Điểm tin Kinh doanh 10/8: Giá vàng: đảo chiều tăng dữ dội
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 10/08/2024
- Giá vàng: đảo chiều tăng dữ dội
Theo cập nhật giá vàng hôm ngày 9/8, vàng miếng trong nước giữ nguyên giá nhưng giá vàng nhẫn tăng mạnh.
Theo đó, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 76,5 triệu đồng/lượng mua vào và 78,5 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 9/8 đang mua vào và bán ra mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng Doji hôm 9/8 tại khu vực Hà Nội đang là 76,5 triệu đồng/lượng mua vào và 78,5 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước. Giá vàng Doji ngày 9/8 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 76,5 triệu đồng/lượng mua vào và 78,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 76,5 triệu đồng/lượng mua vào và 78,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm ngày 9/8, giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra ở một số thương hiệu vàng lớn.
Giá vàng nhẫn hôm ngày 9/8, quay đầu tăng mạnh ở một số thương hiệu vàng, không cùng xu hướng với giá vàng miếng.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết ở ngưỡng 76,3-77,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào bán ra.
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn SJC ở ngưỡng 76,15-77,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở ngưỡng 76,28-77,48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 250.000 đồng/lượng so với đầu phiên giao dịch trước.
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 9/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 9/8 đảo chiều tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 46 USD, lên 2.428,3 USD/ounce.
Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.467,3 USD/ounce, tăng 41,2 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới tăng 1% nhờ được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng cao về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất đáng kể vào tháng 9.
- EU sắp siết chất lượng nông sản nhập khẩu
Ngày 9-8, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hội Nuôi ong Việt Nam… về việc Liên minh châu Âu (EU) thông báo dự thảo thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với một số hoạt chất. Những thay đổi này dự kiến áp dụng từ tháng 2-2025.
Có 4 hoạt chất EU đề xuất thay đổi MRL là: Zoxamide, Acetamiprid Fenbuconazole và Penconazole. Một số mặt hàng có sự thay đổi lớn như: hoạt chất Zoxamide trong nhóm rau gia vị (rau diếp, xà lách, cải bó xôi) từ 30 ppm còn 0,01 ppm, giảm 3.000 lần; chuối, chỉ tiêu Acetamiprid từ 0,4 ppm giảm còn 0,01 ppm; dưa, bí ngô, dưa hấu chỉ tiêu Acetamiprid từ 0,2 ppm giảm còn 0,08 ppm.
Nhiều nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang EU được thị trường này thiết lập quản lý dư lượng đối với 2 loại hoạt chất mới là Fenbuconazole và Penconazole. Trong đó, đáng chú ý là nhóm quả có múi và nhóm hạt như hạt điều, hạt mắc ca… dư lượng được quy định ở mức rất thấp - chỉ 0,01 ppm. Các sản phẩm quan trọng của Việt Nam cũng sẽ bị áp dụng 2 hoạt chất này như: gạo áp dụng nồng độ 0,01 ppm; cà phê, gia vị và mật ong cùng mức 0,05 ppm.
Theo TS Ngô Xuân Nam, việc thay đổi MRL của 4 hoạt chất: Zoxamide, Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid liên quan đến nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang thị trường EU. Vì vậy, Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan nghiên cứu, góp ý và thông báo cho các tổ chức, cá nhân liên quan được biết để kiểm soát MRL theo quy định của EU.
- Doanh nghiệp mua 2.000 xe ô tô điện đưa đón khách "nhậu" miễn phí chính thức vận hành
TOGO Grorup, doanh nghiệp mua 2.000 xe ô tô điện đưa đón khách "nhậu" miễn phí và đưa đón trẻ em đi học, người dân đi làm vừa chính thức vận hành, kinh doanh các gói sản phẩm "độc".
Ngày 9/8/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn TOGO (TOGO GROUP- trụ sở tại TP.HCM) chính thức vận hành kinh doanh các dịch vụ vận tải theo những loại hình mới lạ, độc đáo, thậm chí duy nhất ở Việt Nam. Doanh nghiệp đã vận hành dịch vụ sớm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu của TOGO GROUP.
Trước đó, TOGO GROUP đã mời khách hàng trải nghiệm sản phẩm hoàn toàn miễn phí 2 tuần.
Chính thức vận hành, TOGO GROUP tung 5 gói sản phẩm "độc - lạ" như: KVF - Đón đưa học sinh; O-GO - đón đưa công sở; P-GO : Đưa đón cá nhân ; F-GO : Các dịch vụ thuê bao gia đình; D-GO : Ăn nhậu thả ga - An toàn về nhà.
Trong đó, đặc biệt nhất gói dịch vụ D-GO: Ăn nhậu thả ga - An toàn về nhà, doanh nghiệp đón đưa khách "ngại " bị thổi nồng độ cồn tới các nhà hàng quán ăn thuộc chuỗi sinh thái của TOGO hoàn toàn miễn phí. Nếu các điểm đến ngoài hệ sinh thái thì doanh nghiệp vẫn phục vụ với giá cước quy đổi cao nhất chỉ 9.000đ /1km. Hiện tại TOGO GROUP đã tạo ra hệ sinh thái hàng trăm điểm đến cho thực khách là chuỗi ẩm thực, nhà hàng lớn.
- Hủy niêm yết cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình, HAGL Agrico từ 6/9
HoSE đã chính thức thông báo hủy niêm yết cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình và HNG của HAGL Agrico.
