Điểm tin Kinh doanh 11/8: Giá vàng: Vàng nhẫn tiếp tục tăng
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 11/08/2024
- Giá vàng: Vàng nhẫn tiếp tục tăng
Giá vàng miếng hôm 10-8 ở trong nước đồng loạt đứng yên ở tất cả các thương hiệu. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng.
Vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng: 76,5 triệu đồng/lượng mua vào, 78,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 9-8 ở cả 2 chiều).
Vàng SJC Phú Quý: 76,6 triệu đồng/lượng mua vào, 78,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm qua ở cả 2 chiều).
Vàng DOJI tại Hà Nội và DOJI tại TP Hồ Chí Minh: 76,5 triệu đồng/lượng mua vào, 78,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 9-8 ở cả 2 chiều).
Giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 76,5 triệu đồng/lượng mua vào, 78,5 triệu đồng/lượng bán ra (bằng giá hôm 9-8 ở cả 2 chiều). Vàng nhẫn tròn trơn được doanh nghiệp giao dịch ở mức 76,38 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm 9-8), 77,58 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm 9-8).
Vàng nhẫn PNJ tại TP Hồ Chí Minh và vàng PNJ tại Hà Nội: 76,3 triệu đồng/lượng mua vào (tăng 100.000 đồng/lượng so với hôm 9-8), 77,59 triệu đồng/lượng bán ra (tăng 110.000 đồng/lượng so với hôm 9-8).
Như vậy, giá vàng miếng trong nước hôm 10-8 “lặng sóng” ở tất cả các thương hiệu vàng. Trong khi đó, vàng nhẫn tiếp tục tăng, mức tăng cao nhất tăng 110.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới chiều 10-8 đứng ở mức 2.431,7 USD/ounce, bằng phiên giao dịch buổi sáng. Giá vàng tương lai đứng ở mức 2.470,6 USD/ounce, tăng 1,7 USD/ounce so với phiên giao dịch buổi sáng.
Nhìn về xu hướng giá vàng, một số nhà phân tích cho rằng, trong trung hạn, triển vọng tăng giá của vàng vẫn tích cực. Ngoài ra, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ giảm là một yếu tố có lợi cho giá vàng vì vàng là một tài sản không mang lãi suất.
- Huawei Việt Nam nhận giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á” 2024
Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam (Huawei Việt Nam) đã đón nhận giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2024” (Best Companies to Work for in Asia Awards 2024) và giải thưởng đặc biệt “Doanh nghiệp quan tâm chăm sóc nhân viên nhất” (Most Caring Company) tại lễ trao giải HR Asia Awards 2024. Bên cạnh đó, Huawei cũng được đánh giá cao so với thị trường ở các hạng mục đặc biệt khác như “Doanh nghiệp Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập” (HR Asia Diversity, Equity, and Inclusion), doanh nghiệp có “Môi trường làm việc bền vững” (HR Asia Sustainable Workplace).
Năm nay, Huawei Việt Nam đã nhận giải “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2024” sau khi vượt qua quá trình khảo sát nhân viên cũng như phỏng vấn từ ban tổ chức. Đây là minh chứng cho sự công nhận về những nỗ lực của Huawei Việt Nam trong việc tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân tài trẻ, phát triển các chính sách, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc cho các nhân viên.
Bên cạnh đó, Huawei Việt Nam cũng đã vượt qua hàng trăm doanh nghiệp khác và giành được giải thưởng đặc biệt “Doanh nghiệp quan tâm chăm sóc nhân viên nhất - Most Caring Company”.
Giải thưởng đánh giá cao các hoạt động quan tâm đến nhân viên của Huawei Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, với các hạng mục giải thưởng đặc biệt như “Doanh nghiệp Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập” và “Môi trường làm việc bền vững”, Huawei Việt Nam cũng đạt được những kết quả cao so với thị trường.
