'Na bay’ đi cáp treo, mang về 800 tỷ cho chủ vườn
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:08, 16/08/2024
Tháng 8, người dân Chi Lăng (Lạng Sơn) tất bật vào mùa thu hoạch na. Na ở đây đặc biệt ở chỗ thay vì trồng ở đất thịt phì nhiêu, người dân lại ươm trồng loại cây này trên núi đá. Thay vì phải leo trèo nguy hiểm để vận chuyển, nông dân đã làm hệ thống cáp treo dành riêng cho những quả na chín xuống núi, rồi theo thương lái đến tay người tiêu dùng.
Dân Chi Lăng gọi loại quả này là "na bay".
Hơn 10 ngày nay, gia đình ông Nguyễn Văn Long (49 tuổi, trú khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) tất bật từ sáng sớm để lên núi hái na bán cho thương lái đang chờ trước cổng. Nhà ông Long có 600 cây na, mỗi ngày, vợ chồng ông cùng con trai tự thu hoạch được gần 3 tạ quả.
Ông Long cùng vợ đảm nhiệm việc thu hái, còn cậu con trai đứng dưới chân đón những giỏ na nặng trĩu được thả xuống qua hệ thống cáp treo.
"Ngày trước, chúng tôi phải gánh na từ trên núi xuống, vừa mệt vừa tốn thời gian, nay có hệ thống cáp treo cũng đỡ được sức người, bán được nhiều na hơn", ông Long cho biết.
Còn theo ông Vi Văn Thọ (54 tuổi, trú khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng), năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây sai quả hơn. Tuy nhiên, người trồng vẫn tốn công vì vụ mùa năm nay xuất hiện nhiều nhện đỏ, nếu không để ý chăm sóc thì cây sẽ bị chết lá, không ra được quả.
"Nhà tôi có 900 cây na, thu nhập dự tính khoảng 200 triệu/vụ. Giá bán na năm nay được và ổn định hơn năm ngoái, thương lái tới tận vườn để mua", ông Thọ cho hay.
Hiện tại, cả huyện Chi Lăng như một khu chợ lớn buôn bán na. Thương lái cùng xe tải đổ về thu mua na rồi đem đi bán khắp nơi trên cả nước.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Vi Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng - cho biết, từ đầu năm, Phòng NN-PTNN huyện đã tham mưu cho UBND huyện Chi Lăng phát động phong trào sản xuất na an toàn, trồng na chất lượng cao.
Đồng thời, tiếp tục duy trì chương trình quảng bá xúc tiến tiêu thụ tại Hà Nội thông qua Tuần lễ na và các sản phẩm đặc sản. Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, nhiều hộ gia đình đã tạo được các cửa hàng số trên các trang mạng và sàn thương mại điện tử để quảng bá, bán sản phẩm.
"Năm nay, sản lượng na của huyện Chi Lăng dao động từ 20 nghìn tấn. Với giá bán trung bình từ 35.000-40.000 đồng/kg, dự kiến vụ na này bà con thu về gần 800 tỷ đồng", ông Tuấn chia sẻ.