Tối 9/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố hai quyết định hủy niêm yết cổ phiếu với mã HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico.
Cả hai quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 6/9. Như vậy, ngày giao dịch cuối cùng của hai mã cổ phiếu HBC và HNG là ngày 5/9.
Trong thông báo, HoSE cho biết số lượng cổ phiếu HNG sẽ bị hủy niêm yết là hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, giá trị theo mệnh giá hơn 11.085 tỷ đồng.
Lý do hủy niêm yết cổ phiếu vì HAGL Agrico đã thua lỗ trong 3 năm liên tục, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán các năm 2021, 2022 và 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155 ngày 31/12/2020.
Còn với Xây dựng Hòa Bình, quyết định hủy niêm yết sẽ khiến hơn 347 triệu cổ phiếu của công ty này phải rời sàn. Giá trị cổ phiếu theo mệnh giá tương đương hơn 3.472 tỷ đồng.
Lý do hủy niêm yết cổ phiếu HBC vì tập đoàn này có số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định 155 ngày 31/12/2020.
Cuối tháng 7 vừa qua, HoSE đã có công văn thông báo với hai doanh nghiệp về việc sẽ huỷ niêm yết cổ phiếu.
- Giá tiêu hôm nay 10/8/2024: Thanh khoản kém, thị trường trầm lắng, sẽ có những đợt biến động giá bất thường
Giá tiêu hôm nay 10/8/2024 tại thị trường trong nước quay đầu tăng ở hầu hết các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 136.000 – 138.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 9/8/2024: Tiếp tục lao dốc, ngành hồ tiêu Việt có thể được hưởng lợi về giá
Giá tiêu hôm nay 10/8/2024 tại thị trường trong nước quay đầu tăng ở hầu hết các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 136.000 – 138.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 138.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (138.000 đồng/kg); Đắk Lắk (138.000 đồng/kg); Đắk Nông (136.000 đồng/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu (137.000 đồng/kg) và Bình Phước (137.000 đồng/kg).
Kinh tế thế giới nổi bật (2-8/8): Nga-Mỹ đổ tiền vào ‘vựa vàng đen’ Arab, ban nhạc K-pop BTS đang định hình chi tiêu tiêu dùng, Đức gây thất vọngKinh tế thế giới nổi bật (2-8/8): Nga-Mỹ đổ tiền vào ‘vựa vàng đen’ Arab, ban nhạc K-pop BTS đang định hình chi tiêu tiêu dùng, Đức gây thất vọng
Như vậy, sau 3 ngày lao dốc, giá tiêu trong nước hôm nay quay đầu tăng ở hầu hết các địa phương trọng điểm, mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, duy nhất ghi nhận giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại Đắk Nông. Giá tiêu cao nhất ở mốc 138.000 đồng/kg.
Báo cáo tuần mới nhất của Ptexim Corp nhận định, nhu cầu đã bắt đầu quay trở lại tại các thị trường trọng điểm như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, vẫn rất chậm ở Trung Đông và Trung Quốc.
Tình hình thanh khoản kém và dòng vốn cho hạt tiêu chậm lại khiến thị trường khá trầm lắng thời gian qua. Giá tiêu tại Việt Nam tiếp tục giảm do nhu cầu yếu ở hầu hết thị trường.
Ngoài ra, thị trường quốc tế đang đón nhận những thông tin khá tiêu cực như nguy cơ chiến tranh và các vấn đề liên quan đến vận tải biển, bao gồm giá cước và các tuyến vận chuyển mở rộng, chưa có mốc thời gian rõ ràng để bình thường hóa.
Ptexim Corp đánh giá, áp lực từ nguồn cung hạt tiêu ở nhiều thị trường khác nhau cũng góp phần khiến giá hạt tiêu giảm trong tuần trước. Dự báo thị trường sẽ tiếp tục khá trầm lắng trong những tuần tới.
- Giá cà phê hôm nay 10/8: Giá thế giới tiếp tục giảm mạnh
Giá cà phê trên 2 sàn giao dịch quốc tế, giá cà phê Robusta và Arabica đồng loạt giảm mạnh. Arabica ở mức 242.0 US cent/lb, sau khi giảm 1,35%, tương đương giảm 3,30 US cent/lb so với phiên giao dịch liền trước.
Giá cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên ngày 9/8, nằm trong khoảng 123.400-124.000 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 123.700 đồng/kg, giá mua cao nhất tại các tỉnh Đắk Nông là 124.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai (Chư Prông) là 123.700 đồng, ở Pleiku và La Grai cùng giá 123.600 đồng/kg; tại tỉnh Kon Tum cà phê được thu mua ở mức giá 123.700 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Nông cà phê được thu mua với giá cao nhất 124.000 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Lâm Hà, Bảo Lộc, Di Linh cà phê được thu mua với giá 123.400 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức khoảng 123.800 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 123.700 đồng/kg.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, Giá cà phê thế giới duy trì trạng thái giảm trên 2 sàn giao dịch quốc tế. Cụ thể, giá cà phê Robusta hợp đồng kỳ hạn giao tháng 9/2024 trên sàn London giảm 1,15%, tương đương giảm 51 USD/tấn về mức 4.385 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 9/2024 hiện đã giảm nhẹ trở lại ở mức 242.0 US cent/lb, sau khi giảm 1,35%, tương đương giảm 3,30 US cent/lb so với phiên giao dịch liền trước.