- Hàng Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam
Hàn Quốc vẫn được ghi nhận là thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc tiềm năng của Việt Nam với kết quả tăng trưởng dương trong 2 quý đầu năm 2024…
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), Hàn Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 114 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Riêng quý 2/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 58 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2024 tiếp đà tăng từ năm 2023. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương. Trong 3 tháng của quý 2/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này tăng trưởng dương trong cả 3 tháng của quý 2, đặc biệt xuất khẩu trong 2 tháng 5 và 6 tăng trưởng 2 con số.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2024 chiếm tỷ trọng 71,9%. Tiếp theo là sản phẩm từ mực chiếm 28,1%. Trong đó nhiều nhất là các sản phẩm bạch tuộc khô/muối/sống/tươi/đông lạnh chiếm tới 68% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc. Nhóm sản phẩm này tăng 18% trong khi nhóm bạch tuộc chế biến (HS 16) giảm 15%.
2 quý đầu năm 2024, xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh hơn so với mực. Xuất khẩu nhóm sản phẩm mực chế biến và mực khô/nướng tăng 2 con số trong khi xuất khẩu nhóm sản phẩm mực tươi/đông lạnh giảm nhẹ 4%.
Hàn Quốc chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh, mực khô lột da, mực nút đông lạnh…
- Nhà đầu tư phương Tây quay lại thị trường vàng
Trong tháng Bảy qua, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng trên toàn cầu đón nhận dòng vốn 3,7 tỉ đô la Mỹ, đánh dấu tháng tăng trưởng tốt nhất kể từ 4-2022.
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các quỹ ETF châu Âu và Bắc Mỹ đóng góp phần lớn mức tăng trưởng này, cho thấy sự quay trở lại của nhà đầu tư phương Tây trên thị trường vàng.
Các quỹ ETF vàng ở châu Âu và Bắc Mỹ thu hút dòng vốn ròng mạnh mẽ trong tháng Bảy, cho thấy nhà đầu tư phương Tây đang quay trở lại thị trường vàng. Ảnh: linkedin.com
Báo cáo công bố hôm 8-8 của WGC cho biết, nhờ dòng vốn 3,7 tỉ đô la chảy vào các quỹ ETF vàng ở khắp các khu vực trên toàn cầu, tổng lượng vàng nắm giữ của các quỹ này trong tháng trước tăng thêm 49 tấn, lên 3.154 tấn, cao nhất kể từ tháng Giêng.
Kết hợp với mức tăng 4% của giá vàng trong tháng Bảy, tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) của các quỹ ETF tăng lên 246 tỉ đô la Mỹ. Liên tiếp trong 3 tháng qua, dòng vốn đã chảy ròng vào các quỹ ETF trên toàn cầu.
“Các quỹ ETF ở tất cả các khu vực đều báo cáo dòng vốn chảy ròng vào trong tháng 7, với các quỹ ETF của phương Tây thu hút phần lớn dòng vốn”, báo cáo của WGC cho biết.
Cụ thể, tại Bắc Mỹ, nhờ dòng vốn chảy vào 2 tỉ đô la, các quỹ ETF bổ sung thêm 26 tấn vàng trong tháng Bảy, nâng tổng lượng nắm giữ lên 1.591 tấn. AUM của các quỹ này cũng tăng lên 124 tỉ đô la. Đây là diễn biến tích cực sau khi các quỹ ETF Bắc Mỹ chứng kiến vốn bị rút ròng ở mức nhỏ trong tháng 5 và tháng 6.
- Nhận tin vui từ thị trường lao động, chứng khoán Mỹ tiếp đà khởi sắc
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi trong phiên 9/8 khi báo cáo việc làm tích cực đã giúp giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về nền kinh tế Mỹ.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 9/8, chỉ số S&P 500 cộng 0,47% lên 5.344,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,51% lên mức 16.745,30 điểm, còn Dow Jones nhích 51 điểm (tương đương 0,13%) lên 39.497,54 điểm.
Tuy nhiên, tính chung trong tuần, chỉ số S&P 500 vẫn giảm 0,04%. Hai chỉ Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt sụt 0,6% và 0,18% trong tuần qua.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall vừa chứng kiến tuần giao dịch biến động nhất trong năm nay. Trước đó, trong ngày 5/8, chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 1.000 điểm, còn S&P 500 mất 3%, ghi nhận phiên giao dịch tệ nhất kể từ tháng 9/2022
Dữ liệu việc làm yếu hơn dự báo và lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn kế hoạch hạ lãi suất là nguyên nhân chính gây ra đợt bán tháo trên thị trường cổ phiếu.
Ngoài ra, việc các quỹ đầu cơ đóng giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) sử dụng yen Nhật cũng được coi là một nguyên nhân.