Truy vết tiền lừa đảo trực tuyến được không?
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:51, 14/08/2024
Tiền lừa đảo đều chuyển qua tài khoản
"Alo, mời anh vào nhóm Telegram để được tư vấn kỹ hơn về dịch vụ bên em nhé", một người tự xưng là Phương Trinh, nhân viên của công ty đầu tư chứng khoán chào mời chúng tôi vào hội nhóm trên ứng dụng Telegram để cùng trao đổi. Đây là một trong những bước đầu tiên để dẫn dụ nạn nhân, những "con mồi" không tỉnh táo sẽ sụp bẫy lừa đảo. Những hội, nhóm này có đến hàng trăm người. Có người vạch mặt lừa đảo ngay khi bị dẫn dụ vào nhưng chỉ cần một vài trường hợp "đu theo" là quá đủ cho những kẻ lừa đảo giăng bẫy, thao túng và hút cạn túi con mồi. Có nhiều người đã mất tiền tỉ, thậm chí hàng chục tỉ là vì vậy.
Vì sao ứng dụng Telegram được các đối tượng lựa chọn để khai thác? Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ với tên gọi Hiếu PC, hiện đang quản trị dự án chongluadao.vn, giải thích: "Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng Telegram để trao đổi vì ứng dụng này cung cấp tính năng mã hóa đầu cuối cho các cuộc trò chuyện bí mật, giúp bảo vệ nội dung trò chuyện khỏi việc bị theo dõi hoặc đánh cắp.
Người dùng Telegram có thể tạo tài khoản chỉ với một số điện thoại, không cần cung cấp nhiều thông tin cá nhân. Điều này giúp các đối tượng lừa đảo dễ dàng ẩn danh. Hoặc chúng có thể dùng tiền ảo TON của Telegram để mua số ảo dùng để đăng ký tài khoản. Ứng dụng này cũng cho phép người dùng thiết lập thời gian tự hủy tin nhắn sau một khoảng thời gian nhất định, giúp xóa dấu vết các cuộc trò chuyện nhạy cảm. Telegram còn cho phép chia sẻ các tệp tin lớn, giúp các đối tượng lừa đảo dễ dàng trao đổi thông tin, tài liệu hoặc phần mềm độc hại. Các đối tượng lừa đảo cũng tận dụng công cụ hỗ trợ việc tạo ra chatbot, giúp thực hiện các hoạt động tự động, như gửi tin nhắn spam hoặc thực hiện các lệnh tự động".
Trên thực tế, cơ quan công an đã truy bắt được hàng loạt ổ nhóm, băng nhóm lừa đảo bằng hình thức mạo danh cán bộ để hù dọa, lừa đảo tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền thiệt hại trong các vụ lừa đảo trên mạng gặp khá nhiều khó khăn. Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng (NH) trên địa bàn diễn ra rất phức tạp và mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Các đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng, bao gồm người VN và người nước ngoài hoạt động trong nước và xuyên quốc gia với công nghệ cao. Trong đó, điển hình là vụ lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 171 tỉ đồng ở H.Nhơn Trạch. Các đối tượng phạm tội hoạt động có tổ chức, hoạt động ở nước ngoài, tiền chiếm đoạt được chuyển qua nhiều tài khoản NH, gây khó khăn cho công tác điều tra".
Không chỉ dùng hình thức dụ dỗ đầu tư, giả mạo cán bộ an ninh để hù dọa hòng chiếm đoạt tài sản, thời gian vừa qua không ít trường hợp nạn nhân bị lừa đảo đến 2 lần vì tâm lý hoảng sợ, lo lắng, tiếc tiền dẫn đến bị các đối tượng thao túng tâm lý, tiếp tục lừa đảo với lời hứa hẹn sẽ lấy lại được tài khoản đang bị "treo", tài sản bị chiếm đoạt và rơi vào bẫy lần hai.
Truy vết được không?
Dù ứng dụng giúp ẩn danh, tự hủy tin nhắn sau một thời gian nhất định; kẻ lừa đảo biến mất nhưng điểm chung của tất cả những vụ lừa đảo qua mạng đều sẽ chỉ định nạn nhân chuyển tiền thông qua tài khoản cá nhân ở nhiều NH khác nhau. Vậy có thể truy vết được hay không là câu hỏi mà nhiều người rất quan tâm.
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, các tổ chức tội phạm đã chuẩn bị sẵn những tài khoản cùng tên với nạn nhân, đã lập trình sẵn để tiền vừa chiếm đoạt sẽ ngay lập tức được chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau, thậm chí đổi sang tiền ảo (USDT) nhằm che giấu dấu vết phạm tội. Hơn nữa, việc truy vết các đối tượng lừa đảo gặp rất nhiều khó khăn khi 100% đều sử dụng SIM rác, hoặc sử dụng phần mềm để giả lập bất cứ số điện thoại nào mà chúng muốn. Bằng việc giả lập này, cuộc gọi tưởng là thực hiện qua mạng viễn thông, nhưng thực tế lại là cuộc gọi thông qua internet bằng các ứng dụng điện tử. Thậm chí, đối tượng còn có thể giả giọng nói để xóa dấu vết.
