 80 triệu đồng.
Tương tự, vàng nhẫn cũng tăng cao trong tuần. Cụ thể, Công ty SJC mua vàng nhẫn 4 số 9 ở mức 77 triệu đồng và bán ra 78,4 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 77,08 triệu đồng và bán ra 78,38 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vàng nhẫn với giá 77 triệu đồng và bán ra 78,4 triệu đồng…
Giá vàng thế giới phiên cuối tuần bất ngờ tăng vọt lên mức kỷ lục mới là 2.508,7 USD/ounce, tăng 77 USD so với cuối tuần trước đó. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới tương đương 76,3 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Mức giá này đã tăng hơn 2 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Vàng miếng SJC tăng ít hơn nên chỉ còn đắt hơn thế giới 3,7 triệu đồng thay vì cao hơn 4,5 triệu đồng của cuối tuần trước.
Một số nhà phân tích cho rằng, giá vàng thế giới tăng lên mức đỉnh lịch sử nhờ đồng USD suy yếu trong bối cảnh triển vọng về một đợt hạ lãi suất vào tháng 9 từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
- Dòng tiền ào ào đổ vào bất động sản
Ngoài tín dụng, thị trường bất động sản đón dòng vốn từ trái phiếu và vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, thị trường được dự báo sớm khởi sắc trở lại.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến 31/5, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra, nguồn vốn cho bất động sản được bổ sung bởi trái phiếu. Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 102 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Nhóm ngành bất động sản vẫn chiếm ưu thế trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu.
Trong quý II vừa qua, số liệu báo cáo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu về thị trường trái phiếu cho thấy trái phiếu bất động sản đã có xu hướng phát hành tăng trở lại, doanh nghiệp giảm bớt áp lực nợ đáo hạn so với quý trước.
Ghi nhận trong tháng 6 năm nay, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 62 lô trái phiếu, mang về 68.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm ngành xây dựng/bất động sản huy động khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm 12%.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,89 tỷ USD, chiếm 19,9%; nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,99 tỷ USD, chiếm 14,8%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, chiếm 9,3%.
- Cổ phiếu rời sàn, nhà đầu tư cần làm gì để tránh nguy cơ mất vốn?
Để tránh thất thoát vốn khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, cơ quan quản lý khuyến cáo nhà đầu tư cần nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu, trang bị kiến thức, hiểu biết về thị trường, nền tảng tài chính, uy tín và triển vọng của doanh nghiệp niêm yết.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu, xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp, những người điều hành, đánh giá uy tín và khả năng quản trị công ty của doanh nghiệp;
"Nhà đầu tư cũng chú ý liên tục cập nhật thông tin về cổ phiếu, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, từ đó có thể nhanh chóng nắm bắt, đánh giá chất lượng cổ phiếu và ra quyết định đầu tư chính xác hơn", Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo.
Thời gian gần đây, nhiều cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, trong đó nhiều các mã từng "nổi tiếng" như HBC của Xây dựng Hòa Bình, hay HNG của Hoàng Anh Gia Lai Agrico. Các công ty này đều lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Nhiều mã cổ phiếu "họ" FLC vướng nhiều lùm xùm liên quan đến "thao túng giá", bị hủy giao dịch.
- Lãi suất tiết kiệm chuyển động trái chiều tại nhiều ngân hàng
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang ghi nhận nhiều biến động trái chiều.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) mới đây đã điều chỉnh lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Tại kỳ hạn 4 - 5 tháng, lãi suất tiền gửi được nâng thêm 0,2%/năm, lên mức 3,9 - 4%/năm; kỳ hạn 7 - 10 tháng tăng lên 5%/năm, cao hơn 0,3% so với trước. Các kỳ hạn 10 và 11 tháng lần lượt tăng 0,4% và 0,3%/năm, đưa lãi suất lên 5,1%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của VietBank cũng tăng thêm 0,3%/năm, đạt 5,6%/năm và kỳ hạn 15 tháng tăng nhẹ 0,1%/năm, lên 5,7%/năm.
