Chuẩn bị hợp long cầu Nhơn Trạch nối TPHCM với Đồng Nai
Nhịp sống - Ngày đăng : 15:28, 12/08/2024
Giữa tháng 8, nhân công, máy móc trên công trường cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (Vành đai 3 TPHCM) tất bật thi công ngày đêm để hoàn thành các hạng mục còn lại.
Cầu Nhơn Trạch hiện đạt 80% khối lượng và chuẩn bị hợp long nhịp đầu tiên vào tháng 9, hoàn thành toàn bộ cầu vào dịp 30/4/2025, vượt tiến độ 4 tháng.
Riêng gói thầu xây dựng đường dẫn 2 đầu cầu dài 5,6km (gói thầu CW2) hiện đạt 37%, dự kiến cơ bản hoàn hoàn thành vào 30/4/2025 và hoàn thành toàn bộ vào tháng 6/2025.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư - thuộc Bộ GTVT) cho hay, phần mặt bằng đoạn qua TPHCM đã được bàn giao toàn bộ. Riêng phía Đồng Nai, địa phương tạm bàn giao khoảng 98% diện tích, mặt bằng cơ bản thông suốt toàn tuyến.
Tuy nhiên, phát sinh 2 trường hợp tranh chấp, yêu cầu chi trả thêm tiền bồi thường cho một số thửa đất chưa rõ nguồn gốc pháp lý tại vị trí nút giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
"Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đang phối hợp với địa phương để giải quyết dứt điểm trong tháng 8", ông Thi cho hay.
Tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 đóng vai trò rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đến Bình Dương và TPHCM. Tuyến đường khi hoàn thành còn kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ; đặc biệt phân luồng từ xa và giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội đô.
Tổng mức đầu tư dự án 1A là 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với vốn Trung ương khoảng 529 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của Đồng Nai và TPHCM.
Vành đai 3 là đường liên vùng, điểm đầu của tuyến cao tốc hướng tâm như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TPHCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành...
Việc khép kín vành đai 3 góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.
Khi tuyến đường được đưa vào khai thác, phương tiện vận tải liên tỉnh không cần đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư; tiết kiệm được thời gian hành trình, chi phí, tạo thêm hướng kết nối giữa TPHCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TPHCM - Long Thành.