Đồng thời, tài khoản nhận tiền cũng là ảo, không chính chủ. Rất nhiều đối tượng lừa đảo trực tuyến không chỉ tập trung ở VN mà còn xuất hiện ở nước ngoài khiến việc theo dõi, truy bắt rất khó khăn. Sở dĩ tài khoản NH ảo tồn tại bởi kẻ xấu có thể thu mua tài khoản từ sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp. Dù cơ quan điều tra có truy vết ra những người đứng tên tài khoản thì họ cũng không biết về chuyện bị lợi dụng để lừa đảo. Do đó, nếu truy đến cùng thì người đứng tên tài khoản NH cũng hoàn toàn không biết gì, thậm chí cũng không rõ đã bán tài khoản cho ai, ở đâu. Đặc biệt, việc phong tỏa tài khoản cũng mất rất nhiều thời gian khiến đối tượng hoàn toàn có thể nhanh chóng tẩu tán số tiền lừa đảo được. Vì vậy, nạn nhân sau khi bị lừa rất khó để lấy lại được số tiền đã mất.
Ngoài ra, số lượng người dùng bị đánh cắp thông tin cá nhân để tạo tài khoản NH không chính chủ thời gian qua cũng khá nhiều. Kẻ xấu còn có thể bày ra các kịch bản để chủ động đánh cắp danh tính của một người dùng cụ thể. Mục đích của hành động này là thu thập video quay trực tiếp khuôn mặt nạn nhân để phục vụ cho việc xác thực điện tử (eKYC) nhằm qua mặt hệ thống của các NH. Bằng thủ đoạn đó, chúng có thể tạo tài khoản theo tên một người dùng cụ thể mà nạn nhân chẳng hề hay biết. Những tài khoản "giả nhưng thật" này sau đó sẽ được cung cấp cho phía người đặt mua theo đúng như yêu cầu.
Khó truy vết vì tài khoản không chính chủ
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty CP an ninh mạng quốc gia (NCS), cho hay những kẻ lừa đảo thường chỉ sử dụng tài khoản ảo ở các NH để nhận tiền lừa đảo. Đó là tài khoản được đăng ký không chính chủ, từ các căn cước công dân bị đánh cắp hay mua lại tài khoản NH. Ngành công an cũng đã xử lý những vụ án liên quan đến việc mua bán tài khoản NH thời gian qua. Việc sử dụng tài khoản NH ảo thì rất khó để truy vết theo dòng tiền khi kẻ lừa đảo nhanh chóng chuyển đi hết toàn bộ số tiền nhận được chỉ trong vài phút.
Thế nhưng theo Quyết định 2345 của NH Nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7, khi chuyển tiền qua mạng, qua ứng dụng NH điện tử với số tiền trên 10 triệu đồng/giao dịch là phải xác thực khuôn mặt bên cạnh xác thực bình thường như hiện nay. Đồng thời, tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày là phải xác thực bằng khuôn mặt. Giải pháp này được xem là góp phần tăng cường đảm bảo an toàn cho chủ tài khoản NH, góp phần ngăn chặn tình trạng thuê, mượn, mua bán tài khoản NH để lừa đảo như thời gian qua. Khi đó, số lượng tài khoản ảo sẽ giảm đi nhiều. Bởi nếu chủ tài khoản là A thì người B không chuyển tiền đi được với giá trị lớn. Nếu kẻ lừa đảo phải chia nhỏ số tiền để chuyển đi thì sẽ làm tăng thêm khả năng truy vết dòng tiền khi cơ quan điều tra phối hợp với NH để phong tỏa tài khoản, ngăn chặn số tiền bị lừa đảo.
Dù vậy, ông Sơn cảnh báo các đối tượng này rất ma mãnh, tinh vi, luôn dùng nhiều thủ đoạn biến tướng để lừa nạn nhân hay xóa dấu vết. Bản thân người dùng phải luôn nâng cao cảnh giác trước các chiêu trò để tránh sập bẫy lừa đảo. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tiếp tục tăng cường cảnh báo các hiện tượng, chiêu trò lừa đảo để người dân cập nhật thông tin.
