Chuẩn bị thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát - 'lớn nhất từ trước tới nay'
Pháp luật - Ngày đăng : 17:30, 12/08/2024
Theo thông tin từ Tổng cục Thi hành án dân sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi vừa chủ trì buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự TPHCM về công tác chuẩn bị tổ chức .
Bản án sơ thẩm số 157/2024 vụ Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1, đang bị kháng cáo) của TAND TPHCM cho thấy bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phải bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP SCB dư nợ của 1.243 khoản vay tính đến ngày 17/10/2022 hơn 673.000 tỷ đồng; một số tổ chức, cá nhân khác phải trả cho bà Lan gần 23.000 tỷ đồng.
Ngoài ra theo thi hành án còn các khoản án phí và tịch thu sung quỹ nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.
Cục Thi hành án TPHCM đã tiếp nhận các tài liệu về giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, biên bản kê biên, lệnh kê biên do công an chuyển tới hơn 1.300 bất động sản. Trong đó tại TPHCM có trên 1.000 bất động sản; gần 200 bất động sản ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Nam Định, Long An, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh; trên 1 tỷ cổ phần; 22 động sản…
Đại diện Cục Thi hành án dân sự TPHCM tính toán, chỉ riêng giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát đã có khối lượng công việc "vô cùng đồ sộ" - chưa tính đến giai đoạn 2 của đại án này.
Cơ quan này dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, trong khi nguồn nhân lực, vật lực hiện tại khó có thể đáp ứng yêu cầu.
Dự kiến phiên tòa phúc thẩm đại án Vạn Thịnh Phát sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Vì thế, cơ quan thi hành án đã lập kế hoạch tiếp nhận yêu cầu, thụ lý và tổ chức thực hiện; rà soát, phân loại tài sản phải xử lý để làm căn cứ thi hành.
Thi hành án TPHCM cũng sẽ xây dựng phần mềm thụ lý, ra quyết định thi hành án, thông báo rộng rãi việc tiếp nhận tiền khắc phục hậu quả; có phương án xử lý các tình huống phát sinh và hạn chế điểm nóng...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nhìn nhận khối lượng công việc trong vụ Vạn Thịnh Phát sẽ rất đồ sộ, thách thức với cơ quan thi hành án dân sự.
Ông yêu cầu çầu Cục Thi hành án dân sự TPHCM rà soát kỹ bản án, các tài sản phải xử lý trong giai đoạn 1. Từ đó đề xuất cụ thể quy trình tổ chức thi hành án theo hướng giảm bớt các khâu, quy trình để bảo đảm tính khả thi.
Thứ trưởng Tư pháp giao có phương án bổ sung kịp thời nguồn chấp hành viên cho các cơ quan thi hành án ở TPHCM.
Tổng cục cùng với Cục Thi hành án dân sự TPHCM rà soát những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ trong cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của đại án này.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp ngày 12/4, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, khẳng định Vạn Thịnh Phát sẽ là vụ thi hành án dân sự
"Tòa sơ thẩm mới tuyên án hôm qua, số tiền bồi thường thiệt hại rất lớn, rất nhiều tài sản và đương sự liên quan. Ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, các tài sản và vật chứng được chuyển giao cho cơ quan thi hành án, Tổng cục Thi hành án đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát về thủ tục pháp lý để đảm bảo thi hành án về sau", ông Lợi cho hay.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cũng khẳng định đã xây dựng kịch bản thu hồi tài sản chi tiết cho các vụ đại án Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á… để có biện pháp bố trí nguồn lực phù hợp.