Một doanh nghiệp Việt từng từ chối đề nghị hợp tác của hãng siêu xe Lamborghini
Kinh doanh - Ngày đăng : 17:48, 11/08/2024
Tại tọa đàm "Xây dựng thương hiệu Việt phát triển, vươn ra thế giới" trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 8 năm Cà phê doanh nhân HUBA của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM diễn ra cuối tuần qua, bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Secoin, kể lại việc tập đoàn sản xuất ô tô hạng sang Lamborghini của Ý từng đề nghị với Secoin sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gạch thủ công với thương hiệu Lamborghini Title (gạch Lamborghini) ra thị trường thế giới.
"Đây là lời đề nghị rất hấp dẫn, vì nếu là sản phẩm gạch thủ công gắn thương hiệu sẽ bán được giá cao nhưng chúng tôi muốn giữ thương hiệu Secoin khi ra thế giới. Chúng tôi muốn Việt Nam thoát cái bóng là đất nước chỉ gia công cho các thương hiệu lớn. Secoin làm sản phẩm 100% thuần Việt, không gia công cho bất cứ ai và mong muốn doanh nghiệp Việt xây dựng hình ảnh "Made in Vietnam" thật sự" - bà Hương nói.
Bởi, Secoin đã có 35 năm có mặt trên thị trường, xuất khẩu hơn 60 thị trường trên thế giới. Uy tín gạch bông Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia như Tây Ban Nha, Maroc, Mexico, Brazil…
Kể câu chuyển này, bà Hương muốn khẳng định mong muốn đưa sản phẩm Việt ra thị trường thế giới nhưng phải là "Made by Vietnam" (được tạo ra bởi Việt Nam), chứ không chỉ "Made in Vietnam" (sản xuất ở Việt Nam).
Thực tế, Việt Nam là nước xuất khẩu thuộc tốp đầu thế giới với loạt mặt hàng từ gạo, dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử, công nghệ… Có điều, rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi tới tay người tiêu dùng đều mang thương hiệu của doanh nghiệp các nước khác. Doanh nghiệp Việt chủ yếu xuất khẩu hàng thô, làm gia công…
Các doanh nghiệp Việt cũng rất nỗ lực vươn ra thị trường thế giới nhưng bên cạnh một số thương hiệu thành công cũng có không ít doanh nghiệp, thương hiệu bị nước ngoài mua lại hoặc thâu tóm.
Theo các doanh nghiệp, uy tín về thương hiệu sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế vẫn còn chưa cao, dù chất lượng rất tốt. Đây là câu chuyện không chỉ nghiệp đau đáu, mà còn là câu chuyện của quốc gia, thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự kết nối, chung ta từ chính sách của nhà nước tới nỗ lực của doanh nghiệp, để cùng nhau tạo điểm sáng trên bản đồ.
Bà Phan Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty TMTM (thương hiệu MORI), kể câu chuyện khác, tại Olympic 2020 ở Nhật Bản, trong các món quà tặng tại sự kiện này có sản phẩm socola do chính công ty làm.
Sau khi nhận đơn hàng, bà Mai có một đề nghị với ban tổ chức là tất cả hình ảnh, bao bì, socola là của Việt Nam, vậy có thể ghi trên bao bì "Product of Vietnam" không? Và ban tổ chức đồng ý. Bởi nếu doanh nghiệp Việt sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu từ bản địa cần mạnh dạn ghi "Product of Vietnam" – thể hiện sự tự hào về sản phẩm Việt, chứ không chỉ "Made in Vietnam".
Theo bà Mai, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng tự tin xây dựng thương hiệu cho mình, định nghĩa thương hiệu Việt một cách đơn giản để dễ dàng làm.
Thương hiệu Việt gồm những đặc điểm là sản phẩm sản xuất, sử dụng nguyên liệu công nghệ nhân lực Việt Nam, đặc biệt thể hiện bản sắc, văn hóa, truyền thống Việt Nam thông qua thiết kế bao bì, logo hoặc các yếu tố khác… Khi xuất khẩu ra nước ngoài doanh nghiệp đừng nghĩ đơn giản đó là sản phẩm mà là "tác phẩm" mang hình ảnh, văn hóa Việt Nam.