Trong khi đó, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc truy theo dòng tiền là vô cùng khó khăn. Trước hết, những kẻ lừa đảo đã có sự chuẩn bị tinh vi trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Chẳng hạn như sử dụng căn cước công dân giả để mở tài khoản NH. Khi có tiền chuyển vào tài khoản là ngay lập tức chuyển đi hay rút ra rất nhanh chóng. Trong khi đó, những nạn nhân thường phải mất một thời gian mới trình báo với cơ quan công an vì lúc chuyển tiền đi vẫn chưa biết mình bị lừa đảo.
Theo quy định của ngành NH, các NH sẽ phải đảm bảo thông tin cá nhân khách hàng. Chính vì vậy chỉ khi nào có yêu cầu từ cơ quan chức năng thì các NH mới cung cấp thông tin hoặc phong tỏa tài khoản cá nhân nào đó. "Để truy vết dòng tiền lừa đảo, vấn đề quan trọng nhất là nhanh hay chậm. Thường thì nạn nhân là người bị động nên sẽ chậm hơn những kẻ lừa đảo. Tiền vô tài khoản chỉ mất vài phút là được lấy ra ngay. Khi tìm được đến chủ tài khoản thì lại không phải người thực hiện hành vi này.
Chính vì vậy, quan trọng nhất vẫn là người dân nâng cao cảnh giác. Đồng thời các cơ quan chức năng cần liên tục đưa ra cảnh báo. Các cảnh báo về hình thức lừa đảo hay tên tuổi những cá nhân, số tài khoản lừa đảo… cần được công khai đến từng tổ dân phố, phường xã để mọi người dân đều có thể tiếp cận thông tin. Điều đó mới góp phần hạn chế số nạn nhân bị lừa đảo. Còn một khi đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo thì tỷ lệ lấy lại rất thấp", luật sư Trần Xoa nói.
Nhiều hình thức mua bán tài khoản NGÂN HÀNG
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), việc mua bán tài khoản NH để thực hiện hành vi lừa đảo là vấn đề đáng báo động. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, cũng như triển khai quyết liệt giải pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng lan rộng. Cụ thể, các đối tượng sử dụng hàng trăm hội nhóm trên không gian mạng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... rồi đăng tải công khai thông tin mua bán tài khoản NH. Có thể kể đến một số thủ đoạn như mua bán trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo thường tìm các tài khoản NH có sẵn trên các diễn đàn hoặc thông qua mạng xã hội để thực hiện giao dịch. Kế tiếp, các đối tượng có thể thuê các tài khoản NH từ những người sở hữu với mục đích tạm thời thực hiện các giao dịch trên không gian mạng. Thủ đoạn tiếp theo là tạo tài khoản giả. Các đối tượng lợi dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo, hoặc sử dụng thông tin cá nhân bị đánh cắp để mở tài khoản NH. Hay lợi dụng các tài khoản của người thân, bạn bè hoặc sử dụng công nghệ cao, đánh cắp danh tính của một số người dùng. Mục đích của hành động này là thu thập các video quay trực tiếp lên khuôn mặt của nạn nhân để phục vụ xác thực điện tử nhằm qua mặt hệ thống của các NH...
5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến
Trong tuần đầu tháng 6, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã thống kê và cảnh báo 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến, đặc biệt gây thiệt hại nghiêm trọng lên đến 15 tỉ đồng. Thứ nhất, nạn nhân bị lừa hơn 14,7 tỉ đồng vì tham gia cá cược trên mạng. Thứ hai, người dân tiếp tục bị lừa 600 triệu đồng với dịch vụ lấy lại tiền lừa đảo; Thứ ba, cảnh báo website giả mạo chuyên trang Hoa học trò điện tử; Thứ tư, nhóm đối tượng lợi dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu đám mây nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhóm đối tượng có trụ sở tại Ma Rốc, mang danh là Storm-0539 hoặc Atlas Lion và hoạt động dưới danh nghĩa là tổ chức phi lợi nhuận; Thứ năm, người phụ nữ tại Canada suýt rơi vào bẫy lừa đảo tinh vi rao bán hàng trực tuyến. Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác, tuyệt đối không tin tưởng, không thực hiện giao dịch hay chuyển tiền khi chưa xác minh được rõ danh tính của đối tượng, đặc biệt là những dịch vụ "lấy lại tiền bị lừa đảo"…
Việc lấy lại tiền đã mất do bị lừa đảo trên mạng là một thách thức lớn và thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại hình lừa đảo, tốc độ phản ứng của nạn nhân, và sự hợp tác của các tổ chức tài chính. Cần lưu ý rằng khả năng lấy lại tiền đã mất có thể rất thấp hoặc không thể, đặc biệt khi tiền đã được chuyển qua nhiều tài khoản hoặc đã được rút ra. Do đó, phòng tránh lừa đảo bằng cách nâng cao nhận thức và cảnh giác là phương pháp hiệu quả nhất.
Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật từ dự án chongluadao.vn