Cùng xu hướng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm với một số thay đổi. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 1 - 2 tháng theo đó được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm, lên mức 3,15%/năm, phản ánh nhu cầu thu hút dòng vốn ngắn hạn từ khách hàng của Techcombank.
Đối với các kỳ hạn dài hơn, Techcombank vẫn giữ nguyên mức lãi suất tiết kiệm hiện hành, cao nhất lên tới 5,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm Phát lộc online.
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng tham gia vào cuộc điều chỉnh lãi suất này như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)...
Trong số này, Sacombank có tới 2 lần tăng lãi suất ngay trong đầu tháng 8 với mức tăng lần lượt là 0,3 và 0,4%/năm cho mỗi đợt. Lãi suất huy động cao nhất của Sacombank hiện áp dụng ở kỳ hạn 24 - 36 tháng là 5,7%/năm.
Các ngân hàng còn lại có bước tăng phổ biến từ 0,2 - 0,4%/năm tùy từng kỳ hạn.
Đáng chú ý, trong xu hướng tăng này còn ghi nhận sự tham gia của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Lãi suất tiền gửi tại Agribank kỳ hạn 1 - 2 tháng được nâng thêm 0,1%/năm, lên 1,7%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng nhẹ lên 2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên của Agribank cũng được nâng lên 4,8%/năm từ mức 4,7%/năm trước đó.
Trong khi nhiều ngân hàng lựa chọn tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lại đi theo hướng ngược lại khi công bố biểu lãi suất mới với mức giảm tại một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng của OCB giảm từ 5,8%/năm xuống còn 5,6%/năm, trong khi kỳ hạn 36 tháng cũng được điều chỉnh giảm tương tự xuống 5,8%/năm.
Ngoài OCB, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng đã có những điều chỉnh giảm lãi suất. SeABank giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 9 tháng giảm còn 3,95%/năm và kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 4,5%/năm. ABBANK cũng thực hiện giảm lãi suất đầu vào từ 0,2 - 0,3%/năm tại hầu hết các kỳ hạn tiền gửi online, với mức lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 4%/năm và kỳ hạn 6 tháng giảm xuống 5,3%/năm.
- HOSE và HNX bổ sung thêm gần 10 mã chứng khoán bị cắt margin
Tính đến ngày 16/8, danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HOSE gồm 84 cổ phiếu và trên HNX gồm 76 cổ phiếu...
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa bổ sung thêm 5 mã cổ phiếu vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin).
Cụ thể, các cổ phiếu VLA của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang, cổ phiếu VIT của Công ty Cổ phần Viglacera Tiên Sơn, cổ phiếu KSD của Công ty Cổ phần Đầu tư DNA, cổ phiếu VTV của Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường VICEM bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2024 trong báo cáo tài chính bán niên được soát xét là số âm.
Trong khi đó, cổ phiếu L40 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 40 bị cắt margin do nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc vi phạm pháp luật thuế.
Như vậy, danh sách cắt margin của HNX tính đến ngày 16/8 bao gồm 76 cổ phiếu. Trong đó, vẫn xuất hiện nhiều cái tên quen thuộc như: AAV của Công ty Cổ phần AAV Group, BCC của Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, C69 của Công ty Cổ phần Xây dựng 1369, HTP của Công ty Cổ phần CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát, NVB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Dân (NCB)...
Tương tự, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây cũng bổ sung thêm 4 mã cổ phiếu gồm: cổ phiếu D2D của Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp Đô thị số 2, cổ phiếu GEE của Công ty Cổ phần Điện lực Gelex, cổ phiếu SMA của Công ty Cổ phần Thiết bị Phụ Tùng Sài Gòn, cổ phiếu SPM của Công ty Cổ phần SPM và 1 quỹ ETF FUEABVND vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Theo đó, cổ phiếu GEE và quỹ FUEABVND bị cắt margin do thời gian niêm yết dưới 6 tháng. Còn các cổ phiếu SMA, SPM, D2D bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 là số âm.