Mỹ có bao nhiêu căn cứ quân sự ở Trung Đông?

Quân sự thế giới - Ngày đăng : 19:54, 10/08/2024

Việc Washington liên tiếp điều động các lực lượng quân sự đến khu vực Trung Đông những ngày qua thể hiện cam kết của Mỹ sẵn sàng bảo vệ đồng minh Israel trước nguy cơ bị tấn công trả đũa bởi Iran và các nhóm chiến binh.

Tuy nhiên, dường như vẫn còn một mục đích khác ẩn sâu bên trong động thái điều động quân sự ồ ạt này. Theo Sputnik, đó chính là việc bảo vệ mạng lưới các cơ sở và tài sản quân sự rộng lớn mà Washington kiểm soát ở Trung Đông.

Trong khi Lầu Năm Góc không muốn tiết lộ số lượng chính xác các căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Đông, dữ liệu công khai và báo cáo điều tra của giới truyền thông cho thấy Washington kiểm soát ít nhất 64 cơ sở trong khu vực, mặc dù khó có thể xác nhận liệu tất cả các cơ sở này còn đang hoạt động hay không.

Trong số những căn cứ quân sự đáng chú ý của Mỹ ở Trung Đông, căn cứ không quân Izmir và Incirlik đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng, cho phép Washington duy trì máy bay chiến đấu và thực hiện việc tiếp nhiên liệu cho các máy bay hoạt động trong khu vực. Căn cứ Incirlik cũng là nơi chứa một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ.

Căn cứ không quân Al Dhafra tại UAE là nơi đóng quân của Phi đoàn Viễn chinh Không quân số 380 của Không quân Mỹ. Ảnh: Al Dhafra Air Base 

Tại Saudi Arabia, Mỹ xây dựng căn cứ không quân Prince Sultan với hơn 2.000 binh sĩ đồn trú, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ bảo đảm phòng không cho Saudi Arabia cũng như bảo dưỡng các loại máy bay chiến đấu của Mỹ trong khu vực.

Căn cứ không quân Al Dhafra đặt tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là nơi đóng quân của Phi đoàn Viễn chinh Không quân số 380 của Không quân Mỹ, với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chiến đấu, cung cấp thông tin tình báo, giám sát, trinh sát, chỉ huy và kiểm soát trên không trong mọi điều kiện thời tiết; tiếp nhiên liệu trên không cho các máy bay quân sự.

Tại Bahrain có căn cứ của Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ Hải quân Bahrain cũng như các lực lượng hải quân của Mỹ và đồng minh hoạt động trong vịnh Ba Tư, biển Hồng Hải, biển Arab và ngoài khơi Đông Phi.

Tại Qatar có căn cứ không quân Al Udeid, đóng vai trò là trụ sở tiền phương của Bộ tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM), Bộ tư lệnh Trung ương Không quân Mỹ, Nhóm không quân viễn chinh số 83 RAF và Phi đoàn không quân viễn chinh số 379 của Không quân Mỹ.

Máy bay tiếp nhiên liệu của Mỹ tại căn cứ không quân Al Udeid, Qatar. Ảnh: The Washington Times

Tại Jordan, Mỹ có hơn 3.000 quân đồn trú tại các căn cứ Tháp 22, căn cứ không quân Muwaffaq Salti, Trung tâm huấn luyện chung Jordan. Nhiệm vụ công khai của binh sĩ Mỹ tại đây là chống lại các mối đe dọa khủng bố trong khu vực, song sự hiện diện của họ gần biên giới với Syria làm nảy sinh những suy đoán về các hoạt động xuyên biên giới có thể xảy ra.

Tại Iraq, Mỹ duy trì lực lượng khoảng 2.500 binh sĩ, tiếp tục điều hành một số cơ sở quân sự, trong đó có căn cứ không quân Al Asad, Al Harir, bất chấp thời gian qua Chính phủ Iraq đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm trục xuất lực lượng quân sự Mỹ khỏi lãnh thổ Iraq.

Trong khi đó, 900 binh sĩ Mỹ vẫn đồn trú tại căn cứ quân sự Al-Tanf ở Syria với lý do chống lại mối đe dọa khủng bố ở nước này. Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump từng có lần công khai thừa nhận rằng mục tiêu thực sự của Washington “là dầu mỏ của Syria”.

Lực lượng quân sự Mỹ còn duy trì hoạt động tại các căn cứ ở Ai Cập, trên bán đảo Sinai với lý do hoạt động gìn giữ hòa bình. Tại Israel, Mỹ có cơ sở radar ở Khu 512 trên sa mạc Negev để theo dõi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo. Tại Oman, căn cứ không quân Thumrait giúp Mỹ thuận lợi trong hoạt động hậu cần, tiếp nhiên liệu. Ngoài ra, 4 cơ sở quân sự khác của Mỹ cũng được dựng lên tại Kuwait, gồm trại Arifjan, trại Buehring, trại Spearhead và trại Patriot.

HÀ PHƯƠNG