Trung Quốc nghiên cứu chip não đột phá, Mỹ phải dè chừng
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 16:47, 12/08/2024
Trung tâm nghiên cứu Neuromodulation và BCI với quy mô 56 triệu USD tại Đại học Phúc Đán được kỳ vọng sẽ phát huy tiềm năng mang tính cách mạng của công nghệ BCI trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe, như phục hồi thị lực cho người mù và khả năng vận động cho bệnh nhân bị liệt.
Trung tâm được thành lập trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghệ đột phá trong cuộc đua giành vị thế thống trị với Mỹ, quốc gia dẫn đầu nhiều năm về nghiên cứu BCI.
Theo tờ The South China Morning Post, trung tâm nghiên cứu mới này nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu bệnh não và ngành công nghiệp, đại diện cho sự tích hợp có hệ thống các nguồn lực liên quan khoa học não bộ của ĐH Phúc Đán và sẽ thúc đẩy ứng dụng lâm sàng cũng như công nghiệp hóa lĩnh vực này.
Tháng 12-2021, chính quyền TP Thượng Hải đã nêu rõ thiết bị phục hồi chức năng và tập luyện với công nghệ BCI là trọng tâm phát triển thiết bị y tế cao cấp theo kế hoạch 5 năm mới nhất của địa phương này.
BCI là một trong những ngành công nghiệp tương lai được Trung Quốc đặc biệt thúc đẩy, coi là "lực lượng sản xuất chất lượng mới" - một khái niệm về phát triển sáng tạo, công nghệ cao được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra.
Một tài liệu chính thức hướng dẫn về phát triển các ngành công nghiệp mới nổi và tương lai đã nhấn mạnh đến việc công nghiệp hóa các công nghệ BCI. Tài liệu cho biết Trung Quốc khuyến khích "những đột phá trong các công nghệ và thiết bị quan trọng như công nghệ kết hợp não - máy tính và chip giống não".
Tháng trước, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc hoàn tất việc lấy ý kiến phản hồi của người dân về kế hoạch thành lập một ủy ban để xây dựng các tiêu chuẩn sử dụng công nghệ BCI, chẳng hạn thu thập thông tin não, xử lý trước, mã hóa và giải mã, truyền dữ liệu và trực quan hóa dữ liệu.